Còn sức còn san sẻ yêu thương
28/06/2021 - 18:06

TĐKT - Là chủ nhân của khách sạn Hải Ngư cùng nhiều địa điểm kinh doanh nhỏ lẻ đông khách khác trên địa bàn quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, nhưng hàng ngày chị Nguyễn Thị Hải Ngư vẫn như con ong chăm chỉ, tự tay xay, ép và bán từng cốc nước mía, nước sinh tố hoa quả hay cốc chè đá… nỗ lực lao động, gom góp từng đồng tiền, để có thêm nhiều cơ hội giúp đỡ những số phận, mảnh đời bất hạnh khác.

Tìm đến Khách sạn Hải Ngư tọa lạc trên địa bàn tổ dân phố 20, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy trong cái nắng hè oi ả lên đến hơn 40 độ C, nhưng không khí bỗng dịu xuống, mát mẻ khi chúng tôi được gặp và trò chuyện với một người phụ nữ nhân hậu Nguyễn Thị Hải Ngư.

Chị Hải Ngư đang xay nước mía

Trái hẳn với những gì chúng tôi tưởng tượng về một mạnh thường quân của những người nghèo khổ, chị Hải Ngư xuất hiện là chủ một hàng nước nho nhỏ, nằm nép sát khoảng vỉa hè trước khách sạn. Trong bộ quần áo giản dị cùng một chiếc túi đeo chéo màu đen của các bà hàng xén, người phụ nữ ấy vừa cười nói vui vẻ, vừa xay mía, cắt cam; vừa kêu bé Hiền ép dứa, ép dưa. Trong vài phút thoăn thoắt, hai cô cháu họ đã hoàn thành 15 cốc nước mía, 6 cốc nước cam dứa và 3 cốc nước dưa hấu để shipper mang đến cho khách hàng.

Cô bé Nguyễn Thu Hiền vừa đóng những hộp nước trái cây mang đi, vừa tươi cười chia sẻ: Trước đại dịch Covid-19, em vốn là lễ tân của khách sạn Hải Ngư. Công việc chủ yếu ngồi làm trong điều kiện điều hòa mát lạnh, phụ trách đón tiếp, hướng dẫn cho khách các thủ tục đặt, nhận, trả phòng… nhưng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 phức tạp, ngành du lịch khách sạn hầu như đóng băng toàn bộ. Em và 15 đồng nghiệp khác của khách sạn Hải Ngư vẫn được trả lương đều đặn bởi cô chủ rất linh hoạt, lại nghĩa tình. Sợ mọi người không kiếm được việc trong mùa dịch, cô Ngư lo cho mỗi người một việc: Con gái thì bán giải khát cùng cô; con trai khỏe mạnh hơn thì nhận rửa xe, thay dầu hay làm shipper… Ban đầu, ai cũng thấy ngại vì sự thay đổi này. Nhưng cứ nhìn vào tấm gương hăng say lao động và tinh thần lạc quan của cô Ngư để phấn đấu. Dù điều kiện sức khỏe không được tốt do từng trải qua cả chục lần phẫu thuật; đồng thời điều kiện kinh tế vững vàng, song cô Ngư và các con của mình vẫn hàng ngày lăn vào công việc, chẳng nề hà nắng mưa, đường sá xa xôi… Nhân viên như được truyền thêm động lực.

“Chúng tôi làm việc thì được cô trả lương, còn cô Ngư thì làm được bao nhiêu tiền đều mang đi giúp đỡ người khó khăn hết.” – Hiền chia sẻ.

Thông qua Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, năm nào chị Ngư cũng cố gắng hỗ trợ xe đạp cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ở khắp mọi miền đất nước

Chỉ tay về phía người đàn ông sống dưới tán cây sấu bên đường, Hiền bảo, đó là ông Quản Văn Bình. Người đàn ông này mới chỉ hơn 50 tuổi mà trông khắc khổ như ông lão 70. Ông là người đàn ông có số phận bất hạnh khi bị người vợ lừa bán nhà bỏ đi nơi khác, bản thân lại phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. Hàng ngày, khi ông thiếu tiền hay thiếu thức ăn, đồ uống, không có giường nằm, cô Ngư đều giúp đỡ mua cho. Khi ông mắc bệnh sắp chết, cô Ngư hỗ trợ tiền, rồi kêu gọi mỗi người trong khu phố góp cho một ít, giúp ông phẫu thuật và sống được tới giờ.

Bà Quản Thị Đắng bán hàng nước gần đó chia sẻ: Cả nhà cô Ngư tốt lắm. Giúp người là thói quen hàng ngày của không chỉ riêng cô ấy mà nhiều thế hệ trong gia đình. Bố mẹ cô ấy năm nay gần 90 tuổi nhưng vẫn thi thoảng cùng con cháu đến tận Nghệ An, Thanh Hóa đi tặng những con bò hay xây nhà cho người nghèo; đi quạt ngô nướng, bán lấy tiền ủng hộ từ thiện. Vợ chồng cô Ngư cũng có quan niệm rất hay “không dành dụm tiền bạc, vật chất để lại cho con cái, mà trao cho chúng cơ hội làm việc và dạy chúng cách sống nhân văn, nhân ái” nên con cái ai nấy  đều làm việc chăm chỉ, cùng mẹ làm việc thiện…

Kéo chiếc khăn vắt ngang vai, lau nhanh những giọt mồ hôi sũng trên khuôn mặt, chị Ngư vui vẻ chia sẻ: “Công việc bán nước hiện nay của tôi tuy chỉ là tạm thời, vất vả lọ mọ, nắng nôi nhưng nhờ chịu khó, mỗi ngày quầy nước nhỏ này cũng cho thu nhập 1 - 2 triệu đồng, giúp các cháu nhân viên có việc làm, có thu nhập; mà tôi cũng có thêm 1 khoản để ủng hộ cho các hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch.”

“Covid-19 khiến ai cũng khó khăn, khốn đốn, nhất là những người nghèo, không nơi nương tựa. Họ cũng lăn lộn với đời, làm quần quật nhưng vẫn không đủ ăn, con họ vẫn không được đến trường, bao năm vẫn không có mái nhà che thân… Mình may mắn hơn vì ông trời ban cho sức khỏe để lao động, cho mình một mái ấm cùng với con, cháu đủ đầy. Với tôi, đó là quả ngọt của cuộc đời. So với nhiều người khác, gia đình tôi vẫn chưa giàu có, còn phải đi bán từng cốc nước kiếm tiền, nhưng với tôi như thế là quá đủ và quá may mắn. Nên, còn khỏe, tôi vẫn sẽ lao động và cố gắng giúp thêm được người khó khăn nào thì giúp”. – Chị Ngư chân thành bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Hải Ngư (ngoài cùng bên phải) trao tiền ủng hộ xây nhà cho chiến sĩ bị hi sinh trong vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Thủy điện Rào Trăng 3

Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, có đông anh em nên từ nhỏ chị đã sớm bươn chải mọi việc để phụ giúp gia đình. Kể lại với các con, chị bảo, có lẽ chưa có ngòi bút nào tả hết những nỗi thống khổ của chị một thời.

Năm lên 6 tuổi, trong lúc chơi đùa cùng bạn bè, chị không may bị bạn ném đá vào mắt. Do gia đình nghèo, không có điều kiện chữa trị nên một con mắt của chị bị đục và hỏng dần. Hơn ai hết, chị hiểu thế nào là sự thiệt thòi, sự nghiệt ngã của cái đói nghèo. Nên chị luôn trân trọng từng hạt gạo, manh áo, từng đồng tiền mà mình vất vả kiếm được. Song, điều đáng quý ở người phụ nữ ấy là dẫu nhọc nhằn mưu sinh nhưng chị luôn nỗ lực làm việc, vượt lên hoàn cảnh và sẵn sàng giúp đỡ những người kém may mắn.

Chẳng kể lúc giàu có hay còn bần hàn, cứ thấy khổ là thương, nghèo là giúp đỡ. Chẳng mong ai báo đáp, chỉ cần lương tâm mình thoải mái, thấy hạnh phúc là đủ.

Từ khi đang còn là một thiếu nữ, không đang tâm nhìn cháu bé bị mồ côi cha mẹ sau một tai nạn, chị đã đứng ra nhận nuôi cháu bé ấy mặc cho có không ít những lời gièm pha gái chưa chồng mà đã có con. Ngoài ra, chị còn dũng cảm nhận làm mẹ để chăm sóc, nuôi dưỡng nên người hai đứa cháu mất bố sớm. Bằng chính dòng sữa nuôi con, chị dốc lòng dốc sức nuôi, dạy cả con và các cháu thành người; lo công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng cho chúng…

Nhiều năm nay, thông qua Hội Phụ nữ phường Dịch Vọng Hậu, chị cũng thường xuyên nhận nuôi đỡ đầu 5 cháu, mỗi tháng 400 nghìn đồng/tháng/cháu; đóng học phí cho 2 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn mỗi tháng 1,8 triệu/cháu… Năm nào, gia đình chị Ngư cũng ủng hộ vài con bò, vài chiếc xe đạp, trao sinh kế cho các gia đình nghèo mà chị biết…

Bận rộn, vất vả thế nào, nhưng hễ nghe được ở đâu đó dù Hà Nội, Thanh Hóa, Đắk Lắk hay Cao Bằng, Điện Biên có người còn đói ăn, không có điều kiện đón Tết, phải nghỉ học đến trường vì quá nghèo…, chị Ngư lại sốt sắng, lo lắng, tìm cách đến tận nơi để hỗ trợ họ ít gạo, ít tiền hay chiếc máy xay đậu làm kế sinh nhai.

Vừa rồi, dịch Covid-19 làm cuộc sống khó khăn, nhưng chị Ngư và các con trong gia đình đã gom góp ủng hộ 50 triệu đồng và vận động mọi người được hơn 50 triệu đồng cùng các nhu yếu phẩm để chia sẻ cùng tuyến đầu chống dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Đợt sạt lở đất nghiêm trọng tại thủy điện Rào Trăng 3, chị đã không quản nguy hiểm, lặn lội vào tận nơi để ủng hộ xây nhà cho một chiến sĩ…

Gần 10 năm qua, chị đã đặt chân đến nhiều nơi, chia sẻ với nhiều mảnh đời bất hạnh trên khắp mọi miền đất nước. Chị kể, có lúc chị trực tiếp mang tiền ủng hộ và vận động được vào tận Gia Lai, Kon Tum để giúp bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa khoan giếng, tìm nguồn nước ngọt. Ở đó, cả mấy tháng trời họ không có một giọt nước. “Khi giếng được khoan, mạch nước phun lên khỏi mặt đất, bà con nhảy lên reo hò, sung sướng.. tôi vô cùng xúc động, hạnh phúc lạnh đến sống lưng.” – Chị kể.

Vợ chồng chị Hải Ngư và những người bạn trao tiền ủng hộ bà con nghèo ở vùng sâu vùng xa tỉnh Gia Lai khoan giếng

“Tận mắt chứng kiến cảnh bà con vùng Tây Nguyên sâu thẳm trong rẫy vui mừng đón nhận những túi gạo, túi lạc, túi cá khô giản dị của Đoàn từ thiện; những đứa trẻ vùng cao chân trần tay run cầm cập nhận chiếc bánh mỳ trên tay; những cháu nhỏ cười đùa, tung tăng trên chiếc xe đạp mới… lòng tôi nhẹ nhõm, hạnh phúc đến lạ thường. Hành trình thiện nguyện đã mang đến cho tôi thêm những điều ý nghĩa, giúp tôi thấy cuộc đời thật đáng sống và đáng yêu thương.” – Chị Ngư chia sẻ.

Đồng hành cùng chị Ngư trong rất nhiều hành trình thiện nguyện, trao yêu thương hơn 10 năm nay, chị Bùi Thị Lan Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy xúc động: “Dù làm doanh nghiệp du lịch, nhưng với chị Ngư, các chuyến đi du lịch luôn là điều xa xỉ. Chị Ngư để dành tiền, để phối hợp với Hội, các ban, ngành, đoàn thể đi từ thiện. Chị bảo, đó cũng là cách để chị vừa đi thưởng thức danh lam thắng cảnh đẹp của đất nước, vừa có thể sẻ chia sâu sắc với nhiều người Việt hơn. Nhiều năm qua, chị Ngư sát cánh với Hội Chữ thập đỏ đi khắp nơi như Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, xây cầu ở Hải Phòng, Thái Bình..., vào các tỉnh miền Nam như Bến Tre, Cần Thơ… địa phương nào cũng có sự đóng góp tài trợ. Hơn 10 năm, chị Ngư gần như là nhà tài trợ chính của phường, Hội. Trong các kỳ cuộc tặng quà ở các nơi, gia đình chị Ngư luôn đóng góp nhiều nhất. Chúng tôi rất quý mến, nể phục chị ấy, một con người luôn có tâm vì cộng đồng”.

Tạm biệt chị Nguyễn Thị Hải Ngư khi đồng hồ đã điểm 12h trưa. Cái nắng nóng gay gắt giữa trưa tháng sáu của Hà Nội chẳng thể làm giảm vẻ đẹp tươi tắn, hồn hậu toát lên từ khuôn mặt tròn đầy của người phụ nữ ấy. Những giọt mồ hôi vẫn lã chã rơi nhưng không một lời than phiền vất vả, chị giám đốc khách sạn Hải Ngư vẫn hồ hởi nói cười, vẫn thoăn thoắt đôi tay làm hết những đơn hàng đang gọi. Thiết nghĩ, hạnh phúc là những điều thật giản dị nhưng vô cùng cao quý. Hạnh phúc sẽ nhân lên gấp bội lần khi bạn biết thế nào là đủ và sẵn sàng san sẻ những yêu thương.

Mai Thảo