TĐKT - Bị khuyết tật từ nhỏ nhưng luôn biết khao khát vươn lên để trở thành một chuyên gia về công nghệ thông tin (CNTT), Nguyễn Chiến Thắng – Chi hội phó Hội Người khuyết tật phường Khương Mai, Thanh Xuân, TP Hà Nội đã trở thành tấm gương cho nhiều người vì câu chuyện thành công được viết nên bởi chính nghị lực của cuộc đời mình.
Từ một cậu bé tật nguyền ham học
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước khi có cả ông nội và cha mẹ đều là những người lính đã hy sinh, cống hiến cả tuổi xuân để bảo vệ Tổ quốc, cậu bé Nguyễn Chiến Thắng trở thành niềm mong mỏi của cả nhà với biết bao ấp ủ, dự định. Thế nhưng, khi chỉ mới vài tháng tuổi, Thắng đã có dấu hiệu của một đứa trẻ khuyết tật.
Hơn 10 năm đưa con đi chạy chữa tại bệnh viện Châm cứu Trung ương là những tháng ngày cả gia đình đều nuôi hy vọng về một cơ thể khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác cho Thắng.
Nhưng không được may mắn như bao người, Nguyễn Chiến Thắng đã bị di truyền chất độc da cam từ cha mình – cựu chiến binh Nguyễn Vĩnh Trân. Mọi ước mơ về một cậu con trai thông minh, khỏe mạnh dường như đã vụt tắt cho đến khi bố mẹ quyết định cho cậu bé tật nguyền ấy đi học tại Làng Hòa Bình - Nơi nuôi dưỡng trẻ bị di chứng chất độc da cam/dioxin.
Cựu chiến binh Nguyễn Vĩnh Trân – Người cha, người bạn đồng hành bên Nguyễn Chiến Thắng trên chặng hành trình dài chinh phục thành công trong cuộc đời
Tại đây, Thắng đã chứng tỏ mình là một cậu bé khiếm khuyết về cơ thể và giọng nói nhưng lại có trí não tuyệt vời. Cậu tiếp thu nhanh đến mức những kiến thức được dạy ở Làng đã không còn đủ đáp ứng sự lĩnh hội của Thắng.
Bởi vậy, sau khi con học xong lớp 3, bố cậu đã chủ động xin cho Thắng được học ở trường tiểu học Kim Liên nhưng bị từ chối. Từ đó, hai bố con quyết tâm tự mày mò học toán và tiếng Anh để thỏa mãn niềm đam mê được tiếp thu tri thức của Thắng.
Khi chị gái học đại học được bố mua tặng cho một chiếc máy tính, Thắng mừng rỡ tự khám phá những điều mới lạ và luôn coi máy tính là người bạn đồng hành của mình trong suốt những năm tháng tuổi thơ không được đến trường. Từ đây, cậu dần bộc lộ nhiều năng khiếu về CNTT, về kỹ thuật vận hành máy tính khi tự tìm hiểu, tự học, khiến mọi người trong nhà rất kinh ngạc.
Luôn tự dằn vặt bản thân vì đã mang trong mình thứ chất độc khiến con phải chịu số phận thiệt thòi, ông Trân tự nhủ phải bù đắp cho con bằng chính lòng yêu thương vô hạn của mình.
Sau khi vợ qua đời để lại cho ông hai đứa con, một mình ông phải làm tròn trách nhiệm gánh vác gia đình nhưng vẫn cố gắng giữ vững bản lĩnh để làm điểm tựa cho con. Ông mua sách toán, CNTT, tiếng Anh và 1 máy tính cho riêng Thắng để con thỏa sức học hỏi những điều thú vị.
Đáp lại sự quan tâm của bố, Thắng càng học càng cho thấy tư chất thông minh và năng khiếu với máy tính của mình. Dần học hết những kiến thức có trong sách vở, Thắng khao khát được thể hiện mình là một người có ích cho gia đình và xã hội.
Nỗ lực đáng khâm phục
Một lần được bố đưa đi chơi qua Trung tâm Dạy nghề Hoàn Kiếm có tổ chức thi lấy chứng chỉ EXCEL và FOXPRO, Thắng nằng nặc đòi xin vào học. Thương con, ông Trân cố gắng thuyết phục Trung tâm để Thắng được đến trường dù trước đó đã bị từ chối.
Kết quả, Thắng đạt cả 2 chứng chỉ EXCEL và FOXPRO đã thắp lên niềm tin trong ông - người cha hết lòng vì con và có niềm tin vào năng lực trí tuệ của cậu con trai tật nguyền tội nghiệp của mình.
Sau đó, ông quyết định thuyết phục Trung tâm lập trình viên Aptech – FPT để Thắng được theo học, thỏa mãn niềm đam mê với máy tính của mình. Được học ở một môi trường đào tạo chuyên nghiệp có trình độ tương đương đại học của Ấn Độ, có sự hướng dẫn của giáo viên cùng tài liệu và các trang thiết bị đầy đủ, Thắng càng có quyết tâm học thật giỏi để xứng đáng với sự mong mỏi của bố.
Ở lớp, Thắng tiếp thu rất nhanh dù không được ưu tiên bất kỳ nội dung nào ngoài việc được chiếu cố chút thời gian do tay có tật nên sử dụng chuột chậm. Kết quả, nhóm Thắng đạt xuất sắc 91/100 điểm và là nhóm thứ 2 đạt điểm cao kể từ khi Aptech đào tạo.
Không dừng lại ở đó, Thắng tiếp tục được thi tuyển vào “Trung tâm đào tạo lập trình viên và Hacker quốc tế của Pháp” do sự giới thiệu của một người bạn qua mạng. Vượt qua hàng trăm kỹ sư CNTT loại giỏi của các nước Mỹ, Pháp, Israen, Trung Quốc, Nga, Anh, Đức..., Nguyễn Chiến Thắng được chọn là 1 trong 10 người có điểm số cao nhất và được miễn học phí do là người khuyết tật sau khi thuyết phục và cam kết tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình trong quá trình theo học.
Do theo học loại hình đào tạo trực tuyến từ xa của Pháp nên bị lệch múi giờ, Thắng phải thức từ 21 giờ tối hôm trước đến 4 giờ hôm sau để theo học rõng rã suốt 3 năm. Có lần, Thắng bị đau đầu dữ dội, gục xuống vì cường độ lao động trí tuệ caovà không còn nhận ra người thân. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, trí nhớ của Thắng lại dần hồi phục. Cậu tiếp tục say mê hoàn thành các bài thực hành, bất chấp nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng và lời khuyên răn của bố cùng người thân.
Sau 1 năm miệt mài học tập, Thắng đã được trung tâm đầu tư cho phần mềm dịch tiếng Anh sang tiếng Việt giúp nghe giảng và tiếp thu nhanh, đỡ căng thẳng hơn. Trải qua 3 năm học tập vô cùng khó khăn, Thắng đã đạt được kết quả hơn cả mong đợi.
Thành quả ngọt ngào
Năm 2004, trong cuộc thi “Trí tuệ Việt Nam và nhân tài đất Việt” về CNTT, Thắng cũng là ứng viên dự thi và đạt giải nghị lực với sản phẩm “Các giải pháp bảo mật tích cực cho Website lưu hành trên mạng”. Để khuyến khích tài năng và nghị lực của người khuyết tật, ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc tập đoàn FPT nhận Thắng vào làm việc tại Ban FIM – FPT cho đến nay. Thắng đảm nhận các công việc nhân viên kỹ thuật mạng, an ninh mạng và nhân viên phòng Nghiên cứu ứng dụng.
Với sự nỗ lực trong học tập và nghiên cứu, năm 2008, Thắng được chọn là 1/60 đại biểu tiêu biểu của cả nước rước đuốc chuyển tiếp từ Olympic Bắc Kinh về TP Hồ Chí Minh. Cũng trong dịp này, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xuất bản cuốn sách “Vượt lên số phận” vinh danh 300 tấm gương tiêu biểu của những người khuyết tật cả nước vượt khó vươn lên, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng quà.
Nguyễn Chiến Thắng (đứng thứ 2 từ trái sang) cùng đại diện Hội Người khuyết tật phường Khương Mai nhiệm kỳ I, 2014-2019 nhận Giấy khen của Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân
Cảm mến trước nghị lực phi thường của chàng trai khuyết tật, cô sinh viên Nguyễn Thị Hồng đã quyết định chuyển sang học đại học CNTT để cùng chuyên ngành với Thắng. Sau khi được Thắng tận tình giúp đỡ; Hồng đã trở thành cử nhân CNTT và cũng là trợ thủ đắc lực của chồng.
Vợ chồng Thắng đã có 2 con khỏe mạnh và phát triển bình thường. Cuộc sống gia đình Thắng bây giờ luôn đầy ắp tiếng cười trẻ thơ bởi người cha khuyết tật ấy luôn lạc quan, yêu đời và hết mực yêu thương vợ con. Dù hạn chế trong giao tiếp và sinh hoạt nhưng Thắng vẫn dành thời gian cùng vợ chăm sóc dạy dỗ các con và chia sẻ việc nhà cùng vợ.
Không thỏa mãn với những gì đã đạt được và cũng để theo kịp với những phát triển không ngừng của ngành CNTT, Thắng vẫn kiên trì ngày đi làm, tối học thêm; cho đến nay Thắng đã đạt được kỳ tích trong học tập: Hai bằng Lập trình viên quốc tế tương đương đại học (Microsoft và ApTech – FPT) với điểm số xuất sắc 99/100 điểm; 11 chứng chỉ về mạng, an ninh mạng, điện toán đám mây bậc trên đại học của Pháp và Mỹ. Đồng thời, Thắng cũng là người Việt Nam đầu tiên tự thiết kế thành công Trung tâm điện toán đám mây lấy tên là: “T.CLOUD”.
Tình yêu thương của cha cùng điểm tựa là một gia đình hạnh phúc và nghị lực sống tuyệt vời sẽ là động lực để Nguyễn Chiến Thắng tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa trên con đường mà Thắng đang theo đuổi.
Thục Anh – Ngọc Huyền