Chiếc cầu nối đưa người dân đến gần với những quy định về an toàn giao thông
06/11/2018 - 16:04

TĐKT – Dù không phải là một nhà sư phạm chính quy, nhưng những bài giảng sáng tạo về kiến thức an toàn giao thông (ATGT) của anh lại được đông đảo tầng lớp người dân, sinh viên, học sinh Thủ đô đón nhận một cách say mê và đầy hứng khởi. Anh được mệnh danh là chiếc cầu nối đưa người dân đến gần hơn với những quy định về an toàn giao thông. Anh là Lưu Xuân Bình, Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông TP Hà Nội.

“Người thầy giáo” sáng tạo

Gặp anh ở trường THPT Trung Hòa, Cầu Giấy trong buổi phát động cuộc thi trên internet cho học sinh về kiến thức ATGT. Trong vai trò là một người dẫn chương trình, anh đã khoấy động không khí của buổi sinh hoạt ngoại khóa, thu hút sự chú ý của tất cả các học sinh cùng tham gia vào chương trình “đố vui có thưởng” và “đuổi hình bắt chữ”. Những quy định pháp luật khô cứng, những thông điệp ý nghĩa về đảm bảo ATGT dưới sự dẫn dắt của anh Bình đã mềm mại, đi vào trí nhớ của mỗi em học sinh một cách tự nhiên, đầy hứng khởi.

Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Lưu Xuân Bình giao lưu với học sinh về những kiến thức an toàn giao thông

Tiếng vỗ tay giòn giã, yêu cầu “học tiếp đi ạ” của các bạn học sinh đã làm cho người “thầy giáo” ấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Anh Bình bảo, đó là thành quả, động lực chính để anh thực hiện các chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT trong suốt gần 10 năm qua.

Về công tác tại Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội từ năm 2009, anh được giao phụ trách mảng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, trật tự văn minh đô thị trên địa bàn TP Hà Nội. Nhận thức rằng, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là nội dung khó, lại khô khan và nguyên tắc, nên muốn đạt được hiệu quả anh luôn trăn trở, suy nghĩ và đề ra những biện pháp, cách làm tốt nhất để người nghe “dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện”, có tính thuyết phục cao, mang lại hiệu quả trong cộng đồng.

Vì vậy, bên cạnh, xây dựng, hướng dẫn các ngành, quận, huyện, địa phương bám sát chủ đề ATGT quốc gia của năm để tuyên truyền, anh không ngại đặt chân đến khắp các nẻo đường, len lỏi vào từng trường học, từng khu dân cư, cả doanh nghiệp thực hiện các buổi nói chuyện chuyên đề trực tiếp, tọa đàm hay tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật ATGT hoặc buổi hội diễn văn nghệ lồng ghép các kiến thức về ATGT đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, anh đã dày công nghiên cứu, sáng tác nhiều kịch bản tiểu phẩm có giá trị, phục vụ hiệu quả cho việc dàn dựng và biểu diễn trong các hoạt truyền thông, góp phần giáo dục, làm thay đổi nhận thức, hành vi của các thành phần, đối tượng nhân dân về đảm bảo trật tự ATGT. Đến nay, hơn 13 tiểu phẩm do anh sáng tác như “Chuyện ở một ngã tư”, “Sai một ly đi một dặm”, “Đến Chí Phèo cũng bỏ rượu”, “Anh hùng xa lộ”… đã trở thành những tài liệu quý, có tính tuyên truyền, giáo dục sâu sắc về ATGT được các trường học, đơn vị, địa phương học tập và áp dụng rộng rãi.

Tâm huyết với công tác tuyên truyền kiến thức ATGT

Mỗi một chương trình được thực hiện, là mỗi lần anh đi sớm về muộn, đêm hôm thức trắng để xây dựng kịch bản, tổ chức triển khai. Dù vất vả, căng thẳng nhưng bù lại anh được nhận về thêm những niềm vui và những kỷ niệm đẹp.

Đến nay đã gần 8 năm trôi qua nhưng anh vẫn chưa thể quên được buổi tuyên truyền về an toàn giao thông trên địa bàn xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai vào năm 2010. “Đó là những ngày mùa đông vừa mưa, vừa rét. Sân khấu được tổ chức ở ngoài trời, gió thổi hun hút. Xen lẫn các tiểu phẩm, chương trình văn nghệ là phần giao lưu có thưởng cùng khán giả tạo ra không khí sôi động, ấm áp, níu chân tất cả bà con, đồng bào dân tộc xã Tiến Xuân. Họ đội ô, đội áo mưa đến những giây phút chương trình kết thúc. Cả đoàn ai cũng cảm động và thấy hạnh phúc bởi chương trình mà chúng tôi mang đến, được bà con đón nhận và thực sự trân trọng” - Anh Bình nhớ lại.

Còn chị Hạnh, phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, chuyên theo dõi các hoạt động của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, vẫn nhớ như in những giọt nước mắt lăn trên má biết bao khách mời, đại biểu cũng như những khán giả tham dự Lễ tưởng niệm về nạn nhân bị tai nạn do tai nạn giao thông năm 2014 do UBND TP Hà Nội tổ chức. Trong đó, anh Bình chính là người  tham mưu đồng thời xây dựng chi tiết kịch bản, tham gia triển khai chương trình ấy.

Tiểu phẩm “Nỗi đau còn đó” do anh viết và dàn dựng, kể về cuộc chia ly không hẹn ngày trở lại của 3 người trong một gia đình vào ngày sinh nhật đứa con gái. Vụ tai nạn tức tưởi đã cướp đi sinh mạng của hai cha con họ, để lại nỗi đau cho người phụ nữ, bỏ lại những ước mơ, niềm hạnh phúc dang dở. Tiểu phẩm như một thông điệp có giá trị sâu sắc, thôi thúc tất cả mọi người hãy thay đổi và hành động để góp phần tích cực đẩy lùi tai nạn giao thông và xây dựng một xã hội giao thông có văn hóa, an toàn, lành mạnh.

Tâm huyết và những nỗ lực không mệt mỏi của anh Bình nói riêng và Ban ATGT Hà Nội nói chung đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bộ phận không nhỏ người dân Thủ đô trong đảm bảo ATGT và trật tự đô thị, tác động rất tích cực đến công tác kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

 Sắp bước sang tuổi 60, đến tuổi Nhà nước cho nghỉ chế độ nhưng anh Bình vẫn luôn nghĩ mình sẽ không ngừng làm việc. Anh tiếp tục lựa chọn công việc này, nguyện là chiếc cầu nối giữa người dân với các quy định pháp luật về ATGT. “Có thể bạn sẽ gặp tôi đang tất bật phân luồng giao thông ở một tuyến đường nào đó vào các giờ cao điểm. Cũng có thể, bạn sẽ thấy tôi đang say sưa giảng bài ở một ngôi trường nào đó.” - Anh Bình chia sẻ.

Mai Thảo