Cháy mãi ngọn lửa nghề
20/11/2024 - 08:41

BTĐKT - Trong suốt ba mươi ba năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Thảo, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Tây Tựu B, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đã trở thành hình mẫu của một nhà giáo tận tụy, đam mê và giàu lòng nhân ái. Câu chuyện của cô là minh chứng sống động cho những giá trị cao đẹp của nghề giáo và sự kiên trì, đam mê trong công tác giáo dục.

Nhà giáo tận tâm với học trò

Dù cô đã về nghỉ hưu từ năm 2018 nhưng nhắc đến cô Thảo, những người từng học dưới mái trường Tây Tựu B đều không quên được hình ảnh của một người giáo viên hiền hậu, tận tụy và đầy nghị lực.

Từ năm 1985, cô Thảo bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại đây, khi đó trường còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, với những lớp học thiếu cửa sổ, mái tôn rỉ nước, sân trường ngập lụt mỗi khi mưa lớn. Dẫu vậy, cô Thảo chưa bao giờ từ bỏ.

Trong tâm trí của chị Nguyễn Thị Thanh Vi, cán bộ phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bắc Từ Liêm, cô Thảo không chỉ là một nhà giáo tận tâm mà còn là người mẹ, người chị, luôn sẵn lòng động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực theo đuổi con chữ.

Cô Nguyễn Thị Thảo khi còn công tác, giảng dạy tại Trường Tiểu học Tây Tựu B

Chị Vi kể, rất nhiều lần, chị chứng kiến cô Thảo lặn lội vào tận nhà để thuyết phục các em học sinh quay lại trường sau khi bỏ học vì gia đình quá nghèo hoặc vì những lý do khác. Mỗi lần như vậy, cô Thảo đều tận tình trò chuyện với phụ huynh, giúp đỡ các em tìm lại niềm tin vào con đường học vấn. Dù có những lúc cảm thấy chán nản và mệt mỏi, nhưng cô chưa bao giờ từ bỏ, bởi cô hiểu rằng, việc học chính là chiếc chìa khóa mở ra tương lai tốt đẹp cho các em.

Ngoài trách nhiệm của một người thầy, cô Thảo còn là một người mẹ tảo tần, đầy hy sinh. Dù có con trai bị bệnh nặng suốt 26 năm trời chỉ có thể nằm một chỗ, phải đối mặt với không ít khó khăn, từ chăm sóc con bệnh cho đến việc lo toan cơm áo, gạo tiền, cô chưa bao giờ than vãn một lời.

Từ những gì phải trải qua, hơn ai hết, cô thấu hiểu sự khó khăn của những hoàn cảnh đặc biệt khác, vì vậy tấm lòng nhân ái của cô còn thể hiện qua việc cô luôn giúp đỡ học sinh nghèo, những em có hoàn cảnh khó khăn. Cô đã đỡ đầu nhiều em học sinh mồ côi, em bị bệnh hiểm nghèo, hoặc những em có gia đình khó khăn. Mỗi năm, cô đều dành một phần lương để hỗ trợ học phí, mua sách vở, quần áo cho các em. Cô không chỉ cho đi tiền bạc mà còn dành sự quan tâm, động viên các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập. Cô luôn nói rằng: "Mỗi lần giúp đỡ các em, tôi thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều".

Nhiệt huyết với nghề luôn “cháy”

Cô Thảo không chỉ là một giáo viên tận tâm, mà còn là một người không ngừng học hỏi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo (người đứng thứ ba kể từ trái qua phải) cùng các thành viên trong CLB thiện nguyện “Nâng bước em tới trường”

Đồng nghiệp của cô vẫn còn nhớ những năm tháng trước đây, dù đã ở độ tuổi nghỉ hưu, nhưng cô vẫn không ngừng học hỏi, tham gia các lớp chuyên đề để nâng cao trình độ chuyên môn. Cô cũng tham gia tích cực vào các phong trào thi đua của trường. Bằng chứng là, ở tuổi 54, cô vẫn tham gia thi giáo viên giỏi cấp quận và đạt thành tích xuất sắc.

Đặc biệt, cô có niềm đam mê giảng dạy các bài toán khó và luôn tìm cách giải quyết mọi vấn đề trong công việc là điều đã giúp cô trở thành một người thầy đáng kính. Ngay cả khi được nghỉ hưu từ tháng 11 năm 2017 nhưng như con ong miệt mài, cô Thảo vẫn dạy kèm miễn phí 4 học sinh tại nhà mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần từ tháng 9 năm 2017 đến năm 2019, với trên 30 buổi, mỗi buổi cô dành hơn 2 giờ.

Đến nay, dù đã ở tuổi 62, nhưng những em nhỏ trong xóm, mỗi khi gặp bài toán khó, thường tìm đến tận nhà cô để nhờ giảng giải và cô luôn sẵn lòng giúp đỡ. Mỗi lần như thế, chị rất vui vì dường như thấy mình vẫn còn có ích, vẫn còn nhiều lắm những ngọn lửa đam mê. Với cô, mỗi bài toán là một điều bí ẩn, khi giải quyết được thì đó là niềm vui của người thầy. “Được đồng hành cùng các em khám phá các bài toán thực sự là niềm hạnh phúc”, cô Thảo chia sẻ.

Cô Thảo vẫn tiếp tục duy trì tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ngoài xã hội. Cô thường xuyên gửi tiền, quần áo, sách vở cho trẻ em ở những vùng khó khăn, những em bé mồ côi hoặc bị bệnh hiểm nghèo. Với cô, cho đi không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp mà còn là cách để cuộc sống thêm ý nghĩa. Cô chia sẻ: "Cho đi là để còn mãi. Những gì tôi làm, tôi hy vọng sẽ giúp cho các em sau này vững bước vào đời".

Câu chuyện của cô Thảo là một tấm gương sáng về lòng nhân ái, sự kiên cường và đam mê với nghề dạy học. Mỗi lần nhắc đến cô, chúng ta không chỉ nghĩ đến một người thầy tận tụy mà còn là một người mẹ, một người chị luôn sẵn sàng hy sinh vì học trò và gia đình. Cô đã và đang tiếp tục "lái con đò" tri thức, giúp cho nhiều thế hệ học sinh đến bến bờ của tương lai, trong đó có cả những học trò đã thành đạt và trở thành những người có ích cho xã hội.

Câu chuyện của cô Nguyễn Thị Thảo chính là một lời nhắc nhở sâu sắc cho mỗi chúng ta về giá trị của lòng kiên nhẫn, tình yêu thương và trách nhiệm. Cô là tấm gương sáng cho tất cả những ai đang đi trên con đường giáo dục và là nguồn cảm hứng cho những ai muốn làm việc tốt, cống hiến vì cộng đồng.

Thục Anh