Cán bộ phụ nữ giỏi việc phố, đảm việc nhà
22/02/2021 - 14:42

TĐKT - Suốt hàng chục năm qua, chồng làm bộ đội thường xuyên vắng nhà, một mình tần tảo nuôi 4 người con ăn học thành tài, bươn chải nhiều nghề để kiếm sống, nhưng lúc nào bà Nguyễn Thị Lành, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ 17, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cũng vui vẻ, yêu đời, không quên dành thời gian tham gia công tác xã hội, đoàn thể. Việc Hội, việc phố, việc nhà, việc gì tới tay bà đều hoàn thành trọn vẹn.

Bà Nguyễn Thị Lành là “cây văn nghệ” của CLB Nghệ thuật Sao Mai, Hội LHPN phường Khương Mai.

Vốn là người Nam Định, bà Lành theo chồng chuyển về Hà Nội sinh sống từ đầu những năm 1990 và tham gia công tác hội phụ nữ từ đó tới giờ. Bà kể rằng bà bắt đầu làm công tác phụ nữ từ trước khi phường Khương Mai được thành lập và gắn bó hơn 20 năm qua. Ngoài ra bà còn làm cộng tác viên dân số, làm trưởng ban chăm sóc thanh thiếu niên nhi đồng của khu dân cư, tham gia chữ thập đỏ tán trợ… Việc ủng hộ từ thiện nào của khu dân cư, tổ dân phố cũng có bà góp sức. "Lương tâm tôi thích làm những việc thiện" – Bà chia sẻ.

Đặc biệt, bà là người đã góp công đầu trong tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào thi đua xây dựng tổ dân phố văn hóa theo tiêu chí “5 không”. Bà đã tổ chức vận động chị em phụ nữ trong chi hội và đặc biệt là ở đoạn đường phụ nữ tự quản ngõ 198, Lê Trọng Tấn, nhận thức đầy đủ nội dung “5 không”. Bà bố trí hội viên phụ nữ thành nhóm nhỏ, đến từng gia đình, công ty, doanh nghiệp vận động ký cam kết thực hiện nghiêm túc các tiêu chí “5 không” và các quy định của UBND phường Khương Mai.

Tuy vậy, việc vận động không phải thuận lợi ngay từ những ngày đầu. Bà kể: “Có những lần động viên nhân dân dọn rác, tôi gặp một số người không chịu hợp tác, văng tục chửi bậy, nói những lời khó nghe. Tôi phải từ từ thuyết phục, kết hợp nhờ tổ dân phố tác động. Tất cả các cán bộ trong ban công tác mặt trận, tổ dân phố đều tiên phong gương mẫu thực hiện, vận động bà con làm theo.”

Đều đặn hàng ngày, cứ 5h30 - 6h sáng, bà lại cùng chị em khu phố cầm chổi quét ngõ, dọn sạch rác từ trong ra ngoài. Nhờ đó, cảnh quan môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Chứng kiến việc làm ấy, dần dần, bà con hiểu được những lợi ích thiết thực mang lại từ việc xây dựng tổ dân phố “Năm không” nên đồng thuận, hưởng ứng và làm theo.

Mưa dầm thấm lâu, tới nay, trong tổ phụ nữ do bà phụ trách, 100% các hộ gia đình thực hiện đổ rác đúng giờ, không tồn tại chân rác, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ từ nhà ra ngõ 198 và sạch ra hè phố Lê Trọng Tấn. Vào sáng thứ 7 hàng tuần, các gia đình tự giác dọn vệ sinh, tổ xung kích xóa biển quảng cáo, rao vặt, bảo đảm sạch nhà, sạch ngõ, sạch hè phố, cột điện, sạch bờ tường và công tơ điện.

Bà cùng cán bộ, hội viên phụ nữ vận động các hộ mặt đường, mặt phố không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, không đặt biển quảng cáo sai vị trí, không tập kết vật liệu, đỗ xe ô tô, xe máy không đúng nơi quy định, cản trở giao thông. Qua đó, đảm bảo đường thông hè thoáng, đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Các gia đình trong tổ của bà không vi phạm trật tự xây dựng, thực hiện xây dựng có giấy phép, không chiếm đất công. Các hộ gia đình hội viên phụ nữ luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, không có tệ nạn xã hội mới phát sinh.

Không chỉ hăng hái tham gia các phong trào chung, bà cùng với chị em trong tổ còn đoàn kết, động viên giúp đỡ nhau xây dựng kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng, không có hộ nghèo. Nhiều mô hình thiết thực đã được triển khai, nhân rộng. Tiêu biểu là mô hình Nuôi lợn nhựa. Tất cả các hội viên trong Chi hội phụ nữ 17 đều nuôi một con lợn nhựa, hàng ngày bỏ tiền tiết kiệm vào đó. Đến dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10 hàng năm, chị em tụ họp lại cùng nhau và “mổ lợn”. Bà cho biết: “Sau khi mổ lợn nhựa, chi hội chỉ thu 40 nghìn mỗi người, còn thì tùy tâm chị em đóng góp. Số tiền thu được trên 20 triệu đồng mỗi năm, dành để thăm hỏi các chị em có hoàn cảnh khó khăn trong chi hội, mỗi người 200.000 đồng.” Ngoài ra, chi hội của bà còn xây dựng mô hình Nhóm tiết kiệm, chị em từng tổ chung tiền gửi tiết kiệm, khoản lãi thu được được đưa vào phục vụ công tác hội.

Với sự góp sức của bà, hoạt động văn hóa, văn nghệ của khu dân cư, tổ dân phố ngày càng sôi nổi. Bằng chất giọng ngọt ngào, cuốn hút, “cây văn nghệ” hát xẩm, ngâm thơ của CLB Nghệ thuật Sao Mai, Hội LHPN phường Khương Mai luôn làm người nghe chú ý, say mê. Mỗi buổi biểu diễn, nhìn thấy bà, mọi người lại đùa “Hậu duệ của NSƯT Hà Thị Cầu đây rồi”.

Việc Hội đã giỏi, việc nhà bà càng đảm đang, chu toàn. Suốt những năm tháng chồng còn trong quân ngũ, một mình bà ở nhà chăm sóc, dạy dỗ con cái, vừa đóng vai người cha, vừa làm tròn vai mẹ hiền. Bốn người con của bà đều ăn học thành tài, tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định.

Giờ đây, bước qua tuổi thất thập, dù sức khỏe không còn được như xưa, dù hàng ngày vẫn phải tất bật chuyện cơm nước, chăm sóc nhà cửa, con cháu, nhưng bà vẫn không quản mưa nắng, sớm khuya, hăng hái hết mình với công việc chung.

Không phải ở những phần thưởng hay những danh hiệu được trao tặng, niềm vui của bà xuất phát từ những điều mộc mạc, giản dị, đó là tình cảm, sự tin yêu, tín nhiệm mà bà con khu phố, chị em phụ nữ dành cho mình. Bà cười kể: “Mỗi năm tôi được nhận tới 4 cái giấy khen, nào là của hội phụ nữ, chữ thập đỏ, tổ dân phố, người cao tuổi... Năm nào các tổ chức đoàn thể cũng quan tâm đề cử. Tôi thấy rất phấn khởi vì việc làm của mình đã được mọi người ghi nhận.”

Phương Thanh