Bóng hồng Kovalevskaia: Đưa khoa học vào phục vụ nông nghiệp
08/03/2019 - 09:53

TĐKT - Khát khao được đóng góp trí tuệ và công sức của mình vào xây dựng và phát triển nền nông nghiệp nước nhà, gần 30 năm qua, dù trải qua không ít khó khăn, vất vả, GS. TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn cháy hết mình với đam mê nghiên cứu và không ngừng nỗ lực đưa những thành tựu khoa học mới vào giúp ích cho cuộc sống.

Theo tiếng gọi của đam mê

Sinh ra trên mảnh đất thuần nông huyện Thạch Thất (Hà Nội), ngay từ nhỏ, nghề nông, cây cối, ruộng đồng luôn có sức hút đặc biệt với cô bé Nguyễn Thị Lan.

Tốt nghiệp phổ thông năm 1990, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa lựa chọn theo học ngành kinh tế, văn hóa hay luật pháp thì cô gái Nguyễn Thị Lan lại quyết tâm thi đỗ vào Khoa Thú y, trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), để thỏa mãn niềm đam mê được tìm hiểu và nghiên cứu về lĩnh vực yêu thích.

Tại đây, sự dẫn dắt, chỉ bảo của các thầy cô giáo đã truyền cảm hứng, thắp lửa sáng tạo và nuôi lớn đam mê nghiên cứu khoa học trong cô sinh viên bé nhỏ.

Tốt nghiệp đại học, cô được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Thú y. Càng dạy học, cô càng nhận thấy, nghiên cứu khoa học là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, cô không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy; lấy các hoạt động nghiên cứu khoa học để phát huy tính chủ động, sáng tạo và sự hứng khởi trong sinh viên.

Năm 2003, cô đã đạt được học bổng nghiên cứu sinh tại trường Đại học Miyazzaki, Nhật Bản. Cầm trên tay quyết định đi nghiên cứu sinh, cô vừa mừng vừa lo bởi nếu đi cô sẽ có cơ hội trải nghiệm, đắm mình với đam mê nghiên cứu khoa học tại một đất nước tiên tiến; nhưng điều đó đồng nghĩa với tổ ấm nhỏ sẽ vắng bóng người phụ nữ, những đứa con thiếu đi hơi ấm và bàn tay chăm sóc của người mẹ…

GS. TS. Nguyễn Thị Lan (thứ hai từ trái sang) đang trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà báo

Đấu tranh mãi, cuối cùng nhờ sự ủng hộ của gia đình và bạn bè, đồng nghiệp, cô lên đường sang đất nước Mặt trời mọc học tập, đi sâu nghiên cứu, thực hiện đề tài luận án liên quan đến vấn đề bệnh động vật và vắc xin phòng bệnh. 

“Nơi đất khách quê người, mọi thứ đều rất lạ lẫm. Càng nhớ nhà, nhớ con, tôi càng quyết tâm tranh thủ từng chút thời gian, tận dụng từng điều kiện, cơ hội để nhanh chóng thích nghi, để học hỏi được nhiều nhất có thể. Có lúc, vùi đầu làm việc cả tuần, cả tháng trời nhưng kết quả không được như mong đợi, tôi lại bắt tay làm lại bằng được. Cứ thế, tôi đắm mình rồi vui buồn cùng với những kết quả nghiên cứu” – Cô Nguyễn Thị Lan bồi hồi nhớ lại.

Vượt khó, phát triển phong trào nghiên cứu khoa học

Trải qua bao khó khăn, vất vả, năm 2008, về nước với tấm bằng xuất sắc trên tay, GS. TS. Nguyễn Thị Lan hăm hở bắt tay vào việc, khát khao đem tất cả những kiến thức học được để áp dụng vào thực tiễn của đất nước.

Nhưng khó khăn một lần nữa thử thách con người ấy: Sự thiếu thốn về điều kiện trang thiết bị, phòng thí nghiệm đạt chuẩn chưa được xây dựng, đề tài nghiên cứu về thú y rất ít và kinh phí hạn hẹp. Nhiều người xin làm đề tài khoa học khó đã từ bỏ và chuyển từ nghiên cứu sang giảng dạy thuần túy.

Tuy nhiên, vẫn kiên định với suy nghĩ “khoa học phải gắn liền với thực tiễn” và “nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học”, GS. TS. Nguyễn Thị Lan bắt tay vào viết các đề xuất nghiên cứu gửi đi nhiều nơi. 

Năm 2008, dịch lợn tai xanh bùng phát trên diện rộng ở nước ta, đặt ra thách thức đối với những người nghiên cứu phải tìm ra cách phòng và chữa bệnh. GS.TS. Nguyễn Thị Lan đã đề xuất nghiên cứu để tìm cách chẩn đoán, phát hiện bệnh tai xanh sớm trên lợn và rất may được Bộ Khoa học Công nghệ xét duyệt.

Cô được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Đề tài độc lập cấp Nhà nước Nghiên cứu công nghệ chế tạo bộ chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) trên lợn.

Sau 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 986 mẫu lợn mắc bệnh tai xanh, lựa chọn được dòng tế bào Marc-145 để phân lập được 20 chủng vi rút tai xanh, trong đó có 6 chủng đạt hiệu giá cao, ổn định về đặc tính sinh học và đặc tính di truyền làm nguyên liệu để sản xuất bộ chẩn đoán và phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu khác về bệnh tai xanh ở lợn.

Bộ chẩn đoán đã được sử dụng thử nghiệm tại một số tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương đem lại hiệu quả tốt. Sau đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam còn mở rộng hợp tác quốc tế, cùng với các nhà khoa học quốc tế, xây dựng mở rộng đề tài nghiên cứu, ký kết chuyển giao chủng vi rút tai xanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm vắc xin.

GS.TS.Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (thứ hai từ phải sang) được tặng Giải thưởng Kovalevskaia 2018

“Từ thành công của đề tài này, chúng tôi đã hình thành được một quy trình tổ chức nghiên cứu có hiệu quả thông qua các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, thay đổi phương thức nghiên cứu khoa học trong trường. Đến nay, Học viện có 49 nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản, cơ điện, kinh tế - chính sách… Các nhóm nghiên cứu này có sự tham gia của nhiều giảng viên và sinh viên. Từ đó, phong trào nghiên cứu khoa học được nở rộ và tạo động lực cho các thế hệ thầy trò.” – GS. TS. Nguyễn Thị Lan vui mừng chia sẻ.

Những năm qua, tại Học viện, GS. TS. Nguyễn Thị Lan đã thực hiện thành công nhiều đề án, đề tài khác, góp phần không nhỏ vào phát triển nền nông nghiệp Việt Nam như: “Kháng thể đơn dòng chẩn đoán đặc hiệu bệnh Care ở chó”, “Vắc xin phòng bệnh Care ở chó”, “Chế phẩm vi sinh vật sử dụng trong chăn nuôi”...

Mới đây nhất GS. TS. Nguyễn Thị Lan cùng các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện vi rút dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn nuôi ở một số tỉnh phía bắc ngay đầu năm 2019. Cô và các cộng sự đã giám sát, khống chế thành công vi rút dịch tả lợn châu Phi, tạo đột phá quan trọng trong nghiên cứu và chẩn đoán bệnh, nghiên cứu vắc xin phòng dịch tả nguy hiểm này với ngành chăn nuôi Việt Nam.

Tạo thương hiệu Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Với những kết quả nở rộ trong phong trào nghiên cứu khoa học những năm gần đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang khẳng định tên tuổi, thương hiệu của một địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, trở thành địa chỉ đỏ của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhiều địa phương và bà con nông dân tin tưởng đặt hàng nghiên cứu phát triển các sản phẩm chủ lực và tư vấn về các phương pháp phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đứng thứ 5 cả nước trong bảng xếp hạng đại học trong cả nước năm 2019, tăng 18 bậc trong bảng xếp hạng đại học quốc tế năm 2018.

Năm 2018, cô vinh dự là người phụ nữ thứ 3 thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng Kovalevskaia danh giá. Nữ GS. TS. Nguyễn Thị Lan không giấu nổi niềm tự hào và xúc động: “Bề dày truyền thống của ngôi trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cái nôi nuôi dưỡng và sản sinh ra nhiều thế hệ nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp đã cho tôi động lực để tự tin lựa chọn và dấn thân với con đường nghiên cứu khoa học – một con đường vinh quang nhưng cũng không ít chông gai, nếu không thực sự đam mê sẽ khó lòng vượt qua được”.

Cô cho rằng: Giải thưởng Kovalevskaia thực sự có sức lan tỏa mạnh mẽ, nhất là trong môi trường của trường đại học, những bóng hồng Kovalevskaia như những tấm gương sáng, tiếp lửa cho nhiều thế hệ sinh viên phấn đấu học tập và nghiên cứu khoa học.

 GS. TS. Nguyễn Thị Lan cho biết: Dù gánh trên vai nhiều trọng trách, từ “thủ lĩnh” trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu quốc hội TP Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Thú y châu Á… nhưng cô sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian, tâm huyết để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong các tầng lớp sinh viên của Học viện.

Hiện tại, cô đang tích cực tham gia định hướng chiến lược, định hướng nghiên cứu cho nhóm nghiên cứu mạnh về vắc xin động vật. Ngoài ra, cô đã chỉ đạo thành lập nhiều nhóm nghiên cứu mạnh ở nhiều lĩnh vực khác như quản lý đất đai, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, cơ khí, chế biến thực phẩm… với mong muốn tạo ra những sản phẩm hữu ích với xã hội, kết nối được với quốc tế.

Mai Thảo