Xứng tầm trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị hàng đầu của Quân đội và đất nước
12/03/2019 - 15:47

TĐKT - 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện Quân y đã đoàn kết, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, bám sát chiến trường, đơn vị và bộ đội; hết lòng phục vụ thương binh, bệnh binh và người bệnh; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị...

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho Học viện Quân y về thành tích đào tạo bác sĩ cử tuyển Tây Nguyên, năm 2015.

Học viện Quân y, trực thuộc Bộ Quốc phòng (tiền thân là Trường Quân y sĩ Việt Nam) được thành lập theo Nghị định số 187/NĐ ngày 4/10/1948 của liên Bộ: Quốc phòng, Y tế và Giáo dục. Ngày 10/3/1949, tại thôn Tuần Lũng, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, Nhà trường tổ chức Lễ khai giảng đào tạo Quân y sĩ Khóa 1, từ đó ngày 10/3 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của Học viện.

Ra đời trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, vừa chiến đấu, vừa giảng dạy, học tập, cán bộ, học viên của Nhà trường đã tham gia bảo vệ sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương bệnh binh trong nhiều chiến dịch lớn. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các thầy thuốc, các đội điều trị của Học viện đã tham gia vào tất cả các chiến dịch lớn như: Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hòa Bình, Điện Biên Phủ; Bình Giã, Đồng Xoài, Quảng Trị, Mậu Thân và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… với phương châm “bám sát chiến trường, bám sát bộ đội” góp phần cùng quân - dân cả nước giành chiến thắng.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển với những tên gọi khác nhau: Trường Quân y sĩ Việt Nam (1949 - 1957), Trường Sĩ quan Quân y (1957 - 1962), Viện Nghiên cứu Y học Quân sự (1962 - 1966), Trường Đại học Quân y (1966 - 1981) và Học viện Quân y (1981 đến nay), từ cơ sở đơn sơ, nhỏ bé ban đầu, ngày nay Học viện đã trở thành trường trọng điểm quốc gia, một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị hàng đầu của Quân đội và cả nước.

Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, Học viện đã quán triệt, triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục đào tạo trong tình hình mới; đã triển khai xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển của Học viện giai đoạn 2011 - 2020; xây dựng và ban hành sứ mệnh, mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2025; các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể được xác định trong Đại hội Đảng bộ Học viện Quân y nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2016 - 2020, đồng thời xây dựng Nghị quyết số 51 của Đảng ủy Học viện về phát triển và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên, sinh viên.

Học viên luôn có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc trung cấp đến đại học và sau đại học; được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là một cơ sở đào tạo có chất lượng cao, cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên giỏi và quan hệ quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với 10 nước trên thế giới; được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là 1 trong 17 Trường trọng điểm Quốc gia - là một trung tâm lớn, rất có uy tín về đào tạo chất lượng cao cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành Y- Dược của Quân đội, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và hai nước bạn Lào, Campuchia.

Hiện nay, 100% giảng viên của Học viện đạt trình độ sau đại học, trong đó có 18 giáo sư, 128 phó giáo sư; 91 tiến sĩ, 191 thạc sĩ, 28 bác sĩ chuyên khoa (BSCK) cấp 1 và cấp 2; 5 Nhà giáo Nhân dân, 29 Nhà giáo Ưu tú; 3 Thầy thuốc Nhân dân, 64 Thầy thuốc Ưu tú; 10 chuyên viên kỹ thuật đầu ngành và nhiều chuyên viên kỹ thuật của ngành Quân y.

Trong 70 năm qua, Học viện đã có 47 giáo sư, 210 phó giáo sư, 15 Nhà giáo Nhân dân, 35 Nhà giáo Ưu tú, 20 Thầy thuốc Nhân dân, 179 Thầy thuốc Ưu tú; đào tạo được gần 90.000 cán bộ, gồm: 1.000 tiến sĩ, 3.781 thạc sĩ, 4.814 BSCK I, 1.332 BSCK II, hơn 25.000 bác sĩ đa khoa, dược sĩ đại học, cử nhân cao đẳng điều dưỡng, cử nhân cao đẳng kỹ thuật y học, sĩ quan dự bị y dược và trên 55.000 nhân viên y, dược (trong đó có hơn 2.000 bác sĩ cho 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, 623 bác sĩ cử tuyển cho các tỉnh Tây Nguyên và 200 bác sĩ cho hai tỉnh Bắc Kạn và Yên Bái).

Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Học viện đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, đóng góp to lớn trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Từ năm 2007 đến nay đã hoàn thành 56 đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học – công nghệ cấp Nhà nước; 136 đề tài cấp Bộ, ngành và cấp tỉnh, thành phố; 605 đề tài cấp cơ sở và 400 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Nhiều đề tài có giá trị khoa học cao, được tặng giải thưởng quốc gia và quốc tế, có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh như: Nghiên cứu khắc phục hậu quả chất độc da cam/ dioxin; chế tạo một số chế phẩm sinh học phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh cho bộ đội và cộng đồng... được ứng dụng rộng rãi trong điều trị tại các bệnh viện.

Đặc biệt, Học viện Quân y là đơn vị đầu tiên trong nước triển khai nghiên cứu và thực hiện thành công 5 ca ghép tạng đầu tiên trên người, góp phần tạo nên bước phát triển vượt bậc của nền y học nước nhà; được tặng Huân chương Lao động và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.

Học viện hiện có 2 bệnh viện thực hành (Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Bỏng quốc gia) và 1 Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, đồng thời cũng là cơ sở thực hành đào tạo bác sĩ đại học và sau đại học.

Các bệnh viện của Học viện luôn là địa chỉ tin cậy đối với thương binh, bệnh binh và người bệnh: Ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào điều trị như mổ nội soi, đặt stent, ghép tạng, cấp cứu điều trị bỏng, phẫu thuật tạo hình vi phẫu trong điều trị di chứng bỏng và vết thương, vết loét lâu liền, điều trị cho các trường hợp vô sinh...

Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội là cơ sở thứ 3 trong cả nước và là cơ sở đầu tiên của Quân đội thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, hiện đã có 4.500 cháu ra đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó có 2.000 cháu ra đời bằng thụ tinh trong ống nghiệm.

Trung bình hàng năm, các cơ sở điều trị của Học viện khám bệnh cho trên 500.000 lượt người, điều trị trên 50.000 lượt bệnh nhân.

Đặc biệt, việc nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị của Học viện vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong tình hình mới.

Học viện đã triển khai nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong chẩn đoán, điều trị bệnh và đã nghiên cứu ứng dụng những công nghệ mới (công nghệ sinh khối tế bào thực vật; công nghệ chiết siêu tới hạn) trong sản xuất thuốc cũng như nguyên liệu làm thuốc, thu được nhiều kết quả tốt. 

Để đạt được những thành tích toàn diện đó, trong những năm qua, kế thừa những thành quả, kinh nghiệm trong lịch sử xây dựng và phát triển, lãnh đạo Học viện đã chủ động, sáng tạo, thực hiện các giải pháp: Bám sát yêu cầu nhiệm vụ, xác định đúng mục tiêu, nâng cao chất lượng, định hướng phát triển của từng lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực trong đào tạo; phát triển tiềm năng khoa học và công nghệ; ứng dụng, phát triển các kỹ thuật mới hiện đại nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị (chú trọng đầu tư, phát triển các chuyên ngành mũi nhọn trong nội soi, chẩn đoán và điều trị; kỹ thuật can thiệp mạch, nâng cao kỹ thuật ghép tạng, cấp cứu, điều trị bỏng...).

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và tin học đáp ứng tốt nhiệm vụ là nhân tố đóng vai trò quyết định đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ và sự phát triển của đơn vị. Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ các cấp, trước hết là cán bộ chủ trì trong thực hiện nhiệm vụ và trong xây dựng phát triển Học viện.

Phát huy tốt vai trò đòn bẩy của công tác thi đua - khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ và các mặt công tác của đơn vị. Mở rộng và tăng cường hợp tác với các trường đại học, các cơ sở khoa học, các bệnh viện trong nước và quốc tế trên lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị.

Cùng với đó, lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ; thường xuyên quan tâm xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Ghi nhận những thành tích của Học viện trong 70 năm qua, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho Học viện nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; ba lần được tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, 2 cụm công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ...

15 lượt đơn vị trực thuộc và 17 cán bộ từng công tác, học tập tại Học viện được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng Lao động…

Năm 2017, nhân dịp tổng kết 25 năm thành tựu ghép tạng tại Việt Nam, Học viện Quân y đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Hội Ghép tạng Việt Nam đã trao Bằng xác lập và biểu tượng Kỷ lục Việt Nam cho tập thể Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103 và 5 cá nhân thuộc Học viện.

Trung tướng, GS.TS. Nguyễn Trọng Chính

(Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Quân y)