TĐKT – Bị nhiễm HIV trong một lần khám và điều trị cho bệnh nhân, Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh dường như đã mất động lực sống. Nhưng sau tất cả, anh quyết tâm chiến đấu với căn bệnh thế kỷ, tiếp tục làm xuất sắc công việc của người cán bộ y tế tại Trại giam Thủ Đức, góp sức mình làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ở phân trại số 3 - Trại giam Thủ Đức, hỏi về Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh, ai cũng có chung một cảm nhận đó là cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh đồng thời vô cùng cảm phục bởi nghị lực, thái độ làm việc trách nhiệm, tâm huyết của anh. Làm cán bộ y tế của Phân trại K3 của Trại giam Thủ Đức, ngoài khám và điều trị, anh còn gần gũi, giáo dục hoàn lương cho rất nhiều phạm nhân.
Nhớ lại sự việc xảy ra năm 2001 như một định mệnh đưa cuộc đời anh rẽ sang một lối khác, Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh chia sẻ: Năm 2001, trong lần cấp cứu cho phạm nhân Bùi Văn Phú bị nhiễm HIV, tôi bị đối tượng đe dọa rồi dùng ca hứng máu hất tung tóe lên người và mặt. Do mải cấp cứu cho đối tượng, tôi không nghĩ rằng mình có khả năng bị phơi nhiễm HIV/AIDS, nên không đi xét nghiệm.
Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh
Cho đến 3 năm sau, vào giữa tháng 7/2004, anh Ánh đưa vợ vào Bệnh viện 30-4, Bộ Công an để chuẩn bị sinh. Tưởng chừng đó là ngày hạnh phúc nhất của đôi vợ chồng trẻ khi đón đứa con đầu lòng. Nhưng đó cũng là ngày hai vợ chồng anh nhận được kết quả xét nghiệm máu, bị nhiễm HIV.
Anh bảo, đó là những tháng ngày cay đắng và đau khổ nhất của mình. Vợ anh do không chịu đựng nổi cú sốc này nên đã tìm đến cái chết. Mọi khổ đau bất ngờ ập đến, như một người vô thức, anh Ánh cũng tìm đến cái chết theo vợ của mình.
Thế nhưng, số phận đã buộc anh phải sống, phải đối đầu với thực tế. Đứa con gái nhỏ được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc và theo dõi sức khỏe.
Được sự động viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, anh đã quyết tâm đứng dậy sống tiếp. Anh xin Ban Giám thị Trại giam Thủ Đức đi làm những công việc khó nhất là quản giáo, quản lý đội trồng rừng.
Thời gian đầu, anh Ánh sống như cái xác không hồn, sống khép kín, không chịu tiếp xúc với ai, chỉ khóa cửa ở trong phòng làm việc. Mất hơn 2 năm, anh Ánh mới tĩnh tâm để trở lại cuộc sống đời thường.
Anh như một con người khác, dẫu vẫn trầm tính, nhưng không còn là người cán bộ Đoàn sôi nổi trước đây, mà luôn tìm đến công việc để quên nỗi buồn quá khứ.
May mắn nhất là ông trời đã cho anh thêm tia hy vọng. Khi con gái anh được 24 tháng, anh mừng rỡ khi kết quả xét nghiệm cho thấy cháu đã không nhiễm HIV từ mẹ. Anh được đón con gái về nhà chăm sóc.
Yêu con đến tột cùng, nhưng khi con bé gần 5 tuổi, cân nặng nhích đến gần chục ký thì anh quyết định chuyển cháu ra sống cùng ông bà nội ngoài Bắc. Anh nhớ con bé lắm, ngày nào cũng phải gọi điện cho nó. Nhưng anh không thể để con gái ở trong này với bố, bởi anh sợ, một nỗi sợ rất mơ hồ, sẽ chẳng may lây căn bệnh chết người mình đang mang sang con gái…
Anh tâm sự: “Giờ đây, con gái tôi đã lớn. Nó chính là động lực sống lớn nhất của tôi. Tôi phải sống để con luôn thấy tự hào về bố của nó.”
Từ người quản giáo, anh lại tiếp tục trở về gắn bó với công việc của người “Lương y như từ mẫu” để hàng ngày cứu chữa cho các bệnh nhân. Dù hiện nay, hàng ngày, anh vẫn đang phải điều trị theo phác đồ để chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Nhiều khi mệt rã người vì tác dụng phụ của thuốc. Nhưng anh luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cuộc đời và căn bệnh đang mang khiến anh gần gũi, giáo dục tốt hơn với các phạm nhân cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ dẫn đến các hành vi quậy phá. Khu anh phụ trách toàn nhóm phạm nhân thuộc diện giang hồ, cộm cán như Oanh “Hà”, Hải “bánh”…, nhưng họ đã bị thuần phục bởi những người cán bộ trại giam biết dùng nhân tâm để khơi dậy cái thiện.
Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh thực sự là một trong những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xứng đáng được cả xã hội tôn vinh.
Hưng Vũ