Vươn lên làm giàu từ sầu riêng
09/07/2021 - 15:46

TĐKT - Anh Trần Tiến Lên, hội viên Hội Nông dân xã Mỹ Long (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) được nhiều người biết tiếng bởi tính cần cù, ham học hỏi và ứng dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Anh Lên đã thành công từ mô hình trồng sầu riêng, với thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn giúp nhiều hội viên phát triển mô hình trồng sầu riêng, thu nhập ổn định.

Anh Lên bên vườn sầu riêng của gia đình

Trước khi trồng sầu riêng, anh sử dụng 8.000 m2 đất vườn tạp của gia đình để trồng cam. Tuy nhiên, nhận thấy giá của loại trái cây này thường không ổn định, anh Lên quyết định chuyển đổi sang cây trồng mới với hy vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy tiềm năng từ cây sầu riêng, năm 2007 anh Lên đã trồng thử nghiệm giống cây này trên mảnh đất của mình.

 “Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi gặp nhiều khó khăn, cây kém phát triển. Tỷ lệ đậu trái thấp và khi thu hoạch thì trái chín bị sượng, hoặc đắng... Vườn cây sầu riêng cũng rụng lá hàng loạt do thiếu nước ngọt.”– anh Lên chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề này, anh Lên đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, đi tham quan, học tập kinh nghiệm những mô hình và cách làm hay, tham gia những lớp tập huấn về ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Sau khi nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây, anh Lên quyết định vay 50 triệu đồng từ ngân hàng để cải tạo lại hệ thống tưới tiêu cho vườn sầu riêng.

Anh Lên cho biết, trước đây, gia đình anh tốn một khoản chi phí để thuê nhân công tưới nước, phun thuốc. Tuy nhiên, việc thuê nhân công cũng gặp rất nhiều khó khăn vì không có ai để thuê. Từ khi lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc đến nay, gia đình anh đã chủ động hơn trong việc chăm sóc, tiết kiệm được chi phí, cây phát triển xanh tốt.

Trong quá trình chăm sóc cây sầu riêng, anh Lên đã chủ động áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào canh tác, chịu khó tìm tòi, học hỏi về quy trình sử dụng phân, thuốc và cách xử lý cho cây ra hoa theo ý muốn. Nhờ vậy, năm 2014, vườn sầu riêng cho năng suất khá cao. Sau khi trừ chi phí, vườn cây cho thu lãi 150 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2019, sầu riêng có giá trên 70.000 đồng/kg, vụ này anh thu lãi khoảng 600 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng sầu riêng, anh Lên cho biết: “Để cây sầu riêng mau lại sức sau một mùa nuôi dưỡng quả, cần cung cấp và bổ sung lại cho đất những dưỡng chất đã được hấp thu, tiêu thụ hết. Việc bón phân là quan trọng nhất, phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”: Đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách, chia làm 3 đợt bón tùy theo giai đoạn phát triển của cây. Trước khi bón nên dùng cuốc xới nhẹ quanh tán cây, tránh làm tổn thương cho rễ hoặc đào rãnh xung quanh theo tán cây, sau đó bón phân và lấp đất lại. Bón vào khoảng 10 - 15 ngày sau thu hoạch là tốt nhất”.

Thành công từ mô hình trồng sầu riêng, năm 2020, anh Lên mở rộng trồng thêm cây gấc, cho thu hoạch mỗi tuần đạt trên dưới 300 kg, thu lãi khoảng 4 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tận dụng diện tích quanh nhà chăn nuôi thêm 500 con vịt, thu lãi khoảng 90 triệu đồng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh còn định hướng bà con địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Đặc biệt khuyến khích bà con chuyển đổi các loại cây kém hiệu quả sang trồng sầu riêng.

Anh còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, nâng cao hiệu quả vườn chuyên canh. Anh cũng đề xuất với Hội Nông dân xã hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để có điều kiện sản xuất, buôn bán nhỏ, nhằm ổn định đời sống gia đình.

Sau bao năm miệt mài phấn đấu, anh Lên đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất, thửa ruộng của gia đình mình. Anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị, các con được học hành đến nơi đến chốn. Nhiều năm liền anh Trần Tiến Lên đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp.

Bảo Linh