Chị cho biết, trước đây chị kinh doanh, buôn bán nhỏ ở chợ nhưng lời lãi không được bao nhiêu. Năm 2008, chồng chị đổ bệnh nặng. Ngày đưa chồng ra Hà Nội chữa trị, chị Nga gom góp hết của cải ít ỏi tích lũy được để kịp thời chữa trị cho chồng. Nhờ kịp thời chữa trị nên bệnh của chồng chị sớm ổn định. Sau khi điều trị cho chồng, quay trở lại công việc, chán cảnh chạy chợ như trước, chị nuôi hi vọng chăn nuôi đàn lợn kiếm tiền. Bằng số vốn 4 triệu đồng, chị vay mượn thêm bạn bè, người thân xây dựng chuồng và bước đầu chăn 12 con lợn trên mảnh đất cũ của bố mẹ chị ở xóm Hạ Sưu, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ. Để có nguồn thức ăn cho đàn lợn, chị Nga kiêm luôn việc đi mua lúa về xay gạo bán rồi lấy cám làm thức ăn cho lợn. Được chăm sóc tốt, đàn lợn phát triển rất nhanh, chỉ một thời gian, chị Nga xuất bán lứa đầu tiên. Dù được lãi rất ít nhưng chị vui như mở cờ trong bụng. Sau đó, chị lại mở rộng chuồng, đầu tư thêm 2 ô chăn nuôi lợn. Lúc đầu khi mở rộng chuồng trại, chị cũng lo lắng nhưng rồi chị lại tự trấn án, động viên và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn. Để đàn lợn phát triển tốt, chị đã học hỏi qua tài liệu, kỹ thuật chăn nuôi lợn và rút kinh nghiệm từ thực tế nên lứa lợn nào cũng nhanh lớn.
Từ số tiền lãi bán lợn, chị Nga mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi của mình. Bên cạnh những thuận lợi, chị cũng gặp không ít khó khăn do ban đầu lợn giống mua giá cao, tiền thức ăn, chi phí chăm sóc của chị bỏ ra rất nhiều. Tuy nhiên khi đang háo hức chờ đến ngày đàn lợn xuất chuồng để thu vốn về thì giá lợn lại giảm. Không thể không bán vì lợn đã đến tuổi mà để lại ngày nào mất tiền ngày đó, cuối cùng chị phải chịu lỗ mà bán đi.
Mặc dù chị chỉ chăn nuôi nhỏ nhưng quy trình làm rất khắt khe từ vấn đề nhập giống. Khi lợn giống đưa về, chị tiêm phòng vắc xin đầy đủ nên hơn 7 năm chăn nuôi chưa năm nào đàn lợn của chị bị bệnh dịch gì.
Sau hơn 1 năm làm quen với chăn nuôi lợn, chị Nga tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi một lúc 500 con lợn thịt siêu nạc. Về con giống, chị Nga đặt hàng ở các trại chăn nuôi có uy tín ở Hà Nội. Đầu ra cho sản phẩm lợn thịt quyết định thành công của chăn nuôi, do vậy, chị tìm kiếm thị trường tiêu thụ bằng cách lướt website, tìm các bán hàng thông qua internet, sau đó đến tận nơi tìm hiểu, đặt vấn đề cung cấp và tiêu thụ sản phẩm. Đơn vị nhận tiêu thụ lợn thịt cho chị là các cơ sở giết mổ trong tỉnh: TP Vinh, huyện Nghĩa Đàn… Toàn bộ khu vực chăn nuôi hiện có trên 400 con lợn, chia làm 2 lứa. Lứa 200 con nuôi đã hơn 3 tháng, con nhỏ nhất đạt trọng lượng 110 kg, con to khoảng 120 kg, đang chuẩn bị xuất chuồng. Lứa còn lại đã nuôi được 2 tháng. Trung bình cứ sau 4 tháng gia đình chị Nga lại xuất chuồng một lứa, khoảng hơn 20 tấn lợn. Mỗi năm chị thu nhập được hàng trăm triệu đồng từ tiền bán lợn thịt.
Có được thành công như hiện nay đấy chính là nhờ sự nhạy bén của chị đối với cơ chế thị trường, chị chủ động liên doanh, liên kết với các công ty cung ứng con giống, thức ăn, bao tiền sản phẩm nên lợn xuất chuồng kịp thời, không lãng phí thời gian và chi phí đầu tư.
Chia sẻ thành công, chị Nga cho biết: nuôi lợn thịt trước hết phải chọn con giống tốt, đảm bảo chất lượng, phòng bệnh đúng định kỳ, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng, chống dịch bệnh gia súc, chọn thức ăn công nghiệp phù hợp, chuồng trại phải ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Nhờ ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, chị Nga đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Ngoài chăn nuôi lợn, chị Nga còn chăn nuôi thêm 2 cặp trâu, 20 con dê để tăng thu nhập. Chồng bận công việc lái xe, mình chị ở nhà hằng ngày chăm lo công việc của trang trại và chăm sóc con cái. Bằng những nỗ lực của bản thân, chị Nga đã giúp gia đình có của ăn, của để. Nhiều năm qua, chị là gương điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, được Chủ tịch Hiệp hội Trang trại doanh nghiệp và nông nghiệp Việt Nam tặng Bằng khen, Hội nông dân tỉnh Nghệ An và Chủ tịch UBND xã Tân Phú tặng Giấy khen.
Sắp tới, chị dự định sẽ phát triển thêm một trang trại nuôi lợn nái để cung ứng con giống cho trại của chị và các cơ sở chăn nuôi tại địa phương.