TĐKT - Siêng năng, mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, dám nghĩ, dám làm, đó chính là những điểm chung của những người nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu chính đáng của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Họ là những nhân tố quan trọng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân trên địa bàn.
Người hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho nhà nông
Anh Nguyễn Văn Đoàn cư trú tại tổ 14, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Cách đây 20 năm, với 2 bàn tay trắng, từ Nghệ An vào Lâm Đồng làm công nhân, nhưng với tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và sự nỗ lực không ngừng, vượt mọi khó khăn, đến nay, anh đã gây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp mang tên Hợp tác xã Nam Sơn, do anh làm Giám đốc.
Anh Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc HTX Nam Sơn
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Nguyễn Văn Đoàn cho biết: Tài sản lớn nhất của đôi vợ chồng trẻ sau khi cưới là tậu được 2 sào vườn tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng.
Có đất, ngày vẫn đi làm thuê, tối tới hai vợ chồng lại tranh thủ xới đất trồng cà rốt, khoai lang. Sẵn có kinh nghiệm tích lũy được từ công việc làm thuê, vợ chồng anh Đoàn nhanh chóng gặt hái được những thành quả lao động. Có được sản phẩm, hai vợ chồng lại thuê xe chở xuống chợ đầu mối Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) để tìm đầu ra.
Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt, các chủ vựa nông sản đã nhanh chóng gật đầu và đề nghị gia đình anh Đoàn cung cấp nông sản với số lượng lớn, ổn định. Thấy cơ hội làm ăn đã mở, về nhà, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đoàn liên kết với nhiều hộ dân trong vùng mở rộng diện tích củ cải, cà rốt và khoai lang, anh cam kết nhận bao tiêu đầu ra.
Đến nay, Hợp tác xã chuyên sản xuất cà rốt, khoai lang Nhật, củ cải… thu hút trên 600 hộ dân, thuộc các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà tham gia. Tổng sản phẩm mỗi ngày của hợp tác xã Nam Sơn quy ra tiền lên tới 1 tỷ đồng. Mỗi năm sau khi trừ chi phí đạt gần 4 tỷ; các hộ tham gia HTX Nam Sơn đều có lãi trung bình khoảng 120 triệu đồng/ha/năm.
Không chỉ giúp gia đình và địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, những năm qua, trung bình mỗi năm anh Nguyễn Văn Đoàn đóng thuế cho Nhà nước khoảng 200 triệu đồng, xây dựng 10km đường cấp phối, ủng hộ quỹ nhân đạo từ thiện... Vừa qua, gia đình anh còn hỗ trợ 4 tỷ để xây thêm phòng học cho trường tiểu học Nam Sơn.
Những năm qua, anh Đoàn còn giải quyết việc làm ổn định cho trên 200 lao động địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng. Giúp đỡ cho trên 100 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên phát triển kinh tế, ổn định đời sống và vươn lên thoát nghèo.
Nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi
Với mong muốn thoát khỏi cái đói, cái nghèo nhiều năm đeo bám gia đình, chị Ka Niếu, thôn Chi Rông, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng mạnh dạn tham gia mô hình HTX Nam Sơn.
Chị Ka Niếu, thôn Chi Rông, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng đang chăm sóc cây ớt
Từ 1 ha đất sản xuất cà phê khô cằn, năng suất thấp, được sự tư vấn, hướng dẫn của chính quyền, Hội Nông dân xã, chị Ka Niếu đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình canh tác, sang trồng các loại rau, củ, quả (cà rốt, củ cải, khoai lang…). Để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo sự ổn định trong việc đầu tư sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm, chị đã chủ động liên kết với HTX Nam Sơn. Đến nay, tổng diện tích sản xuất của gia đình là 20 ha, trong đó đất sản xuất của gia đình là 10 ha, còn 10 ha là đất thuê của bà con trong vùng (với 30 lao động thường xuyên; thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/ tháng/1 lao động và trên 50 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng/1 lao động).
Từ hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của gia đình chị, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở địa phương đã đến học tập kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất, chị nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ để giúp nhiều hộ vượt khó vươn lên. Nhiều gia đình từ việc làm công và với sự hướng dẫn của chị Ka Niếu đã học hỏi thêm kỹ thuật để chuyển đổi cây trồng vườn nhà mình. Đến nay, toàn thôn có 180 hộ trồng rau, hoa, củ, quả và thực hiện liên kết với doanh nghiệp, tổ hợp tác, các cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn huyện để tiêu thụ sản phẩm với diện tích 180 ha.
Sự nỗ lực vượt lên khó khăn, học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp gia đình chị thoát nghèo, xây được nhà kiên cố, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ đời sống và sản xuất, con cái được học hành. Vững vàng về kinh tế là yếu tố quan trọng để chị và bà con đồng bào mình cùng đi lên xây dựng cuộc sống ấm no. Bản thân chị và gia đình luôn tích cực trong các phong trào xây dựng nông thôn mới như: Đóng góp tiền, của cho thôn làm đường giao thông liên thôn. Hàng năm, giúp đỡ 2 đến 3 hộ nghèo, hộ khó khăn đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn về kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Hơn 10 năm qua, gia đình chị liên tục được Hội Nông dân các cấp (từ cơ sở đến Trung ương Hội) công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.
Anh Đoàn, chị Ka Niếu là hai trong số những gương mặt tiêu biểu minh chứng cho sự mạnh dạn thay đổi và ham học hỏi của những người nông dân thời đại mới. Mô hình phát triển kinh tế của họ chính là kết quả của hướng đi đúng đắn mà tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các mô hình liên kết là động lực quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, đưa nông nghiệp Lâm Đồng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Hưng Vũ