TĐKT - Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Tim mạch Việt Nam (VTMVN) đã không ngừng hoàn thiện và phát triển, trở thành viện chuyên khoa đầu ngành, ngang tầm với các trung tâm tim mạch lớn trong cả nước và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho 4 cá nhân thuộc Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai được thành lập vào ngày 11 tháng 11 năm 1989 theo quyết định số 704/BYT/QĐ của Bộ Y tế, trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Từ năm 1959, “Tổ tim mạch” đầu tiên do GS Đặng Văn Chung làm tổ trưởng cùng với một số bác sĩ ban đầu như Đỗ Đình Địch, Bùi Thế Kỳ, Trần Đỗ Trinh, Phạm Khuê, Phạm Gia Khải, Đinh Văn Tài… được coi là tiền thân của ngành Tim mạch Việt Nam.
Đến năm 1972, khoa Tim mạch đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai được thành lập đúng vào giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Mặc dù vậy, các thầy thuốc chuyên ngành tim mạch đã vô cùng cố gắng, vượt qua khó khăn, không chỉ đảm bảo tốt nhiệm vụ chăm sóc người bệnh tim mạch, sẵn sàng chi viện cho chiến trường mà đã cố gắng đi đầu chiếm lĩnh các mũi nhọn.
Giai đoạn này, thiết bị chủ yếu là điện tâm đồ, tâm thanh cơ động đồ, nghiệm pháp gắng sức với xe đạp lực kế, thông tim ống nhỏ… Nhưng chính trong giai đoạn sơ khai này, những buổi phân tích chi tiết kết quả về điện tâm đồ của GS. Trinh, về tâm thanh cơ động đồ của GS Khải và thông tim thăm dò huyết động của GS Tài đã thực sự khơi dậy niềm đam mê, ham học hỏi của các thầy thuốc trong lĩnh vực Nội khoa nói chung và trong chuyên ngành tim mạch nói riêng.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, điều kiện hội nhập quốc tế được mở rộng, các giáo sư, thầy thuốc tiên phong của khoa Tim mạch đã nắm bắt cơ hội để thúc đẩy phát triển. Ngày 11/11/1989 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về chất khi Viện Tim mạch Việt Nam chính thức ra đời. Kể từ đó, Viện đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành Viện chuyên ngành Tim mạch hàng đầu trong cả nước và ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bước đột phá đầu tiên để nâng tầm của các thăm dò chuyên ngành Tim mạch có lẽ chính là sự tiếp cận của phương pháp siêu âm tim từ những năm 1975, với những nhà tiên phong là GS Phạm Gia Khải, GS Nguyễn Lân Việt; GS Đỗ Doãn Lợi…
Hiện nay, Viện Tim mạch Việt Nam triển khai hàng loạt các kỹ thuật siêu âm tim khác như siêu âm cản âm, siêu âm Dobutamin, siêu âm trong lòng mạch (IVUS)…Chính các bác sĩ của Viện tim mạch đã có công lớn trong việc đào tạo và triển khai kỹ thuật tiên tiến này cho hầu hết các tỉnh trong cả nước, góp phần quan trọng trong việc áp dụng một phương pháp thăm dò không chảy máu rất hữu hiệu để chẩn đoán chính xác nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau.
Đặc biệt, lĩnh vực làm nên tên tuổi và trở thành mũi nhọn của Viện đó là ngành Tim mạch can thiệp, khởi nguồn khá sớm từ phương pháp thông tim thăm dò huyết động với hình ảnh của cố PGS. Đinh Văn Tài, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Tim mạch.
Bước ngoặt quan trọng trong sự tiến bộ của Viện Tim mạch và ngành Tim mạch nước nhà là khi Viện Tim mạch là nơi đầu tiên trong cả nước (từ năm 1995) đã tiếp thu và triển khai nhanh chóng được kỹ thuật chụp động mạch vành qua da, nong và đặt Stent động mạch vành. Những người tiếp cận đầu tiên là các bác sĩ Trần Văn Dương, Nguyễn Quang Thư, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Lân Hiếu, Nguyễn Quốc Thái… Với sự triển khai của các phương pháp tim mạch can thiệp này, không những hàng vạn bệnh nhân bị động mạch vành đã được cứu sống mà nhiều kỹ thuật tiên tiến khác cũng đã được thực hiện rất ngoạn mục.
Hơn hết, chính các bác sĩ cùa Viện Tim mạch là những người đầu tiên trong cả nước (năm 2001) đã triển khai việc can thiệp qua đường ống thông để điều trị rất nhiều bệnh tim bẩm sinh như con ống động mạch, thông liên nhĩ, thông liên thất, hẹp van động mạch phổi… Bệnh nhân tim bẩm sinh đã có cơ hội không phải chịu đựng một cuộc phẫu thuật. Nhiều bác sĩ của Viện còn được mời sang giảng dạy và chuyển giao những kỹ thuật điều trị tiên tiến này cho các nước trong khu vực và kể cả các nước phát triển.
Bên cạnh các thủ thuật trên, từ những năm 1998, lĩnh vực thăm dò điện sinh lý và điều trị các rối loạn nhịp phức tạp của Viện Tim mạch đã có những bước tiến vượt bậc. Bên cạnh việc đặt các máy tạo nhịp thông thường thì việc cất máy ICD, CRT việc sử dụng các song có tần số radio (RF) để điều trị khá triệt để các cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, ngoại tâm thu thất, rung nhĩ… đã được triển khai khá thường xuyên tại Viện.
Từ năm 2002, Viện Tim mạch Việt Nam trở thành một Viện tuyến cuối hoàn chỉnh, có sự phối hợp đồng bộ của cả ba lĩnh vực chính: Nội tim mạch, ngoại tim mạch và tim mạch can thiệp.
Gần đây nhất, nhiều kỹ thuật rất tiên tiến như đặt Stent Graft để điều trị các bệnh lý động mạch chủ, thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI), sửa van hai lá bị hở nhiều bằng Clip (Mitra Clip)… cũng đã được triển khai đầu tiên tại Viện Tim mạch với kết quả rất ngoạn mục.
Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Tim mạch Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể cả về “lượng” và “chất”. Cụ thể: Từ chỗ chỉ có 55 giường bệnh, với khoảng 50 cán bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu…đến nay VTMVN có 475 giường bệnh và nhiều đơn vị chuyên sâu như cấp cứu hồi sức tim mạch, thăm dò hình ảnh, điện tim và đặc biệt là đơn vị tim mạch can thiệp với 6 phòng máy, một đơn vị phẫu thuật với 4 phòng mổ hiện đại.
Đội ngũ nhân lực đã gần 400 người, trong đó có rất nhiều các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… với trình độ chuyên môn hàng đầu, đẳng cấp ngang tầm quốc tế. Từ chỗ, VTMVN chủ yếu là các thực hành lâm sàng với các thăm dò thô sơ thì nay đã trở thành trung tâm hàng đầu trong cả nước và khu vực trong lĩnh vực chuyên môn chuyên ngành tim mạch. Là tuyến cuối của chuyên ngành, hàng năm, VTMVN đã điều trị nội trú cho trên 20.000 lượt người bệnh tim mạch phức tạp, thăm khám cho hàng trăm nghìn lượt người bệnh, phẫu thuật cho hàng nghìn trường hợp.
Đặc biệt, mỗi năm VTMVN có tới hơn 12.000 bệnh nhân được can thiệp tim mạch và đã trở thành trung tâm lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này. VTMVN là nơi đi đầu trong việc triển khai, áp dụng và phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong chuyên ngành.
Cùng với đó, Viện cũng là trung tâm đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, chuyên môn cho các bệnh viện trong nước và quốc tế. Đồng thời là cơ sở thực hành và đào tạo chính nguồn nhân lực tim mạch từ cơ sở đến chuyên sâu cho các đối tượng từ đại học đến sau đại học.
Với những đóng góp tích cực cho nền y học Việt Nam, VTMVN đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước: Danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba…
Hồng Thiết