Viện Khoa học pháp lý đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
06/08/2018 - 10:28

TĐKT - Chiều 3/8, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Khoa học pháp lý (4/8/1983 – 4/8/2018) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Tới dự, có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. 


Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Viện Khoa học pháp lý

Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) chính thức thành lập ngày 4/8/1983 với tên gọi ban đầu là Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý. Kể từ khi thành lập, Viện đã trở thành địa chỉ tin cậy được lãnh đạo Bộ giao trực tiếp tham gia các sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước, của bộ và của ngành.

Viện Khoa học pháp lý là một trong những tổ chức nghiên cứu của quốc gia trực tiếp tham gia quá trình nghiên cứu phục vụ việc xây dựng Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và gần đây là Hiến pháp năm 2013.

Viện cũng là một trong những nơi tiến hành các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng cấp nhà nước, cấp bộ để cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn, góp phần hình thành đường lối cải cách pháp luật, cải cách tư pháp Việt Nam, thể hiện đậm nét trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Đến nay, Viện đã trực tiếp triển khai hoặc tham mưu với lãnh đạo Bộ tổ chức triển khai trên 520 đề tài, nhiệm vụ khoa học. Các cán bộ của Viện cũng đã hoàn thành và xuất bản trên 100 sách chuyên khảo và tham khảo.

Các nghiên cứu do Viện trực tiếp triển khai hoặc tham mưu tổ chức triển khai đã góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng những đạo luật quan trọng: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án dân sự...

Các nghiên cứu do Viện trực tiếp triển khai hoặc tham mưu tổ chức triển khai cũng góp phần tích cực trong việc giải quyết các vấn đề lý luận, thực tiễn của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế về tư pháp và pháp luật, nhất là trong việc triển khai Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, các cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cộng đồng ASEAN.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, biểu dương và cảm ơn những đóng góp của tập thể Viện Khoa học pháp lý, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác tại Viện trong suốt 35 năm qua.

Bộ trưởng lưu ý, thời gian tới, bộ, ngành Tư pháp đứng trước nhiều thời cơ, thách thức trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trước thách thức này, Viện Khoa học pháp lý cần nhận diện tốt hơn về định hướng, cách thức hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất và đồng bộ; đề xuất giải pháp cho hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của pháp luật mà quá trình tổ chức thi hành vẫn trục trặc, làm tăng giá thành sản xuất, kinh doanh, tăng chi phí chung cho xã hội.

Bên cạnh đó, Viện cần nghiên cứu sâu, tham mưu kịp thời về ảnh hưởng, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đề xuất giải pháp phù hợp để ứng phó, cập nhật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; đánh giá đúng hiện trạng, các yếu tố tác động đến sự phát triển, vai trò, vị thế của bộ, ngành Tư pháp trong tương lai…

Nguyệt Hà