TĐKT - Vốn là một chàng trai khôi ngô, từng được ăn học đến nơi đến chốn và có công việc ổn định ở một cơ quan Nhà nước, nhưng không may tai ương ập xuống đã khiến anh Lê Huy Tích (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) chết đi sống lại nhiều lần, trở thành người tàn phế. Vượt qua những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, Lê Huy Tích đã bền bỉ vượt lên số phận nghiệt ngã, trở thành chủ cửa hàng chế tạo xe lăn, sửa chữa xe điện, tạo công ăn việc làm và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều người kém may mắn trong xã hội.
Anh Lê Huy Tích, sinh năm 1978, là con cả trong một gia đình công chức nghèo ở phường Tân Thịnh. Sau 4 năm học cao đẳng, anh xin vào công tác tại Đoạn quản lý đường sông số 9 - đơn vị làm nhiệm vụ quản lý về đường thủy nội địa trên tuyến sông Đà. Khỏe mạnh, có trình độ, nhiệt huyết, anh luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao được lãnh đạo đơn vị tin tưởng. Những tưởng cuộc sống như thế cứ êm đềm trôi nhưng không may tai họa ập đến.
Anh Tích kể lại, một đêm năm 2007, trên đường từ nhà đi xuống huyện Kỳ Sơn để trực ca, do trời tối, đường trơn, bị đèn ô tô chiếu vào mắt, anh đã đâm vào đá, chiếc xe máy mất lái trượt cả một quãng dài. Cú ngã hiểm ác đó đã làm anh Tích bị đứt tủy, liệt hoàn toàn 2 chân.
Anh Lê Huy Tích (người ngồi xe lăn) đang trao đổi kỹ thuật sửa chữa với các lao động tại cơ sở Công ty TNHH MTV người khuyết tật Hòa Bình
Sau thời gian chạy chữa, kết hợp cả thuốc đông - tây y nhưng hai chân của anh vẫn không thể phục hồi. Nhiều lần thất vọng, anh đã có ý định muốn chết, tự giải thoát. Tuy nhiên, bản tính tích cực trong con người anh đã chiến thắng. Anh suy nghĩ: Mình không thể chết, phải vươn lên, không phụ thuộc vào người khác, phải tự di chuyển được.
Thời điểm đó, với trường hợp đã vào biên chế được được 7 năm như anh, vẫn được hưởng chế độ thương tật trên 3 triệu đồng/tháng. Nếu cứ như vậy thì với sự trợ giúp của gia đình và bạn bè, anh vẫn có thể đảm bảo được cuộc sống. Nhưng trong anh lúc nào cũng khao khát có được cuộc sống ý nghĩa hơn, tự khẳng định được bản thân mình.
Năm 2015, anh đã cùng một số bạn bè có hoàn cảnh tương tự, tự tìm tòi, nghiên cứu chế tạo sản phẩm giúp cho người khuyết tật giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Năm 2018, anh đã tìm tòi nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm xe điện, tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình và đạt giải Ba tại cuộc thi.
Năm 2019, anh và nhóm bạn khuyết tật tiếp tục nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm đầu kéo xe lăn chạy điện tham dự và đạt giải 3 đội xuất sắc trong cuộc thi SDG Challenge, do UNDP cùng NSSC Việt Nam đồng tổ chức tại Hà Nội.
Anh Lê Huy Tích đang giới thiệu sản phẩm đầu kéo xe lăn cho khách hàng
Tháng 7 năm 2019, anh và đồng nghiệp đã được Ban tổ chức cuộc thi SDG Challenge 2019 giới thiệu tới dự án Thriive HaNoi, thuộc tổ chức Thriive Hoa Kỳ, đây là tổ chức chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển theo hướng tác động xã hội, tạo điều kiện cho những hoàn cảnh đặc biệt yếu thế trong xã hội, là người khuyết tật. Sau 3 vòng thẩm định, tổ chức Thriive Hoa Kỳ đã trực tiếp cử người từ Mỹ sang hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0%, dưới hình thức đầu tư về thiết bị máy móc với số vốn gần 6000 USD, đổi lại đơn vị trả vốn vay bằng cách đào tạo dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật và trao tặng sản phẩm cho người khuyết tật.
Với niềm đam mê, sáng tạo, không lùi bước trước mọi khó khăn, anh Tích và các thành viên nhóm người khuyết tật đã đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép thành lập Công ty TNHH MTV người khuyết tật Hòa Bình. Quy mô Công ty được mở rộng, các sản phẩm chế tạo là phương tiện hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật. Sản phẩm đầu kéo xe lăn cho người khuyết tật của anh và Công ty TNHH MTV người khuyết tật Hòa Bình đã được sự đón nhận tích cực của người khuyết tật. Cho tới nay sản phẩm đã có mặt tại 19 tỉnh, thành trên cả nước. Hiện Công ty do anh làm Giám đốc tạo việc làm cho 9 người khuyết tật và 2 lao động tự do có công việc, thu nhập ổn định với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Lê Huy Tích thực sự là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên vượt khó trong cuộc sống, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho hàng trăm người khuyết tật khác.
Mai Thảo