TĐKT - Với suy nghĩ “Đảng viên không được nghèo, phải có kinh tế khá trở lên mới vận động được người dân tin tưởng làm theo”, những năm qua, ông Triệu Văn Lý, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái không ngừng tìm kiếm hướng làm kinh tế mới. Đồng thời, ông luôn gương mẫu, tích cực vận động nhân dân trong bản phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, tham gia hiệu quả các phong trào của địa phương.
Bản Vàng Ngần là nơi xa nhất của xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đường giao thông đi lại khó khăn, cách trung tâm xã hơn 20 km. Đến năm 2004 mới có đường xe máy đi đến điểm trung tâm. Giữa năm 2019 mới có điện lưới quốc gia. Cả bản hiện có 103 hộ, 530 khẩu, 100% là dân tộc Dao.
Ông Triệu Văn Lý (thứ hai từ phải sang) tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Yên Bái
Dù ở xa trung tâm xã nhưng bản luôn được Đảng ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể của xã và cấp trên quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ; liên tục trong nhiều năm trở thành thôn bản điển hình tiêu biểu nhất trong xã về nhiều mặt. Đời sống nhân dân bản Vàng Ngần nay đã khá hơn trước rất nhiều. Mỗi năm thôn bản giảm khoảng 15 đến 20% hộ nghèo. Mặc dù cuối năm 2019 ở đây mới có điện lưới quốc gia nhưng hiện nay đã có hơn 80% số hộ có ti vi, 30% có máy giặt, gần 100% có xe máy; có hộ mua được cả ô tô bán tải, ô tô tải, máy xúc…
Những kết quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Vàng Ngần Triệu Văn Lý. “Để trở thành người được bà con trong bản tin tưởng phải mất nhiều thời gian, phải sống thật tốt, quý trọng bà con, làm những việc làm tốt; chỉ cần có một việc không tốt thì người dân không tin, không quý nữa. Nên tôi thấy bản thân mình phải thường xuyên gương mẫu học tập và làm theo Bác Hồ, xứng đáng là người đảng viên gương mẫu.” – Ông Triệu Văn Lý chia sẻ.
Quyết tâm mở đường làm kinh tế mới, qua tìm hiểu, thấy cây quế có giá trị cao, ông tiên phong trồng quế thay cho cây nứa, cây lau lách. Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm, gia đình ông đều trồng thêm và trồng thay thế khoảng 1 ha quế. Hiện nay, gia đình ông có hơn 10 ha quế, nếu bán hết cũng được khoảng 5 đến 7 tỷ đồng. Ông ươm quế giống để phát triển đồi quế của gia đình và hướng dẫn cho các hộ trong bản cùng làm. Đến nay cả bản có trên 350 ha quế, chủ yếu là quế hữu cơ, giá bán cao hơn. Từ cây quế đã có nhiều hộ thoát nghèo, nhiều hộ khá, hộ giàu.
Ông cũng phát triển thêm chăn nuôi trâu, lợn, gà để phục vụ sinh hoạt và bán ra thị trường, tăng thêm thu nhập; đồng thời, khai hoang thêm ruộng nước để đảm bảo lương thực. Gia đình ông hiện có 6 nhân khẩu, thu nhập cả gia đình trên 300 triệu đồng/năm.
Ông Triệu Văn Lý dọn cỏ cho vườn quế
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông còn chủ động đề xuất tiếp tục phát triển đồi quế chung của thôn, nâng tổng diện tích từ 15 ha năm 2016 lên 35 ha năm 2020. Ông đã phân công các hộ trong bản luân phiên chăm sóc, bảo vệ, khai thác khi cần thiết. Hằng năm, số tiền thu được từ thu hoạch cành, lá quế và một số sản phẩm khác trên 150 triệu đồng được sử dụng để chi cho hoạt động chung của bản, chủ yếu dùng để hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật, làm nhà thiếu tiền, cho các hộ vay không tính lãi để phát triển kinh tế; mua vật liệu mở đường giao thông; khen thưởng các cháu học sinh khá, giỏi và các hộ, cá nhân tiêu biểu, gương mẫu... Cuối năm, trong ngày tổ chức liên hoan tổng kết vào dịp Tết Nguyên đán, bản thường hỗ trợ cho mỗi hộ khoảng 700 nghìn đến 1 triệu đồng để ăn Tết.
Là trưởng bản, ông luôn đau đáu việc giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ông cho biết: “Người Dao chúng tôi rất coi trọng thờ cúng tổ tiên, các lễ tục trong sinh hoạt, coi trọng người cao tuổi. Lo lắng sau này thế hệ trẻ quên dần, nên tôi quyết tâm đi học chữ viết, các lễ tục dân tộc, tôi được cấp sắc 12 đèn, là chức sắc cao nhất trong đời sống tinh thần của dân tộc Dao.” Với vai trò trưởng bản, ông cùng bàn bạc với các cụ, các bác trong bản 2 năm mở một lớp dạy chữ viết, phong tục cho thanh niên và thiếu niên để tiếp nối truyền thống, giữ gìn bản sắc tốt đẹp của dân tộc mình. Nhờ ông kiên trì vận động, những tập tục lạc hậu như tục lệ thách cưới cao, hôn nhân cận huyết thống… dần được xóa bỏ.
Từ sự gương mẫu, tích cực của trưởng bản Triệu Văn Lý, nhân dân trong bản Vàng Ngần luôn tin tưởng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết, gắn bó giúp nhau xóa đói, giảm nghèo.
Với những đóng góp tích cực, trưởng bản Triệu Văn Lý vinh dự được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tặng bằng khen điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020, là một trong 10 đại biểu đại diện tỉnh Yên Bái dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Phương Thanh