Trồng cây ăn quả có múi mang về thu nhập tiền tỷ
14/07/2021 - 10:44

TĐKT - Từ quyết định táo bạo chuyển đổi đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi, tới nay gia đình chị Đoàn Thị Hiên, thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã sở hữu diện tích lớn chanh tứ thời, cam V2, bưởi các loại... Mô hình trồng cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap đã mang lại cho gia đình chị thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Chị Đoàn Thị Hiên

Như những người phụ nữ khởi nghiệp khác, chị Hiên gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường, quản lý nhân sự, cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò trong gia đình, xã hội. Nhưng được sự hỗ trợ của người thân và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng sự nỗ lực của bản thân, chị đã từng bước đi tới thành công.

Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” do Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động, những năm qua, chị Hiên không ngừng tìm tòi, học hỏi, tham gia lớp đào tạo nghề ngắn hạn, các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, hăng hái tham gia thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với cơ cấu vùng miền của xã.

Năm 2005, nhận thấy 6 ha trồng cây lâm nghiệp của gia đình kém hiệu quả, chị Hiên mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thử trên 100 cây chanh tứ thời. Chuyển đổi cây trồng mới, kinh nghiệm chưa có, chị phải học hỏi mô hình cây ăn quả ở các địa phương khác để áp dụng kỹ thuật chăm sóc, đầu tư diện tích của gia đình. Vừa làm vừa từng bước tích lũy kinh nghiệm, sau hơn 10 năm, gia đình chị Hiên đã phủ kín 6 ha đất bằng các loại cây ăn quả, trong đó có 5 ha cây cam V2, diện tích còn lại là chanh tứ thời và bưởi các loại. Năm 2013, chị mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số vốn 20 triệu đồng để đầu tư mô hình trồng cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap và vận động chị em phụ nữ trong thôn cùng tham gia.

Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Đoàn Thị Hiên cho thu nhập cao, được nhiều tổ chức, cá nhân tới tham quan, học tập

Từ diện tích cam, chanh bố mẹ ban đầu, năm 2020, chị Hiên đã mua, thuê 8 ha đất ở xã Đội Cấn, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang để trồng thêm và làm vườn ươm cây giống.

Bình quân mỗi năm gia đình chị Đoàn Thị Hiên thu hái được 40 tấn quả có múi; chiết, ghép 2 vạn cây giống bán ra thị trường, tổng thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động tại địa phương.

Chị cho biết: “Chúng tôi là áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn Vietgap, giá cả ổn định, chất lượng, an toàn từ sản xuất đến tiêu dùng theo một quy trình khép kín. Trong quá trình tạo ra sản phẩm, không tạo ra khí thải độc hại, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không an toàn. Thông điệp của tôi muốn gửi đến khách hàng về công nghệ sản phẩm, đó là “Vì sức khỏe cộng đồng, chúng tôi luôn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng an toàn”.”

Chị Đoàn Thị Hiên phấn khởi khoe thành quả sau thời gian chăm sóc vườn chanh tứ thời.

Ngoài việc làm kinh tế tại gia đình, chị Hiên còn tích cực động viên chị em phụ nữ trong Chi hội tham gia xây dựng phong trào Hội, vận động hội viên thực hiện phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” theo 4 tiêu chuẩn "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Nhờ mô hình cũng như sự giúp đỡ của chị Hiên, trên 100 gia đình hội viên hội phụ nữ trong tổ sản xuất đã có kiến thức, có việc làm và thu nhập, góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

“Với phương châm “sát cánh cùng người sản xuất, đồng hành cùng người tiêu dùng”, mục tiêu của tôi là xây dựng và phát triển chuỗi liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả có múi an toàn và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo trong thôn, xã, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, tiến tới thành lập hợp tác xã trong tương lai gần.” - Chị Hiên chia sẻ.

Chị đang phối hợp với các hội viên khác mở rộng diện tích cây ăn quả, phấn đấu đến năm 2022, gia đình chị và các hội viên phụ nữ trong thôn sẽ có tổng diện tích cây ăn quả là 73 ha, sản lượng ước đạt gần 1.100 tấn cam, chanh, bưởi các loại, tiến tới thành lập hợp tác xã để sản xuất theo chuỗi giá trị và giải quyết được việc làm cho nhiều lao động trong thôn, xã.

Phương Thanh