TĐKT – Hơn 30 năm qua, nhà khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, giảng viên trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải luôn miệt mài với việc nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm sơn hiệu quả, phục vụ hữu ích cho các công trình xây dựng, cầu đường, cảng biển lớn trên cả nước. Dù năm nay chuẩn bị bước sang tuổi 60, nhưng lúc nào trong con người phụ nữ ấy cũng tràn đầy tình yêu, say mê với nghề.
Đi khắp đất nước, hầu như nơi nào có cầu, có đường…cũng đều có phần đóng góp không nhỏ của PGS, TS. Nguyễn Thị Bích Thủy. Bà là chủ nhân của nhiều công trình nghiên cứu, đề tài khoa học về vật liệu sơn, đóng góp lớn cho Thủ đô và đất nước.
Vốn là người Hà Nội gốc, ngay từ khi học tại Trường THPT Chu Văn An, nữ sinh Nguyễn Thị Bích Thủy đã học rất giỏi, và sau đó tiếp tục chọn theo học đại học tại Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1980, bà về công tác tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải (GTVT).
Mặc dù công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ GTVT trong một thời gian khá dài nhưng đến năm 1994, bà mới bắt đầu phát triển nghiên cứu và sản xuất sơn cho các công trình giao thông. Càng làm, càng đi sâu vào nghiên cứu về sơn, bà càng cảm thấy hấp dẫn. Dần dần sơn đã trở thành niềm đam mê nghiên cứu của người phụ nữ ấy. Bà cho ra nhiều sản phẩm sơn có chất lượng, từ sản phẩm sơn có tuổi thọ 5 năm đến sơn có tuổi thọ 10 năm, sơn dung môi, rồi đến sơn công nghệ cao, sơn men cho độ bóng, tăng tính trang trí và khả năng chịu thích ứng với điều kiện tự nhiên tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thủy chia sẻ: nghiên cứu sơn là công việc rất khắc nghiệt, càng vất vả với phụ nữ. Không chỉ thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, người làm nghề còn phải đọc nhiều tài liệu, hiểu biết nhiều lĩnh vực liên quan, vừa nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, vừa phải đi thực tế, đi theo dõi hiện trường để khảo sát mẫu, triển khai sản phẩm nghiên cứu…
PGS,TS. Nguyễn Thị Bích Thủy được nhận giải thưởng Kovalevskaia 2013 (thứ hai từ bên trái sang)
Vừa làm người giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, với người phụ nữ ấy, dường như, một ngày 24 tiếng vẫn chưa làm bà thỏa mãn.
“Với tôi, sơn giống như một người phụ nữ đẹp, lúc thì dễ thương, nhưng đôi lúc cũng đỏng đảnh lắm, chỉ cần có một sai sót nhỏ trong nghiên cứu là sẽ hỏng ngay. Vì vậy, để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, phù hợp, người nghiên cứu phải kiên trì, liên tục cập nhật, rút kinh nghiệm, đi từ thấp đến cao. Mỗi đề tài được nghiên cứu thành công là động lực, niềm tin để nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu ra các loại sơn có tính ứng dụng thực tiễn cao hơn.” – PGS, TS. Bích Thủy chia sẻ.
Nhắc đến bà là nhắc đến hàng dài những công trình mà bà đứng tên chủ đề tài nghiên cứu. Hơn 30 năm qua, PGS, TS Bích Thủy đã trực tiếp chủ trì 32 đề tài, tiêu chuẩn; tham gia 42 đề tài, tiêu chuẩn Nhà nước, cấp bộ và cấp sở, trong đó có trên 10 công trình tiêu biểu đã được áp dụng thực tiễn. Ngoài ra, bà biên soạn và tham gia biên soạn bộ 30 Tiêu chuẩn Việt Nam đã được ban hành thuộc lĩnh vực sơn bảo vệ và sơn tín hiệu giao thông; tham gia đào tạo, giảng dạy, hướng dẫn cho nhiều học viên và nghiên cứu sinh thuộc ngành Hóa cho các cơ sở đào tạo trong nước và Hà Nội: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học GTVT, Viện Kỹ thuật quân sự...
Đối với Hà Nội, bà đã tham gia tư vấn, thẩm định các công nghệ mới trong xây dựng công trình giao thông của thành phố. Cụ thể là đánh giá, nâng cao chất lượng vạch kẻ đường, biển báo an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông tại Thủ đô; nghiên cứu, chế tạo những công nghệ vật liệu mới phù hợp trong xây dựng mặt đường bê tông nhựa, vật liệu sơn bảo vệ chống ăn mòn với độ bền cao cho các công trình: cầu Chương Dương, cầu Đuống, các cầu vành đai Đường sắt, cầu Long Biên nhịp 6, sơn duy tu cầu Thăng Long, sơn hệ thống xe hàng cho đóng mới toa xe của nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Bà còn làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu của Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội “Nghiên cứu chế tạo phụ gia tăng bám dính đá nhựa trên cơ sở Oligomamid cho công trình giao thông Hà Nội” (năm 2002), đã chuyển giao cho Sở GTVT Hà Nội để áp dụng rộng rãi trong giao thông thành phố, đặc biệt cho duy tu sửa chữa mặt đường. Năm 2012 - 2013, bà chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu chế tạo nhựa đường chất lượng cao trên cơ sở nhựa đường biến tính cao su " của Sở KHCN Hà Nội và 2015 đã chủ trì nghiên cứu cải thiện chất lượng nhựa đường bằng phần tử nano, tạo ra sản phẩm nhựa đường có chất lượng cao tương đương sản phẩm nhập ngoại.
Chia sẻ về một kỷ niệm khi đảm nhiệm sơn duy tu công trình cầu Thăng Long, PGS, TS Bích Thủy kể: năm 2010 - 2012, mặt cầu Thăng Long gặp sự cố, xuất hiện những rãnh sâu, gồ ghề, ảnh hưởng đến giao thông. Vào những đợt sửa chữa, bà thường xuyên có mặt trên cầu từ 21 h hôm trước đến 3 h hôm sau, cùng nhà thầu tìm giải pháp khắc phục. Vậy mà đến giờ làm việc, bà vẫn kịp thời có mặt ở cơ quan để thực hiện nhiệm vụ Giám đốc một viện chuyên ngành.
Nhắc đến bà, người ta còn nhớ nhiều đến một người lãnh đạo tâm huyết, trách nhiệm. Từ năm 2003 - 2013, bà được tín nhiệm bầu làm Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ GTVT. 10 năm vừa đảm nhận vai trò của người lãnh đạo, vừa nghiên cứu khoa học, bà đồng thời luôn nỗ lực tìm và đảm nhận các dự án nghiên cứu ứng dụng, cốt để thêm việc làm, thêm thu nhập và đảm bảo đời sống cho anh em của Viện. Vì vậy, đến nay, Viện đã trở thành một địa chỉ mạnh trong lĩnh vực sơn phủ ăn mòn với hơn 10 công nghệ sơn tiên tiến, cạnh tranh được với sơn của các hãng nổi tiếng trên thế giới cùng hệ thống nhà xưởng sản xuất thử nghiệm công suất trên 200 tấn/năm, các trang thiết bị đồng bộ hiện đại.
Hiện tại đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện và tiếp tục chủ trì nhiều công trình khoa học. Đồng thời vẫn đang kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo giữa công tác giảng dạy với nghiên cứu khoa học để góp phần đào tạo các sinh viên, kỹ sư trẻ thêm kiến thức thực tiễn về công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước đã được triển khai từ nhiều năm nay trên thực tế Việt Nam.
Với những đóng góp của cá nhân, PGS, TS Nguyễn Thị Bích Thủy được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Bộ GTVT 3 lần tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ngành, 4 lần được tặng Bằng Khen; được Bộ Khoa học và Công nghệ 2 lần tặng Bằng khen. Đồng thời, bà cũng gặt hái nhiều giải thưởng: giải nhì Vifotec, Giải thưởng Kovalevskaia 2013; được vinh danh Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2016; Phụ nữ Việt Nam Tự tin tiến bước... Mới đây, Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội đã đề xuất PGS TS Nguyễn Thị Bích Thủy là 1 trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2017.
Hưng Vũ