TĐKT - Sáng 6/3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2017 và Giao lưu giữa các nhà khoa học nữ với nữ sinh. Tới dự, có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà. Cùng dự, có: Nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Khiết; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Giải thưởng Kovalevskaia cho 2 cá nhân
PGS.TS, Bác sĩ Trần Vân Khánh là người Việt Nam đầu tiên triển khai thành công liệu pháp điều trị Gen sử dụng mô hình tế bào.
PGS.TS Đinh Thị Bích Lân là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu, sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao: Các loại kháng nguyên tái tổ hợp của một số mầm bệnh ở gia súc, gia cầm; vắc xin thế hệ mới, sản phẩm của công nghệ gen và công nghệ protein tái tổ hợp, có tính an toàn cao trên gia súc...
Giải thưởng được mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ XIX - Sophia Kovalevskaia là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm biểu dương và tôn vinh các cá nhân phụ nữ có thành tích xuất sắc có sáng kiến, sáng tạo và có tầm ảnh hưởng, lan tỏa tới cộng đồng. Tại Việt Nam, đây là giải thưởng cấp quốc gia có uy tín dành cho các nhà khoa học nữ. Từ năm 1985 đến 2016, Giải thưởng được trao cho 18 tập thể và 45 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin...
Chương trình giao lưu giữa các nữ sinh viên với các nhà khoa học nữ đạt giải thưởng Kovalevskaia
Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các nhà khoa học nữ từng đạt giải thưởng Kovalevskaia đã giao lưu, chia sẻ cùng với nữ sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, thành công của PGS.TS Trần Khánh Vân, PGS.TS Đinh Thị Bích Lân là minh chứng cho việc định hướng đúng đắn trong nghiên cứu khoa học của các nhà trường đối với sinh viên từ việc tạo điều kiện, cơ hội học tập nghiên cứu, giao đề tài đúng khả năng của sinh viên, phù hợp với thực tiễn.
Từ đó, nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng, các nhà trường cần tạo môi trường học tập, nghiên cứu tốt nhất cho sinh viên; đội ngũ thầy cô giáo phải có chuyên môn tốt, tận tâm tận lực, hết lòng vì sinh viên, phải coi sinh viên là bạn trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó là chú trọng đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên, nhất là tại các nhà trường khối khoa học tự nhiên.
Nguyên Phó Chủ tịch nước cũng lưu ý, các nhà trường cần đánh giá đúng năng lực, tạo điều kiện công bằng, khuyến khích nữ học sinh, sinh viên, nữ giảng viên khối ngành khoa học tự nhiên chủ động, tích cực nghiên cứu khoa học; phát huy sự đóng góp của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống, qua đó nâng cao hình ảnh và vị thế của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.
Chia sẻ với sinh viên tại buổi giao lưu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo với mục tiêu cả nước đạt 1 triệu doanh nghiệp. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường tiềm lực công nghệ, cần nhiều phát minh sáng chế và có nhiều nhà khoa học để đưa những giải pháp hữu ích vào cuộc sống. Trong bối cảnh thời kỳ khoa học, công nghệ, sinh viên phải chịu khó học tập, rèn luyện; dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đồng thời sẵn sàng dấn thân, vượt qua thất bại để thành công, đưa đất nước ta ngày càng phát triển hơn trong tương lai.
Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức công bố 12 công trình khoa học của nữ sinh viên được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ.
Mai Thảo