Tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân Tây Nguyên
16/08/2019 - 08:50

TĐKT - Tham gia vào Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, được đi nhiều nơi, tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của bà con, nhiều gia đình “cơm không đủ ăn”, “áo không đủ mặc”, Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Trinh không khỏi thương cảm. “Bộ đội cũng là con em của dân, mình đi tuyên truyền, vận động người dân thì cũng phải làm gì đó để người dân đỡ khổ.” - Suy nghĩ ấy luôn thường trực trong tâm trí người nữ cán bộ trẻ.

Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Trinh là một điển hình tiên tiến tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”

Quân khu 5 là địa bàn chiến lược trọng điểm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược trọng điểm, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum nói riêng và các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên nói chung vẫn duy trì có hiệu quả hoạt động của các Đội Tuyên truyền văn hóa cơ sở.

Là một tuyên truyền viên của Đội, khắc ghi lời Bác Hồ với đồng bào Tây Nguyên “Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ, no đói bên nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”, Thượng úy Nguyễn Thị Trinh đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum tổ chức phong trào quyên góp đồ dùng cho đồng bào nghèo.

Tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ, chị Trinh lại cùng chị em đi vận động, thu nhận hàng ngàn bộ quần áo, chăn màn cũ về giặt sạch. Riêng bản thân chị đã quyên góp được 21,5 triệu đồng, hơn 5 tạ gạo, hơn 600 cuốn sách vở, ti vi, mì tôm, dầu ăn, bột ngọt... để giúp đỡ đồng bào. Việc làm của chị đã nhận được sự ủng hộ của đồng chí, đồng đội và được bà con tin yêu, coi chị như con em của bản làng.

Cuối năm 2017, tình hình tranh chấp đất đai trên địa bàn trở lên phức tạp. Một số kẻ cầm đầu quá khích đã kích động người dân chiếm đất của nông trường. Chúng đe dọa, cưỡng ép người dân phải theo chúng, nếu không chúng sẽ cô lập, không cho ai đến nhà khi có việc cưới xin, có người chết; thậm chí hàng ngày, cử người đến chửi bới, dọa nạt, đánh đập, hành hung bà con.

Thượng úy Nguyễn Thị Trinh kể lại: “Khi được chỉ huy phân công xuống địa bàn nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con, tôi rất lo lắng, trăn trở, nhiều đêm không ngủ được với suy nghĩ: Liệu mình có hoàn thành nhiệm vụ được không? Làm thế nào để bà con tin chính quyền, tin bộ đội, không nghe theo kẻ xấu xúi giục? Qua các lần tiếp xúc với bà con, tôi nhận ra rằng, đồng bào chỉ tin vào những điều mắt thấy, tai nghe; những cán bộ miệng nói thì tay phải làm.”

Vì vậy, chị đã cùng với anh em xuống từng nhà, gặp từng người, thực hiện “3 bám, 4 cùng”: “Bám vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng - Bám vào nhiệm vụ chính trị - Bám sát địa bàn dân cư; Cùng ăn - Cùng ở - Cùng làm - Cùng biết tiếng đồng bào”. Chị và đồng đội hết lòng giúp đỡ bà con những công việc thường ngày, từ trồng lúa, chăm sóc cà phê, đến đào mương, làm nhà, hướng dẫn làm chế độ chính sách, khéo léo vận động, giải thích cho bà con hiểu, biết đề phòng, không nghe, không tin lời kẻ xấu xúi giục.

Chị còn nhớ như in đầu tháng 3 năm 2018, lực lượng chức năng bắt giữ một số đối tượng phá hoại tài sản, chiếm đất trái pháp luật. Những kẻ cầm đầu đã gây rối, kích động người dân bắt giữ cán bộ làm con tin. “Khi được bà con gọi điện “Bộ đội Trinh ơi vào cứu buôn làng đi”, tôi thật sự bối rối nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh, động viên dân làng không được vi phạm pháp luật, hành hạ con tin.” – Chị chia sẻ.

Ngay đêm hôm đó, chị được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ xuống địa bàn để tìm hướng giải quyết. Những kẻ gây rối rất manh động, hung hăng, bất chấp pháp luật, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng, đe dọa đến tính mạng. Chị nói: “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ, bộ đội “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” là chuyện thường; mình làm vì dân thì chắc chắn dân sẽ không bao giờ hại mình.”

Sau 2 ngày đêm chị kiên trì vận động, thuyết phục, các đối tượng cầm đầu đã chấp nhận thả cán bộ, trả lại sự bình yên cho buôn làng. Khi đó, những người già trong làng cứ đến ôm chị và nói “cảm ơn bộ đội Trinh, bộ đội Trinh đã giúp làng mình”.

Cùng sống và cảm thông với bà con, trước những bức xúc của bà con, Thượng úy Nguyễn Thị Trinh đã tham mưu cho các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, xây dựng được 5 nhà đại đoàn kết, vận động bà con viết đơn xin cấp đất, xin làm công nhân, nhận khoán cao su, vay vốn sản xuất và tham gia đối thoại với chính quyền để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc. Qua đó, đã cảm hóa được đa số người dân không tham gia vào các việc làm sai trái, vi phạm pháp luật; trở thành cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân địa phương; làm tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân Tây Nguyên. 

Thượng úy Nguyễn Thị Trinh (thứ 2, bên phải sang) tại buổi giao lưu, tuyên dương mô hình thi đua tiêu biểu của phụ nữ lực lượng vũ trang Quân khu 5 giai đoạn 2016 – 2018

Bên cạnh làm tốt công tác dân vận, chị Trinh luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Trong quá trình công tác, thấy việc hủy giấy loại còn lãng phí, gây nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường, chị đã mạnh dạn nghiên cứu, chế tạo thành công máy hủy giấy đa năng, có nhiều tính năng ưu việt, giá thành rẻ hơn so với các loại máy hiện có trên thị trường.

Quá trình áp dụng thu gom, xử lý giấy loại tại đơn vị và bán ra thị trường, thu về hơn 65 triệu đồng. Số tiền ấy được chị đưa vào Quỹ hoạt động của Hội Phụ nữ để thăm nom các gia đình chính sách, hội viên ốm đau, hỗ trợ các cháu học sinh nghèo vượt khó. 

Với những thành tích đã đạt được, 2 năm liền chị được tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc; được Bộ Quốc phòng tuyên dương “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở và được tặng nhiều Bằng khen của Quân khu, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kon Tum. Năm 2018, chị được công nhận là 01 trong 10 gương mặt phụ nữ tiêu biểu toàn quốc; được nhận giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam”.

Theo chị, có được thành công ấy là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự đoàn kết, chia sẻ của đồng chí, đồng đội và đặc biệt là sự thương yêu, tin tưởng của nhân dân.

Chị tâm niệm: “Đối với nhiệm vụ phải luôn tận tâm, tận lực, dám nghĩ, dám làm; khi về với dân phải gương mẫu, đi đầu trong mọi việc; nói thì phải làm; việc gì cũng vì dân; coi dân như người thân trong gia đình, biết cảm thông, chia sẻ, động viên bà con, không được thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của người dân, để hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” lan tỏa trong nhân dân và toàn xã hội.”

Phương Thanh