Tình nguyện nhặt rác làm sạch biển ở Cửa Đại
13/04/2021 - 09:33

TĐKT - Hơn 4 năm nay, người dân ở biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông chừng 60 tuổi, tóc điểm bạc, dáng người gầy gò vẫn đều đặn mỗi ngày đẩy chiếc xe chở rác dọc con đường bờ biển cần mẫn nhặt rác.

 

Không chỉ nhặt rác, ông Thương còn tuyên truyền mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường (ảnh: Dân Trí).

Chia sẻ về cái duyên đến với việc “vác tù và hàng tổng” này, ông Nguyễn Thương (khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại) cho biết: Năm 2016, khi đang phụ bếp tại một nhà hàng, ông bất ngờ lên cơn sốt. Cố gắng hoàn thành công việc đến lúc tan ca, về nhà cũng thuốc men như những lần sốt bình thường nhưng bệnh không hề giảm. Ông thấy hai tai bắt đầu ù, đầu óc quay cuồng, chân tay tê liệt. Nằm viện gần nửa năm mà bệnh cũng không có tiến triển, ông được gia đình đưa về nhà để tiện chăm sóc.          Tuy nhiên, bệnh tật không thể quật ngã ông, ông gắng gượng miệt mài tập luyện để cải thiện sức khỏe, đi bộ tập thể dục mỗi buổi sáng. Và những lần đi tập thể dục này, cứ thấy rác trên bãi biển là ông bỏ ngay vào thùng. Dần dần việc nhặt rác với ông trở thành thói quen. 

Theo ông Thương tâm sự, việc nhặt rác này, vừa đi nhiều có sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường. Từ đó ngày ngày, ông đều cần mẫn nhặt rác trên bãi biển Cửa Đại và coi đó như là một niềm vui của mình.

Thời gian đầu, ông đều thức dậy từ 2 giờ sáng, đi vòng quanh bãi biển, nhặt từng mẩu rác nhỏ cho vào bao. Ông làm đến tờ mờ sáng. “Sở dĩ tôi dạy sớm đi nhặt rác vậy vì cũng ngại mọi người biết, đặc biệt là sợ người thân sẽ lo lắng cho sức khỏe mà ngăn cản không cho làm” - ông Thương cười hiền nhớ lại.

Tuy nhiên việc làm âm thầm ấy của ông cũng không giấu được mọi người lâu. Làm được một thời gian, bà con hàng xóm biết chuyện và họ đều cho rằng chắc ông bị “khùng” nên mới làm công việc “bao đồng” trong khi tình trạng sức khỏe như vậy.

Rồi chuyện ông đi nhặt rác cũng đến tai vợ con ông. Mọi người trong gia đình ra sức ngăn cản vì lo lắng cho sức khỏe của ông Thương. Nhưng ông đã thuyết phục được cả nhà. Ông bảo việc nhặt rác vừa là để vận động cơ thể, rèn luyện sức khỏe vừa là liều thuốc tinh thần. Ông cảm thấy rất vui vì làm được việc có ích cho cộng đồng. Tuy nhiên cả nhà bắt ông không được đi vào lúc nửa đêm nữa mà chỉ được bắt đầu công việc từ 7 - 10 giờ sáng. Những ngày mưa to, gió lớn ông phải ở nhà để giữ gìn sức khỏe.

Theo ông Thương, khu vực biển Cửa Đại là nơi có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khách Tây, khách Việt đi lại đông đúc... Bởi vậy, ông nghĩ môi trường sạch đẹp hết sức cần, để giữ chân du khách. “Dù mình không làm được việc gì lớn cho quê hương, thì cũng góp chút ít công sức gọi là” - ông Thương chia sẻ.

Dần dần, khi thấy số lượng rác người dân vứt ra đường nhiều hơn, năm 2018, ông Thương đã gom góp ít tiền rồi gọi con rể đóng giúp chiếc xe đẩy. Bên trong xe, ông để 2 cái thùng và một số bao tải để việc thu gom rác được thuận tiện hơn.

Chiếc xe của ông Thương còn in những thông điệp tuyên truyền người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường: “Vì tương lai con em chúng ta, hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp”, “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”, “Hãy bảo vệ môi trường, không sử dụng túi ni-lông, không vứt túi ni-lông ra nơi công cộng”…

“Một người nhặt mà nhiều người xả thì không ổn. Bảo vệ môi trường phải xuất phát từ ý thức mỗi người mới bền được, thế nên mình vừa nhặt vừa tuyên truyền để mọi người cùng chung tay”- ông Thương chia sẻ.

Di chứng từ đợt tai biến khiến 2 tai của ông bị điếc hẳn, một bên tai phải dùng máy trợ thính. Những hôm trở trời, đầu lại đau nhức, ông phải thực hiện lời hứa với vợ con là ở nhà. Ông bảo: “Ðau thì phải ở nhà nhưng ngày nào không đi nhặt rác là người chán lắm, cảm giác vô vị.”

Thấy ông gia cảnh khó khăn, sức khỏe hạn chế vì bệnh tật, lãnh đạo UBND phường Cửa Đại đã gặp gỡ và đề nghị giúp ông một khoản kinh phí. Nhưng ông Thương không ngần ngại từ chối. “Tôi nói với mấy anh ở phường là việc tôi làm cũng bình thường, không có gì to tát. Mấy anh nên để dành kinh phí này giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hơn”- ông kể.

Nhớ lại những khoảng thời gian đầu ông Thương đi nhặt rác, bà Lê Thị Bảy, vợ ông vẫn không khỏi bồi hồi. Bà kể, hồi đó, mỗi lần thức dậy là thấy người ông ướt đẫm mồ hôi. Cứ nghĩ là ông đi tập thể dục chứ không nghĩ là đi nhặt rác. Sau này mới nghe nhiều người nói ông đi nhặt rác như người khùng. “Lúc đó tôi ngại lắm, không muốn đi ra ngoài. Mỗi lần đi làm họ nói tôi về bảo ông đừng đi nhặt rác nữa. Tôi khuyên ổng suốt đó mà không được. Thấy ông đi làm rồi khỏe dần nên tôi và gia đình cũng mừng”- bà Bảy chia sẻ.

Vậy là sau hơn 4 năm cần mẫn góp phần làm sạch bờ biển Cửa Đại, những suy nghĩ tiêu cực của người dân về ông đã hoàn toàn biến mất. Từ chỗ coi ông là người khùng, giờ đây mọi người quý trọng việc làm của ông và ý thức bảo vệ môi trường của mọi người cũng dần thay đổi.

Có thể thấy, những việc làm ý nghĩa của ông Thương không những góp phần không nhỏ trong giữ gìn vệ sinh môi trường ở phường Cửa Đại mà còn có sức lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường. Ông chính là một tấm gương mọi để mọi người học tập và noi theo.

Ông vinh dự là 1 trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020.

Hà Nguyệt