Tìm sinh kế, lập thân, lập nghiệp
01/04/2020 - 12:24

TĐKT – Sau thời gian làm công nhân ở miền Đông Nam bộ nhiều năm, anh Danh Hoàng (dân tộc Khơ me) quyết định về quê hương xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang để lập nghiệp và đã thành công với mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sản xuất theo chuỗi khép kín.

Anh Danh Hoàng cho biết, trước đây, bản thân và gia đình chỉ sản xuất nông nghiệp thuần túy, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Xuất thân từ một gia đình thuần nông, anh luôn suy nghĩ, trăn trở tìm cách để khắc phục cái đói, cái khổ.

Anh Danh Hoàng đang chăm sóc diện tích hẹ của gia đình

Từ hai bàn tay trắng, được các cấp bộ đoàn tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất, mà trực tiếp là sự giúp đỡ chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thanh niên xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, anh Hoàng đã được đi tham quan học tập thực tế nhiều lần tại các mô hình phát triển kinh tế hay ở các địa phương. Từ những kinh nghiệm được học hỏi và những kỹ thuật được chuyển giao từ đợt tập huấn của Đoàn, Hội; cộng với sự hỗ trợ về vốn của các cấp, Hoàng đã tìm thấy hướng đi cho mình - xây dựng mô hình phát triển kinh tế “Chuỗi sản xuất khép kín quy mô hộ gia đình”.

Tận dụng diện tích đất nhà khoảng 5000 m2 , anh Hoàng tiến hành trồng cây bắp. Sau khi thu hoạch, anh tận dụng cây bắp làm thức ăn cho 8 con bò, giúp giảm chi phí thức ăn, giúp bò sinh sản tốt và đạt chất lượng về giống cũng như bò thịt. Không những thế, anh còn tận dụng nguồn phân bò nuôi trùn quế để bán và nuôi lươn đồng.

Anh Hoàng chia sẻ: Trùn quế được anh sử dụng làm thức ăn dinh dưỡng cho lươn và gà; còn lại anh đem bán, với mỗi kg trùn quế, anh có thêm được 50.000đ.  Ngoài ra, những sinh khối của trùn quế là nguồn phân hữu cơ rất tốt để gia đình anh trồng rau màu. Đặc biệt, hiện tại ở gia đình anh đang trồng cây hẹ, mang lại thu nhập ổn định mỗi tháng bình quân 8 triệu đồng.

Chính từ mô hình khép kín này, anh đã tiết kiệm được chi phí, đồng thời hạn chế được việc sử dụng phân thuốc hóa học, từ đó cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn. Mỗi năm, mô hình cho gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng.

Chia sẻ về việc làm của mình, anh Hoàng bảo: Tuy mô hình còn nhỏ, mới chỉ là những thành công ban đầu, nhưng nó đã đem đến cho tôi sự hứng khởi, quyết tâm. Dự định trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm trại trùn quế và phát triển thêm đàn gà.

Danh Hoàng bên đàn bò gia đình

Bày tỏ sự biết ơn đối với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thanh niên các cấp trong việc giúp đỡ gia đình anh phát triển thành công mô hình khép kín, cho giá trị kinh tế cao, anh Hoàng chia sẻ: “Phải nói rằng tổ chức đoàn thanh niên là cầu nối giữa người đoàn viên, thanh niên với Nhà nước để hộ gia đình được tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong vấn đề phát triển kinh tế, hỗ trợ tiền vay, hỗ trợ lãi suất. Quan trọng nhất đối với tôi là đã kịp thời tiếp cận được với nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn; được tiếp thu các kiến thức khoa học, kinh nghiệm hay trong xây dựng và vận hành mô hình; được tiếp cận với đầu ra ổn định, giúp gia đình an tâm sản xuất.

Danh Hoàng bày tỏ mong muốn: Không chỉ riêng với tôi, tìm ra sinh kế cho bản thân là khát khao của rất nhiều bạn trẻ khác. Tôi mong rằng, các cấp, các ngành tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ thêm nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để các mô hình của thanh niên được phát triển thêm. Tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với mọi người, cùng bắt tay xây dựng kinh tế, tìm được động lực và hướng lập thân lập nghiệp, khẳng định mình trong xã hội.

Được biết, ngoài việc phát triển kinh tế, anh Hoàng luôn gương mẫu trong việc thực hiện đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chung tay xây dựng nông thôn mới, kịp thời động viên, ủng hộ những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để họ được phát triển sản xuất.

Hưng Vũ