TĐKT - Với vai trò một Trưởng khoa, bác sĩ Đào Văn Nhân, Khoa Ngoại Thần kinh và Cột sống, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định luôn xác định rõ “Mình là lãnh đạo, mọi phong trào trong đơn vị phải đi đầu để cán bộ, viên chức học tập, noi theo”. Bởi vậy, những năm qua, ông luôn tiên phong trong nghiên cứu khoa học và lao động sáng tạo, có nhiều đề tài khoa học hữu ích được áp dụng vào thực tiễn, giúp nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị cho người bệnh.
Bác sĩ Đào Văn Nhân (ở giữa) đã có nhiều đề tài khoa học hữu ích được áp dụng vào thực tiễn
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định là Bệnh viện hạng I, với 1.110 giường kế hoạch, thực kê 1.460 giường, gồm 44 khoa phòng (26 khoa lâm sàng, 9 khoa cận lâm sàng, 9 phòng chức năng). Tổng số nhân lực là 1.610 nhân viên, là tuyến điều trị cao nhất tỉnh.
Với phương châm hành động “Tất cả vì sự hài lòng của người bệnh”, trong các năm qua, bệnh viện đã thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; triển khai ứng dụng sáng kiến và triển khai thực hiện kỹ thuật mới, những kỹ thuật cao và chuyên sâu; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh.
Hưởng ứng phong trào thi đua nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ cho việc điều trị ngày càng tốt hơn, khoa Ngoại Thần kinh và Cột sống nói chung và bác sĩ Đào Văn Nhân nói riêng đã có nhiều đề tài được áp dụng.
Tiêu biểu là đề tài “Phẫu thuật can thiệp tối thiểu điều trị túi phình mạch não vòng tuần hoàn trước vỡ”, đường mổ dài 3,5 cm so với đường mổ Pterion trước đây dài 12 - 15cm, cắt sọ nhỏ hơn, do đó sử dụng thuốc kháng sinh giảm, thời gian hậu phẫu rút ngắn hơn 3 - 5 ngày so với đường mổ cũ. Với kỹ thuật này, ông đã báo cáo tại các kỳ Hội nghị Phẫu thuật Thần kinh toàn quốc qua các năm 2014, 2015, 2016 và được Tổng Liên đoàn Lao động tặng Bằng khen năm 2015.
Đề tài “Đánh giá kết quả phẫu thuật chấn thương cột sống cổ cao tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định” được trình bày trong Hội nghị Phẫu thuật Thần kinh toàn quốc 2018 tại Rạch Giá – Kiên Giang, được đánh giá cao từ hội đồng các nhà chuyên môn. Phẫu thuật chấn thương cột sống cổ cao mất vững là một phẫu thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm trong đánh giá lâm sàng, hình ảnh trước mổ, hiểu rõ giải phẫu phẫu vùng cột sống cổ cao. Phẫu thuật bất động vững chắc tạo điều kiện để hồi phục thần kinh, hàn xương tốt và nên được áp dụng ở những bệnh viên có đầy đủ trang thiết bị.
Đề tài “Điều trị trượt đốt sống thắt lưng L4-L5 bằng phẫu thuật can thiệp tối thiểu qua da” được trình bày trong Hội nghị Phẫu thuật Thần kinh toàn quốc năm 2019 tại Hà Nội. Kết quả nắn chỉnh tốt, đường mổ nhỏ, ít tổn thương cơ cạnh sống, giảm mất máu trong mổ, thời gian nằm viện ngắn, giảm tỷ lệ nhiễm trùng, giảm đau sau mổ và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh sau mổ.
Đề tài “Phẫu thuật can thiệp tối thiểu điều trị chấn thương cột sống ngực - thắt lưng mất vững bằng vít qua da”. So với phương pháp truyền thống, phẫu thuật cột sống can thiệp tối thiểu có vết mổ nhỏ hơn rất nhiều, do đó bệnh nhân sẽ ít đau và thời gian phục hồi nhanh hơn. Đồng thời, phương pháp này cũng vượt trội ở khả năng giảm phá hủy cơ, bớt đau sau mổ, hạn chế biến chứng thần kinh, biến chứng nhiễm trùng. Trong quá trình phẫu thuật, không cần phải truyền máu, không cần đặt ống dẫn lưu sau mổ. Bệnh nhân có thể nhanh chóng tập vận động, phục hồi chức năng. Nhờ vậy, thời gian hậu phẫu cũng ngắn hơn, thời gian nằm viện chỉ từ 3 - 5 ngày nên sẽ giảm chi phí điều trị cho người bệnh và giúp bệnh nhân sớm hòa nhập cuộc sống. Đề tài đã tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ X đạt giải nhất và đạt giải ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2017 - 2019) của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC).
Từ 2013 đến 2019, hàng năm, bác sĩ Đào Văn Nhân đều có đề tài báo cáo trong các Hội nghị Phẫu thuật Thần kinh toàn quốc. Ông thực hiện các đề tài cấp cơ sở và 3 đề tài cấp tỉnh; trong đó có 2 đề tài cấp tỉnh đã được nghiệm thu (năm 2013, 2018) và 1 đề tài đang tiếp tục thực hiện. Từ năm 2008 đến năm 2017, ông đạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (VIFOTEC) lần thứ 15 (2017 - 2019); giải nhất và 1 giải ba ở các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ VIII, X và 4 Huy hiệu Lao động sáng tạo được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng vào các năm 2008, 2015, 2016 và 2019. Được công nhận có Công trình được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2019.
Với những cố gắng của tập thể Khoa cũng như bản thân, ông đã được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2013. 3 lần được Bằng khen UBND tỉnh, vào các năm 2009, 2015, 2019. Hai lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhiều Bằng khen, Giấy khen khác…
Bác sĩ Nhân cho biết: Để có được những sáng kiến, kỹ thuật mang lại hiệu quả cao trong điều trị, góp phần tích cực trong công tác phòng và chữa bệnh để phục vụ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, Đảng bộ và Ban Giám đốc Bệnh viện đã gắn phong trào thi đua với phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học, phát huy sáng kiến trong cán bộ, công nhân, viên chức bệnh viện. Cùng với đó, luôn tạo môi trường thuận lợi để động viên, giúp đỡ, khuyến khích sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo và học tập dưới nhiều hình thức đào tạo nhằm phát triển chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, bệnh viện được trang bị và ứng dụng các máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại từ nhiều nguồn nên rất thuận lợi cho việc ứng dụng kỹ thuật trong khám, chữa bệnh.
Mỗi khoa, phòng tùy theo đặc thù các bệnh lý của mình mà đúc kết kinh nghiệm, phát huy sáng kiến, giáo dục nhân viên ý thức được hết vai trò của nghiên cứu khoa học; tạo mọi điều kiện để nhân viên tham gia các khóa học ngắn và dài hạn, tham dự các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế để cập nhật kiến thức và rút ngắn khoảng cách chuyên môn với các trung tâm lớn trong nước và thế giới. Thực hiện nghiêm túc các quy chế của bệnh viện trong khám, chữa bệnh, các quy trình kỹ thuật, hạn chế thấp nhất các sai sót. Đẩy mạnh việc đào tạo chuyên sâu và nhận sự chuyển giao kỹ thuật với tuyến trên, phát triển kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị. Hình thành các nhóm phát triển chuyên sâu về tiêu hóa, gan - mật - tụy, lồng ngực, tim mạch, phẫu nhi… Hoàn thiện các kỹ thuật cao, chuyên sâu và triển khai thực hiện thường quy.
“Để đạt được thành công, bản thân phải luôn phải biết nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng những thành tựu phát triển khoa học kỹ thuật vào công tác chẩn đoán và điều trị, nhận thức đâu là những vấn đề cần nghiên cứu thay đổi để có ích cho bệnh nhân, luôn học hỏi nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, tâm lý tiếp xúc.” - Bác sĩ Nhân cũng chia sẻ.
Minh Phương