Viện Công nghiệp thực phẩm được thành lập theo Quyết định số 112/CP ngày 21/7/1967 của Thủ tướng Chính phủ (tiền thân từ Viện Công nghiệp nhẹ và thực phẩm) với nhiệm vụ chính là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng vi sinh vật trong bảo quản, chế biến thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Công đoàn Viện Công nghiệp thực phẩm
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Viện đã gặt hái được nhiều thành quả trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cũng như các hoạt động dịch vụ phân tích và giám định thực phẩm. Viện đang bảo tồn và lưu giữ trên 1300 chủng giống vi sinh vật công nghiệp thực phẩm bằng các phương pháp đông khô, lạnh sâu, bảo quản bằng ni tơ lỏng, cấy truyền, bảo quản trong cát. Hằng năm thu thập, bổ sung hơn 100 chủng vi sinh vật có những đặc tính quý. Nhiều công trình nghiên cứu của Viện đã được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn: nghiên cứu và ứng dụng vi sinh vật trong bảo quản, chế biến thực phẩm; chuyển giao các công nghệ mới trong sản xuất bia, rượu vang cho các nhà máy trong cả nước; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp UASB và AEROTEN cho các doanh nghiệp; nghiên cứu và sản xuất thành công các sản phẩm mới như dầu tỏi, dầu gừng, bột nghệ, bột cần tây, chè lá sen; phát triển và chuyển giao công nghệ bảo quản cam, xoài, vải, măng tươi... phục vụ nhu cầu các tỉnh phía Nam... Hiện nay, Viện đang giới thiệu 28 sản phẩm ra thị trường, thuộc các nhóm: đồ uống chức năng dạng bột tan; dầu chức năng; hương liệu; thực phẩm chức năng; nguyên liệu thực phẩm chức năng và dược phẩm; đồ uống và thực phẩm; chủng giống vi sinh vật; chất tẩy rửa.
Từ năm 1998 đến nay, Viện đã và đang đào tạo 16 khóa nghiên cứu sinh theo 2 mã ngành: công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm. Đến nay, nhiều nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đang giữ các cương vị công tác chủ chốt tại Viện và một số doanh nghiệp sản xuất, cơ quan quản lý của Bộ, ngành, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trên cả nước. Hàng năm, Viện tham gia liên kết giảng dạy, đào tạo kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ cho các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội... Ngoài ra, Viện liên tục mở lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân cho các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học, môi trường, phân tích chất lượng sản phẩm...
Với những nỗ lực không ngừng, 50 năm qua, Viện đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Viện, Công đoàn Viện vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; Viện Công nghiệp thực phẩm đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ; nhiều cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Trong những năm tới, phát huy truyền thống đã đạt được, Viện sẽ tiếp tục quan tâm nâng cao tiềm lực, trong đó có cả việc đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao và nâng cấp cơ sở, vật chất phục vụ nghiên cứu. Viện sẽ tập trung nghiên cứu khai thác các hợp chất có hoạt tính sinh học từ vi sinh vật và nghiên cứu sử dụng sinh khối vi sinh vật trong chế biến thực phẩm, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao từ vi sinh vật. Lĩnh vực nghiên cứu khai thác các hợp chất từ tự nhiên cũng sẽ tiếp tục được quan tâm theo hướng chiết tách và bán tổng hợp để nâng cao giá trị các hợp chất tự nhiên và ứng dụng trong thực phẩm, thực phẩm chức năng. Công tác phân tích và giám định thực phẩm sẽ tiếp tục được củng cố. Cùng với đó, Viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học và tổ chức sản xuất; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên của Viện.
Phương Thanh