TĐKT - “Nếu thực sự tâm huyết, cán bộ công đoàn không bao giờ hết việc. Nếu không có tâm huyết thì sẽ chẳng biết việc gì để làm” - đây là chính là “lời gan ruột” của đồng chí Ngô Tôn Tẫn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thanh Hóa - người gắn bó gần trọn cuộc đời với hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động xứ Thanh.
Từ công nhân đi lên, vì lao động mà cống hiến
“Nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề” - câu nói này quả đúng với đồng chí Ngô Tôn Tẫn.
Sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ thuật trung cấp Mỏ (nay là Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp tỉnh Quảng Ninh), ông được bố trí về Mỏ than Mạo Khê (Công ty TNHH MTV than Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh) làm việc. Tại đây, ông được “tắm mình” trong bầu không khí lao động và cuộc sống của những người thợ mỏ, ngày đêm hăng say đi tìm kiếm “vàng đen” cho Tổ quốc.
Năm 1984, ông được bầu làm thư ký công đoàn của Phân xưởng 9 D1 - Mỏ than Mạo Khê. Cũng trong năm đó, khi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động cuộc thi “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” ông là 1 trong 2 người đại diện ngành than đi thi thợ giỏi toàn quốc.
Cũng vì sự phấn đấu ấy nên công tác tại mỏ than không lâu, từ một thư ký Công đoàn xưởng 9 D1, ông được cơ cấu vào Ban Chấp hành Mỏ than Mạo Khê, đồng thời được Công đoàn ngành Năng lượng (nay là Công đoàn ngành Công thương) cử đi học tại Trường Đại học Công đoàn.
Đến năm 1990, khi kết thúc khóa học, ông được chuyển về quê hương Thanh Hóa công tác - đây cũng là bước ngoặt đưa cuộc đời ông gắn bó trọn vẹn với tổ chức công đoàn xứ Thanh.
Đồng chí Ngô Tôn Tẫn gắn bó trọn vẹn với công đoàn xứ Thanh
Làm cán bộ Công đoàn chuyên trách của Xí nghiệp Liên hiệp Vật liệu Xây dựng 1 từ năm 1990, đến năm 1992, đồng chí Ngô Tôn Tẫn tiếp tục được điều chuyển về Công ty Đá hoa Xuất khẩu Thanh Hóa và được bầu làm Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty, Thường trực Đảng ủy.
Năm 1993, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa điều động ông về làm chuyên viên Ban Tổ chức, đến năm 1999 ông được bổ nhiệm làm Phó ban, rồi tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng ban năm 2003, đồng thời được bầu vào BCH, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh.
Tháng 8/2008, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa. Tháng 4/2013 được bổ nhiệm làm Chủ tịch LĐLĐ tỉnh và tái cử chức Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tháng 11/2018. Thời gian này, ông cũng tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa; được vinh danh là 1 trong 2 “Công dân kiểu mẫu” nhân kỷ niệm “70 năm ngày Bác hồ lần đầu tiên về thăm xứ Thanh”.
Đồng chí Ngô Tôn Tẫn nhớ lại: “Thời điểm về nhận công tác tại LĐLĐ tỉnh là lúc các doanh nghiệp ngoài nhà nước ở Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung đang bắt đầu phát triển mạnh. Sự hiện diện ngày càng nhiều các mô hình doanh nghiệp ngoài nhà nước kéo theo sự gia tăng lớn về số lượng công nhân, lao động (CNLĐ) trên địa bàn tỉnh; đồng thời tác động và làm thay đổi mối quan hệ lao động truyền thống của các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trước đó.
Đình công, lãn công liên tục xảy ra do tác phong công nghiệp, do trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế của NLĐ và nhất là do sự vi phạm pháp luật của nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
Đứng trước tình hình ấy, theo sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy Thanh Hóa, các cấp Công đoàn Thanh Hóa một mặt tăng cường công tác tuyên truyền, vận động NLĐ, người sử dụng lao động chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật. Mặt khác, chỉ đạo cán bộ công đoàn cơ sở xây dựng, tiến hành ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể, chủ động đề xuất, phối hợp với chủ doanh nghiệp để định kỳ tổ chức các buổi đối thoại; các cấp Công đoàn Thanh Hóa phối hợp cùng với các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh nhanh chóng tìm hướng giải quyết nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho NLĐ, cũng như tạo điều kiện, cơ sở để các doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất.
“Quan điểm của tôi là, cán bộ công đoàn phải là người trọng tài, là trung tâm gắn kết giữa NLĐ và doanh nghiệp. Cán bộ công đoàn phải nhiệt tình, tâm huyết; phải thực hiện đúng nguyên tắc kỷ luật; trong chỉ đạo điều hành cần phải quyết liệt, nói đi đôi với làm… có như vậy mới tạo ra được vị thế của công đoàn, đồng thời được CNLĐ yêu mến, tin tưởng”. - đồng chí Ngô Tôn Tẫn nói.
Cán bộ công đoàn không ngại thử thách
Theo đồng chí Ngô Tôn Tẫn, hiện nay Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới; việc tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã và sẽ tiếp tục tác động lớn đến việc làm, quan hệ lao động, hoạt động của tổ chức công đoàn. NLĐ sẽ có thể tiếp cận được những việc làm mới, nhất là được tiếp cận nền khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến, nhưng mặt khác cũng phải đối diện với sự cạnh tranh và đào thải.
Với tổ chức Công đoàn Việt Nam, việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. NLĐ và quan hệ lao động trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng chủ yếu. Mặt khác những hình thái sử dụng lao động mới cũng xuất hiện và sẽ tác động tới suy nghĩ, hành vi ứng xử của CNLĐ, làm biến đổi hệ thống quan hệ lao động truyền thống. Công đoàn Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức công đoàn độc lập trong việc thu hút và giữ chân NLĐ. Như vậy là khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhiệm vụ cũng nặng nề hơn.
Trong bối cảnh đó, đồng chí Ngô Tôn Tẫn cho rằng, bản thân mỗi cán bộ công đoàn phải tự đổi mới về cả nhận thức lẫn hành động. Phải năng động hơn, sáng tạo hơn, gần gũi với NLĐ hơn. Phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động, ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Đặc biệt, trong hoạt động công đoàn, cán bộ công đoàn phải thích ứng được với thực tiễn, phải hiểu được CNLĐ, chủ doanh nghiệp và là đầu mối đàm phán, thương thảo, giải quyết các tranh chấp lao động…
“Với cán bộ công đoàn, tôi luôn coi trọng người có tài; người làm được việc chứ không phải đánh giá trên hồ sơ, bằng cấp” - đồng chí Ngô Tôn Tẫn nhấn mạnh.
Vị “thủ lĩnh” Công đoàn xứ Thanh cho rằng: Những năm vừa qua, Thanh Hóa liên tục chứng kiến những vụ ngừng việc tập thể. Ông cho rằng, về bản chất, đây là vấn đề tất yếu của quá trình phát triển. Sau mỗi cuộc ngừng việc tập thể, chủ doanh nghiệp sẽ nhìn nhận ra được những sai sót trong cơ chế, chính sách; NLĐ cũng qua đó sẽ đòi hỏi được những quyền lợi chính đáng; ngừng việc tập thể cũng tác động tích cực theo hướng đẩy mạnh tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trên cùng địa bàn.
Vấn đề của cán bộ công đoàn là phải giúp CNLĐ thực hiện các hành động ấy trong ôn hòa, tránh việc đập phá tài sản và ảnh hưởng đến an ninh trị an; đồng thời, tham mưu giúp doanh nghiệp nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển.
Công việc của cán bộ công đoàn là phải hướng các hoạt động về CNLĐ, lấy CNLĐ làm trung tâm; phải bám sát cơ sở để nắm tình hình, nhanh chóng phát hiện những vướng mắc và kịp thời có phương án giải quyết ổn thỏa; tăng cường công tác giám sát, tối kỵ việc quan liêu, lơ là, làm việc theo lối chỉ tay 5 ngón.
Bảo vệ CNLĐ, nhưng cán bộ công đoàn cũng cần quan tâm nhiều tới doanh nghiệp; phải gỡ khó cho doanh nghiệp; bằng sự hoạt động hiệu quả của tổ chức công đoàn, chứng minh cho họ thấy công đoàn có vai trò tích cực trong ổn định quan hệ lao động, tạo ra động lực trong lao động, sản xuất, củng cố, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp…
“Làm cán bộ công đoàn phải biết dự báo. Phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và phải linh hoạt với thực tiễn. Muốn cho tổ chức công đoàn ngày một phát triển, mỗi cán bộ công đoàn phải nhiệt tình, tâm huyết, trăn trở… Tôi cho rằng, những điều đó sẽ khiến cán bộ công đoàn nảy sinh ra những sáng kiến hay trong quá trình hoạt động. Nếu thực sự tâm huyết, cán bộ công đoàn không bao giờ hết việc. Nếu không có tâm huyết thì sẽ chẳng biết việc gì để làm…”. - đồng chí Ngô Tôn Tẫn tâm niệm.
Công Đoàn