Thầy giáo trẻ giúp người Mông đuổi “cái đói, cái nghèo”
07/04/2020 - 11:37

TĐKT - Tình cờ bén duyên với Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) trong một lần công tác, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Kiểm đã đem lòng yêu mến con người cũng như mảnh đất, khí hậu nơi đây. Trong suốt 15 năm dạy chữ nơi vùng cao Suối Giàng, chứng kiến cuộc sống khó khăn, khổ cực của người Mông, chứng kiến những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi – báu vật của đất trời đang bị bỏ phí trên núi cao, những điều ấy đã thôi thúc anh bắt tay vào xây dựng thương hiệu Tuyết Shan Cổ Thụ Trà.

Miệt mài “cõng chữ” lên non

Tốt nghiệp cử nhân khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2001, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Kiểm được phân công công tác tại quê nhà thuộc xã Bình Thuận, một xã vùng thấp của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Cơ duyên đưa anh tới Suối Giàng trong một lần công tác. Lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, anh cảm nhận được nơi đây là một vùng đất thơ mộng, nằm trên đỉnh núi cao với mây mù bao phủ. Ở độ cao gần 1400 m so với mực nước biển, Suối Giàng có khí hậu trong lành, mát mẻ với những cây trà cổ thụ mà trước đó anh chưa bao giờ nhìn thấy và chưa bao giờ nghĩ rằng nó lại to đến vậy. Những cây trà mọc tự nhiên được người Mông thuần hóa có tuổi đời hàng trăm năm với đường kính gốc vài người ôm. Tán lá trà xòe rộng bằng cả gian nhà.

Anh Nguyễn Văn Kiểm trao quà cho các em học sinh dân tộc thiểu số vượt khó học tập tốt.

Cảm mến mảnh đất và con người nơi đây, đến năm 2004, anh quyết định xung phong lên công tác tại Suối Giàng theo chương trình tăng cường giáo viên lên vùng cao của ngành giáo dục.

Anh kể: “Những ngày đầu về công tác, tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ vì điều kiện đi lại khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau, xa xôi cách trở trình, trình độ dân trí thấp, kinh tế đồng bào còn nghèo nàn, lạc hậu… Tuy nhiên con người nơi đây lại rất thật thà mộc mạc, chăm chỉ chịu thương, chịu khó.”

Trong một năm tăng cường công tác tại Suối Giàng, anh đã trực tiếp giảng dạy cho các em học sinh và làm công tác tuyên truyền xây dựng đời sống mới cho các em và phụ huynh học sinh. Các em học sinh 100% là con em dân tộc Mông, với 80% là hộ nghèo và thiếu ăn thường xuyên. “Trong quá trình công tác không biết tự bao giờ tôi đã cảm thấy gắn bó máu thịt với mảnh đất này.” – anh tâm sự.

Từ đó, hết thời gian tăng cường, anh quyết định xin ở lại công tác lâu dài với mong muốn là làm cho đồng bào Mông nơi đây đỡ khổ hơn, cho mảnh đất vùng cao này được vui tươi, ấm no, hạnh phúc hơn. Anh đã xin đất làm nhà cùng gia đình sinh sống và công tác tại đây.

 Hiểu rằng muốn có cuộc sống tốt hơn, người Mông nơi đây phải bắt đầu từ việc học chữ, ngoài việc dạy cho các em học sinh THCS, anh đã mở và dạy các lớp xóa mù chữ, sau đó là các lớp bổ túc tiểu học, bổ túc THCS cho cán bộ xã và những người lớn tuổi.

 Mang “báu vật của đất trời” tới tay người tiêu dùng

15 năm gắn bó với Suối Giàng, điều khiến Kiểm trăn trở nhất là làm sao để cải thiện đời sống cho bà con nơi đây bằng chính thế mạnh của họ cũng như làm sao để có một sản phẩm cốt lõi mang lại giá trị thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và góp chút công sức nhỏ bé của mình cho xã hội.

Anh Nguyễn Văn Kiểm bên cây trà tuyết shan cổ thụ

Khi đó, hình ảnh về những cây trà cổ thụ lại hiện lên trong đầu anh. “Người Mông nơi đây đang sở hữu những báu vật của trời đất ban tặng là những cây trà cổ thụ mà sao vẫn nghèo đói? Mình nên làm gì để thay đổi và phát huy hết giá trị cây trà cũng như phát huy những đức tính cần cù, chịu khó của con người nơi đây để tạo ra giá trị kinh tế?” – những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí người thầy giáo trẻ.

Với truyền thống làm trà của gia đình kết hợp với học hỏi được bí quyết làm trà của người Mông bản địa, anh đã thử nghiệm sao trà vào những năm 2006, tuy nhiên mãi đến năm 2009, anh mới cho ra đời được những mẻ trà shan tuyết cổ thụ có phẩm cấp thật sự.

Được sự ủng hộ của gia đình và người thân, anh thành lập cơ sở sản xuất trà vào năm 2011. Gia đình anh đã liên kết với các hộ dân và mua lại những gốc trà cổ thụ và thuê bà con chăm sóc, thu hái và chế biến theo đúng kỹ thuật để đảm bảo cho ra những búp trà hoàn toàn tự nhiên, thơm ngon, tinh khiết, có lợi cho sức khỏe.

“Chúng tôi đã hướng dẫn bà con cách thu hái trà đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, cách chăm sóc tự nhiên như cây trà mọc tự nhiên vốn có, cách loại bỏ cây bụi làm ảnh hưởng đến cây trà... Với những việc làm thiết thực, chúng tôi đã được người Mông nơi đây ủng hộ và phối hợp cùng làm trà.” – anh kể.

Tuy nhiên, những ngày đầu khi chưa có thương hiệu, anh không thể bán sản phẩm ổn định cho khách hàng vì trên thị trường xuất hiện nhiều hàng giả có nhãn mác trà Suối Giàng. Vì vậy, để ổn định lâu dài và giữ gìn được uy tín và chất lượng sản phẩm, anh đã đăng ký thương hiệu năm 2016. Đến năm 2017, anh cùng một số người bạn có cùng tâm huyết thành lập công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Suối Giàng với mong muốn tạo ra một thương hiệu có giá trị cho xã hội và thúc đẩy kinh tế. Đến nay sản phẩm của công ty đã khẳng định được chất lượng và đứng vững trên thị trường.

Anh Kiểm giới thiệu sản phẩm Tuyết Shan Cổ Thụ Trà được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Từ khi thương hiệu Tuyết Shan Cổ Thụ Trà ra đời, sản phẩm này đã mang lại lợi ích kinh tế, cải thiện cuộc sống người dân nơi đây. Trong quá trình sản xuất, công ty luôn mua ổn định giá chè tươi cho bà con và hỗ trợ kỹ thuật; thường xuyên động viên, chăm sóc họ về tinh thần cũng như vật chất để họ yên tâm bám trụ cây trà cổ thụ làm vốn mưu sinh.

Anh cho biết: “Hiện nay nguồn trà được thu hái từ vườn trà của công ty và của 500 hộ người Mông ở địa phương. Từ đó, chúng tôi có được nguồn nguyên liệu sạch đúng tiêu chuẩn và có doanh thu ổn định hàng năm.”

Năm 2019, công ty của anh đưa ra thị trường 45 mẫu sản phẩm trà cao cấp phục vụ khách hàng vào các dịp lễ và tiêu dùng hàng ngày. Trong đó, các dòng sản phẩm quà tặng và khách hàng kỹ tính chính là mục tiêu công ty hướng tới. Trong thời gian tới, công ty vẫn tập trung ưu tiên phân khúc cao cấp và phát triển một số dòng trà mới như là hồng trà, hoa trà…

“Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là làm sao người tiêu dùng thấy được việc bỏ ra vài ngàn đồng, vài chục ngàn đồng hoặc thậm chí hàng trăm ngàn để thưởng thức một tiệc trà sạch thơm ngon tinh khiết từ Tuyết Shan Cổ Thụ Trà của công ty là hoàn toàn đáng giá. Chúng tôi đã, đang và sẽ đặt mục tiêu sức khỏe khách hàng là trên hết.” – Anh tâm niệm.

Phương Thanh