TĐKT - Nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hai năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được công nhận đạt danh hiệu Giảng viên giảng dạy giỏi cấp Bộ, “Người tốt việc tốt” tiêu biểu TP Hà Nội năm 2014… đó là những thành tích đáng nể của Tiến sĩ Lê Văn Cường, giảng viên Viện Xây dựng Đảng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Có lẽ con đường đến với nghề nghiệp hiện tại của anh Cường đầy ắp sự tình cờ. Trong câu chuyện vui anh kể: khi còn trẻ anh luôn muốn một cuộc sống tự do, phóng khoáng nên chẳng bao giờ nghĩ mình lại trở thành thầy giáo và gắn bó với bục giảng. Xuất ngũ khi vừa tròn 21 tuổi, năm 1993, theo lời khuyên của cha, anh Cường quyết định ôn và thi đỗ Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp loại giỏi, anh được giữ lại trường và công tác ở Khoa Luật tư pháp rồi chuyển về Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) từ tháng 9/2000. Cũng chính từ đây, nghề đã chọn người. Tại môi trường làm việc mới, với sự dìu dắt của các thế hệ cán bộ đi trước, anh đã không ngừng học tập, trau dồi tri thức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và đã để lại trong lòng đồng nghiệp ấn tượng về một người nhiệt tình với phong trào đoàn thể, quan tâm đến mọi người xung quanh, luôn nỗ lực vươn lên để hoàn thiện chính mình. Là một người có ý thức cầu tiến, ngoài học vị Tiến sĩ, anh còn là Cử nhân Luật, cử nhân Chính trị, cử nhân Ngoại ngữ.
Tiến sĩ Lê Văn Cường, giảng viên Viện Xây dựng Đảng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Từ năm 2006, anh bắt đầu được phân công giảng bài cho các lớp Cao cấp lý luận chính trị, Cử nhân chính trị chuyên ngành công tác tổ chức và công tác kiểm tra. Đảm nhận môn dạy được mệnh danh là “khó, khổ, khô”, thời gian đầu, khi được giao nhiệm vụ đứng lớp, anh Cường không khỏi lo lắng do thực tế trải nghiệm của bản thân chưa nhiều, mặt khác học viên đều là đảng viên, có người tham gia cấp ủy, đa số là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên, có trình độ chuyên môn từ cử nhân, đặc biệt, nhiều người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư và các học viên quốc tế. Để hóa giải điều đó, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng bài giảng, tìm đọc sách chuyên ngành, sách chuyên khảo để nâng cao kiến thức chuyên môn, anh Cường còn áp dụng 2 “bí quyết” riêng đó là chủ động xin danh sách lớp học để hiểu và nắm bắt tốt về đối tượng người nghe cũng như tìm gặp chủ nhiệm lớp để lấy phản hồi, đánh giá của học viên về phương pháp giảng dạy, khối lượng kiến thức truyền đạt, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình lên lớp.
Nhiều người quan niệm giảng dạy các môn lý luận không cần hay, chỉ cần đúng, nhưng anh Cường không nghĩ vậy. Đối với anh, ngoài việc giảng đúng, người giảng viên phải luôn xác định tầm quan trọng của việc “cung cấp cho xã hội cái người ta cần chứ không phải cung cấp cái mình đang có”. Để thực hiện được điều đó, bản thân mỗi người thầy phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn từ nhiều kênh thông tin khác nhau. Ngoài ra, giảng viên phải chủ động thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, biết tận dụng sức mạnh công nghệ thông tin nhằm tạo sự sinh động, phong phú trong mỗi tiết học. Ở mỗi bài giảng, anh luôn chú trọng đến việc cung cấp phương pháp tiếp cận vấn đề phù hợp đối với từng đối tượng người học, chủ động nêu ra các tình huống thực tế để học viên trao đổi, lấy đó làm cơ sở giải thích các vấn đề lý luận. Đó có thể là những ví dụ anh có được từ quá trình trải nghiệm thực tế, đi cơ sở hoặc là những tình huống phát sinh ở địa phương mà học viên phản ánh lại. Đây được coi là cách làm hiệu quả, tạo sự tương tác giữa giảng viên và người học nhằm tránh tình trạng nhàm chán, thụ động trong học tập.
Ngoài việc làm tốt vai trò là một giảng viên, anh Cường còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, anh đã có 34 bài viết được đăng trên các tạp chí; tham gia viết giáo trình cho các hệ lớp cử nhân chính trị chuyên ngành công tác tổ chức và kiểm tra, giám sát, viết 5 bài giáo trình cho hệ cao học và 5 bài giáo trình bồi dưỡng cho cán bộ Lào. Trong những cuốn sách xuất bản nhân dịp kỷ niệm 75 năm, 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, anh cũng có bài viết được tuyển chọn in. Tuy bận rộn với công việc giảng dạy nhưng anh vẫn tham gia 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, chủ nhiệm 1 đề tài cấp Bộ, 3 đề tài cấp cơ sở… Anh cũng là người có “duyên” với các cuộc thi khi đoạt nhiều giải thưởng: giải nhất cuộc thi tìm hiểu “75 năm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Quận đoàn Cầu Giấy, giải ba cuộc thi tìm hiểu 55 năm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2013, tham gia khóa học Quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, anh được Giám đốc Học viện Hành chính tặng Giấy khen vì có nhiều thành tích trong học tập và đóng góp cho hoạt động của lớp. Anh vinh dự được công nhận là “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2014.
Hưng Vũ