Thành công nhờ đam mê sáng tạo
08/01/2020 - 14:05

TĐKT - Với sự cố gắng học hỏi cùng niềm đam mê, sáng tạo, anh Nguyễn Chánh Thi, nhân viên cơ điện, Phòng Kỹ thuật, bộ phận quản lý bảo trì dây chuyền túi, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã có nhiều sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng cho công ty, góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động cho công nhân.

Anh Nguyễn Chánh Thi là 1 trong 10 gương mặt đạt giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2019

Tốt nghiệp chuyên ngành điện công nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng năm 2011, anh Nguyễn Chánh Thi về đầu quân cho Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.

“Năm đầu tiên về công ty, tôi chủ yếu đi theo các bậc đàn anh trong phòng kỹ thuật làm quen với dây chuyền sản xuất, phụ sửa chữa máy móc khi bị hư hỏng. May mắn cho tôi, phòng kỹ thuật có nhiều kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, tay nghề giỏi và truyền thống sáng tạo, nên tôi nhanh chóng học được những kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế sản xuất và được động viên mạnh dạn sáng tạo, cải tiến kỹ thuật.”- anh Thi chia sẻ.

Sau 1 năm, khi đã quen với công việc, anh Thi đã có những đề xuất cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động. Một trong những sáng kiến nổi bật của anh Thi là sáng kiến “Zero hư hỏng cụm truyền động xích máy Mespack 2”  được thực hiện vào năm 2013.

Chia sẻ về ý tưởng cho sáng kiến này, anh Thi cho biết: Trong quá trình theo dõi vận hành máy, tôi nhận thấy cụm truyền động xích máy Mespack 2 thường xuyên hư hỏng. Không chỉ vậy, cứ chu kỳ 3 tuần/lần đều phải tiến hành thay thế thiết bị. Mỗi lần thay thế phải tạm dừng máy khoảng 1 giờ. Điều này không chỉ gây tốn kém chi phí mua thiết bị mà còn ảnh hưởng đến năng suất sản xuất của nhà máy.

Bởi vậy, anh đã suy nghĩ để tìm ra cách khắc phục trên. Qua nghiên cứu, anh Thi phát hiện nguyên nhân gây hỏng thường xuyên của máy là do sai sót từ thiết kế ban đầu.

Theo anh Thi, nhà sản xuất đã dùng Teflon để dẫn hướng xích truyền động. Với thời gian hoạt động liên tục, Teflon sẽ mòn, làm dây xích chùng, dẫn đến máy báo lỗi và dừng thiết bị.

Để khắc phục khiếm khuyết này, sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh đã tìm ra biện pháp là thay thế Teflon bằng bánh nhông.

Sáng kiến được công ty đưa vào áp dụng và nhanh chóng phát huy hiệu năng. Tình trạng hư hỏng của máy được khắc phục, tuổi thọ thiết bị dài hơn. Thay vì 3 lần/tuần phải thay thế như ban đầu, với sáng kiến này, sau thời gian 4 năm, công ty mới phải thay thế bánh nhông một lần. Sáng kiến này của anh Thi đã làm lợi cho doanh nghiệp 450 triệu đồng/năm.

 Thành công ban đầu đã giúp cho anh Thi tự tin hơn khi thực hiện các sáng kiến cải tiến sau này. Một trong những sáng kiến phải kể đến đó là “Cải tiến trên dây chuyền đóng gói tự động Leepack để sản xuất túi Omo 4 kg mới”.

Anh Thi cho biết năm 2017, công ty có kế hoạch tung ra thị trường loại sản phẩm Omo túi 4 kg. Tuy nhiên, do dây chuyền đóng gói tự động Leepack hiện có của nhà máy chỉ chạy được các loại sản phẩm từ 2,7 kg nên muốn sản xuất được túi 4 kg phải mua máy mới và công ty phải tốn một khoản đầu tư rất lớn.

Qua nghiên cứu kỹ cấu tạo và cách vận hành máy, anh đã cải tiến giảm bớt số lượng tay kẹp túi từ 10 bộ xuống còn 5 bộ để tăng thêm độ rộng tay kẹp.

Theo anh Thi cho biết, với sáng kiến này, máy có thể đóng gói được các loại túi có kích cỡ khác nhau với công suất không giảm, giúp dự án đưa vào thực hiện sớm 4 tháng, góp phần làm lợi cho công ty 1,7 tỷ đồng/năm.

Cũng trong quá trình áp dụng sáng kiến trên, phát hiện trung bình phải mất 12 giây để máy rót đầy một túi sản phẩm 4 kg và sự hạn chế nằm ở cụm vòi chiết rót, anh đã đề xuất cải tiến tăng số lỗ trong vòi rót sản phẩm (từ 19 lên 37 lỗ), giúp dây chuyền đóng gói tăng 60% công suất.

Hiện tại, anh Thi phụ trách 4 dây chuyền trong xưởng Home care của công ty, chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc gia đình như: Nước giặt, nước rửa chén, nước xả vải, nước lau nhà… Đây là xưởng có sản lượng cao nhất trong 4 xưởng của Unilever đặt tại Củ Chi. Công việc của anh chính là đảm bảo 4 dây chuyền hoạt động tốt, giảm tổn thất, đạt hiệu suất cao nhất.

Gần 9 năm gắn bó với công ty, anh Thi đã sở hữu bảng thành tích đáng nể với 10 sáng kiến có tổng giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng.

Chia sẻ về những thành công trong công việc của mình, anh Thi cho biết, anh luôn quan niệm rằng đã đi làm, phải làm việc thật sự và cống hiến hết mình. Mỗi nỗ lực, mỗi đóng góp của mình góp phần giảm sức lao động cho con người, đóng góp vào sự phát triển chung của công ty nên cần cố gắng hết sức.

Bảo Linh