Tấm lòng thiện nguyện nơi biên ải Dào San
06/08/2018 - 11:09

TĐKT - “Tuân kết nối”, “Tuân từ thiện”, “Tuân thanh niên” là những cái tên đầy trìu mến mà bà con các dân tộc thiểu số dọc biên giới Lai Châu vẫn thường dùng khi nhắc tới Đại úy Phạm Tuân, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Dào San, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu. Công việc tình nguyện cùng những món quà ấm áp nghĩa tình mà anh và đồng đội mang đến thời gian qua đã in đậm trong tâm trí của nhiều người.

Đại úy Phạm Tuân (ngoài cùng bên phải) giao lưu tại Lễ tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu BĐBP năm 2017

Về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Dào San từ năm 2011, thấy đời sống của nhân dân còn khó khăn, Tuân không khỏi xót xa và thấy mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ họ.

Đồn Biên phòng Dào San nơi anh công tác được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 18,648 km đường biên giới, quản lý địa bàn 3 xã Mù Sang, Dào San, Tung Qua Lìn với 32 bản, có tổng diện tích tự nhiên là 13.486 ha, tổng số 2.406 hộ ­dân, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 81% dân số.

Đời sống kinh tế của nhân dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới còn cao. Hoạt động của tội phạm ma túy và các loại tội phạm khác như trộm cắp gia súc qua biên giới, sang Trung Quốc làm thuê, lấy chồng trái phép, buôn bán người vẫn xảy ra.

Cùng với đó, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, diễn biến thất thường, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân trên địa bàn. Nhiều gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều em học sinh có nguy cơ bỏ học.

“Thực trạng ấy đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dào San không những phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm mà còn phải đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, giúp đỡ nhân dân, chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đồn quản lý.” – Đại úy Phạm Tuân chia sẻ.

Vậy là trong những lần về cơ sở công tác, anh vừa làm công tác dân vận, vừa tìm hiểu những địa chỉ, hoàn cảnh cần giúp đỡ và thông qua phương tiện thông tin đại chúng, mối quan hệ, mạng xã hội, kết nối những tấm lòng thiện nguyện hướng về vùng cao.

Theo anh, để thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội giúp đỡ nhân dân đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải nắm chắc, hiểu sâu địa bàn, hiểu được những khó khăn của quần chúng nhân dân, từ đó có công tác tham mưu kịp thời.  

Trong quá trình công tác, nắm được hiện nay nhu cầu dùng nước sạch của nhân dân rất lớn, nguồn nước tại địa bàn có thể đáp ứng được nhưng chưa có sự thống nhất quản lý và chưa có hệ thống bể chứa nên việc sử dụng nước lãng phí, anh và Đồn biên phòng Dào San đã kết nối với Chi đoàn Báo Quân đội nhân dân giúp đỡ bà con xây dựng hệ thống bể nước trên 200 triệu đồng, phục vụ nhu cầu dùng nước của 2000 người dân.

Đại úy Phạm Tuân cùng với Chi đoàn Báo Biên phòng tổ chức Trung thu cho các em học sinh

Chỉ 3 năm là Trợ lý thanh niên, BĐBP Lai Châu, anh đã vận động các tổ chức, cá nhân được gần 7 tỷ đồng ủng hộ thầy trò các trường học trên tuyến biên giới của tỉnh.

Nhờ có sự kết nối của Đại úy Phạm Tuân, thời gian qua, nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn đã may mắn được giúp đỡ. Anh đã phối hợp với Đoàn thanh niên Khối doanh nghiệp tỉnh Lai Châu xây dựng 1 nhà Khăn quàng đỏ cho em học sinh Giàng A Tính mồ côi cha mẹ tại bản Xín Chải, xã Mù Sang, Phong Thổ trị giá 80 triệu đồng. Tặng 10 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của xã Mù Sang trị giá 5 triệu đồng….

Trong giai đoạn thời tiết khí hậu khắc nghiệt, anh đã kêu gọi các nhà hảo tâm tặng 622 áo ấm cho học sinh trường mầm non Dào San và 30 chăn ấm cho học sinh trường THCS Dân tộc bán trú Dào San với tổng trị giá 60 triệu đồng. Tặng 120 suất quà trị giá 70 triệu đồng cho nhân dân bản Sểnh Sảng A, xã Dào San.

Ngoài ra, anh còn duy trì vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện tốt Chương trình “Ngôi nhà 100 đồng”, triển khai thực hiện tốt chương trình Nâng bước em tới trường, nhận đỡ đầu 2 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 500.000 đồng/em/tháng.

Những món quà không chỉ là những tấm áo ấm, những hộp sữa, túi gạo, thùng mì cho các em qua khó khăn trước mắt, mà anh còn gợi ý cho các đoàn thiện nguyện ủng hộ xây dựng các công trình, góp phần chia sẻ những khó khăn cùng các thầy cô và học sinh trên hành trình giấc mơ con chữ. Anh đã tham mưu, kết nối, vận động các tổ chức chính trị, xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên cả nước xây dựng 17 phòng bán trú, phòng học, nhà ăn bán trú cho các em học sinh, trị giá 2,7 tỷ đồng.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sĩ, anh chủ động tham mưu, tổ chức, vận động các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây dựng Nhà bia ghi tên Liệt sĩ khu vực Dào San trị giá gần 1 tỷ đồng.

Những việc làm của anh cùng đồng đội thời gian qua đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, góp phần xây dựng thế trận biên phòng lòng dân, tạo được sự tin cậy, yêu mến của đồng bào các dân tộc trên biên giới. Đồng thời, qua đó, góp phần giáo dục truyền thống đoàn kết gắn bó với nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị.

Anh chia sẻ: “Thực tiễn triển khai các công trình, phần việc giúp đỡ nhân dân cho thấy, nếu có sự kêu gọi vào cuộc của cộng đồng xã hội thì chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Khi triển khai xây dựng ngôi nhà khăn quàng đỏ cho học sinh mồ côi cha mẹ trên địa bàn xã Mù Sang, tôi đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị giao công việc đó cho tổ chức đoàn làm nòng cốt. Chi đoàn đồn đã làm việc, phối hợp với đoàn xã Mù Sang để thực hiện công trình.

Do khoảng cách xa và ô tô không thể chở vật liệu nên tất cả việc vận chuyển vật liệu đều được đoàn viên, thanh niên xã giúp đỡ, nhân dân trong bản hàng ngày đều phân công 2 người cùng với bộ đội biên phòng hoàn thành công trình. Để thực hiện công trình này, chúng tôi đã giao cho 5 cán bộ chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn, ở tại nhà dân. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, chỉ sau hơn một tháng, công trình đã hoàn thành.”

Phạm Tuân không chỉ là thủ lĩnh đoàn năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm mà còn là Đội trưởng Đội vận động quần chúng gương mẫu, hết mình với công việc, được dân tin yêu, quý trọng. Ngoài ra, anh cũng là một trong những cá nhân có duyên với nhiều giải cao tại các hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên của lực lượng cũng như của tỉnh tổ chức.

Thành tích, danh hiệu khen thưởng nhiều nhưng với Tuân, phần thưởng quý giá nhất là sự ghi nhận của lãnh đạo đơn vị, những nụ cười, cái bắt tay thật chặt, lời cảm ơn chân thành và những tình cảm nồng ấm của các thầy, cô giáo, học sinh và dân bản vùng cao, biên giới.

Phương Thanh