Quyết tâm vươn lên làm giàu của chàng trai nghèo
12/06/2019 - 15:19

TĐKT - Với tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, anh Bùi Văn Huế, xóm Đảng 1 (xã Chí Thiện, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã vượt lên khó khăn, mạnh dạn phát triển cơ sở ấp trứng gia cầm. Mô hình này đã giúp anh thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.

http://tinhuyhoabinh.vn/Portals/0/bai%20viet%20Bui%20Van%20Hue%202.jpg

Anh Huế (bên trái) vinh dự được tặng Giấy khen cá nhân tiêu biểu trong 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của tỉnh

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nghèo, đông anh em, Huế chỉ được học hết lớp 9. Sau khi nghỉ học, Huế ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc nhà nông. Trải qua cuộc sống bữa no, bữa đói, Huế đã sớm nung nấu trong mình ý chí vươn lên thoát nghèo.

Năm 17 tuổi, Huế quyết định cùng bạn bè đi làm ăn xa. Anh đã làm thuê tại một lò ấp trứng ở Hà Tây (nay là Hà Nội).

“Khi đó, với đồng lương ít ỏi từ công việc, tôi dành dụm chi tiêu tiết kiệm để gửi tiền về phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Tuy công việc vất vả nhưng tôi luôn cố gắng làm việc tốt, coi đây là kinh nghiệm để mình có thể tự phát triển kinh tế sau này. Khi đó, trong đầu tôi đã suy nghĩ tới hướng nuôi gà ri và mua máy ấp trứng” - anh nhớ lại.

Để thực hiện được dự định của mình, với số vốn dành dụm được sau gần 3 năm làm thuê, anh tiếp tục vào Thanh Hóa để học thêm kinh nghiệm ấp trứng và đầu tư trứng gà vào thuê ấp để lấy con giống về nuôi.

Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, năm 2008 anh trở về quê hương để xây dựng kinh tế gia đình với hướng phát triển nuôi gà ri và mua máy ấp trứng.

Ban đầu, anh đầu tư phát triển với quy mô nhỏ. Đàn gà từ 300 - 500 con/lứa. Theo anh Huế, vì có kinh nghiệm nên thời gian đầu, việc chăn nuôi khá thuận lợi. Giống gà bản địa mà anh nuôi phù hợp với khí hậu, giá thành bán ra thị trường khá cao. Do vậy anh quyết định mở rộng quy mô, tăng lên 1.000 - 2.000 con/lứa.  

Để có thêm kiến thức nuôi gà, ngoài việc tìm đọc tài liệu qua sách báo, trên mạng, anh Huế còn chủ động đăng ký tham gia tập huấn về công tác thú y tại huyện Lương Sơn để có thêm kiến thức; đồng thời, thường xuyên nhờ cán bộ thú y viên cơ sở hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gà.

Thành công từ nuôi gà ri, anh mạnh dạn vay mượn anh em, họ hàng vào Đồng Nai mua máy ấp trứng về ấp tại gia đình.

“Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất đối với tôi. Lứa đầu tiên tự ấp và phát triển đàn với 700 con nhưng đến lúc xuất chuồng bị chết gần một nửa.”- anh Huế nhớ lại.

Thất bại này khiến anh quyết định ngừng công việc chăn nuôi, đi tìm hướng khác. Anh bàn bạc với gia đình mua xe đầu ngang với số tiền là 80 triệu đồng để chở thuê vật liệu mong đem lại thu nhập và phục vụ nhân dân trong khu vực.

Tuy nhiên, được một thời gian ngắn, anh nhận thấy công việc rất bấp bênh, nhu cầu của bà con cũng không nhiều, giao thông đi lại khó khăn khiến xe thường xuyên bị hỏng, phải tu sửa nhiều lần. Bởi vậy, anh đã bán xe với giá 45 triệu đồng.

Thất bại lại đến thất bại, khó khăn, nợ nần chồng chất có lúc anh định đi làm ở các công ty để kiếm tiền trả nợ. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình và sự quyết tâm của bản thân, anh lại một lần nữa quay lại với lò ấp trứng với quyết tâm phải thành công.

Để có thêm kiến thức về ấp trứng, anh đã không quản ngại khó khăn, đến các cơ sở ấp trứng trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm và tự tìm hiểu trên sách, báo bổ sung kiến thức.

Khi đã nắm bắt được kiến thức về ấp trứng, năm 2010, với số vốn còn lại và vay mượn thêm 20 triệu đồng từ bạn bè, anh mua máy ấp mới và sửa sang chuồng trại.

Thời gian đầu anh chưa dám mạo hiểm, chỉ ấp và nuôi tại gia đình. Về sau bà con nhân dân thấy thành công đã tìm đến để mua con giống của gia đình.

Từ đó anh quyết định hướng đi mới là ấp trứng bán giống, ấp thuê cho khách hàng kết hợp với hướng dẫn cách chăm sóc gà mới nở và phòng bệnh cho gà nên ngày càng được bà con tin tưởng. Khách tìm đến mua và đặt hàng mỗi ngày một nhiều, công việc kinh doanh từ đó ổn định và phát triển.

Hiện nay cơ sở ấp trứng gà, ngan, vịt Hoàng Huế của anh có 4 máy ấp và 3 lò nở. Mỗi ngày cho ra lò từ 1.500 đến 2.000 con gà giống. Ngoài ra còn cung cấp thức ăn chăn nuôi, chọn lọc bảo tồn gà ri Lạc Sơn. Tổng thu nhập cả năm của gia đình đạt từ 650 đến 700 triệu đồng/năm.

Mô hình ấp trứng gia cầm của anh còn được lựa chọn là nơi tập huấn kỹ thuật cho hội viên nông dân do huyện tổ chức. Nhờ vậy cơ sở Hoàng Huế được nhiều người biết đến.

Gà giống của anh Huế luôn được người nuôi tin tưởng, chọn mua. Thị trường được mở rộng, khách hàng không những ở địa phương mà ở các tỉnh khác như Nghệ An, Thanh Hóa… cũng đã tìm mua con giống với số lượng lớn, đầu ra cho sản phẩm ổn định.

Chia sẻ về mô hình kinh tế gia đình, anh Huế cho biết: “Làm nghề ấp trứng giống như nuôi con mọn vậy. Phải thật tỉ mỉ và cẩn thận bởi thừa nhiệt cũng hỏng, thiếu nhiệt cũng hỏng. Nhu cầu gà giống hiện tại trên thị trường là rất lớn, do đó thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô để phục vụ người dân. Trong thời buổi hiện nay, khách hàng rất khó tính, nếu sản phẩm mình làm ra không đảm bảo chất lượng, không giữ chữ tín thì sẽ mất khách ngay. Bởi vậy tôi luôn lấy chữ tín làm đầu.”

Với mô hình kinh tế của gia đình, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương 5 triệu đồng/tháng và 3 lao động thời vụ với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.

Không chỉ phát triển kinh tế, anh Huế còn cung cấp gà giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh không lấy lãi và hướng dẫn cách phòng bệnh cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn.

Anh cũng nhiệt tình tham gia công tác đoàn, hội, các hoạt động xã hội và phong trào xây dựng nông thôn mới, được đông đảo đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương tin tưởng, ủng hộ. Thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, anh hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, tư vấn dịch vụ thú y để thanh niên trong địa phương cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Tuệ Minh