TĐKT - Tuy không phải là lực lượng đấu tranh trực diện với tội phạm, nhưng hành trình ghi dấu chiến công phá án của công an tỉnh Bình Phước đều có dấu chân thầm lặng của những người lính kỹ thuật hình sự. Khách quan, chính xác, tỉ mỉ và toàn diện với tinh thần trách nhiệm, kỹ năng nghiệp vụ cùng sự linh hoạt ứng dụng công nghệ trong công tác khám nghiệm hiện trường, phòng Kỹ thuật hình sự đã góp phần không nhỏ giúp cơ quan điều tra các cấp khám phá thành công nhiều vụ án, đem lại sự bình yên cho người dân.
Kết quả giám định dấu vết, vật chứng là bằng chứng khoa học duy nhất giúp cơ quan điều tra có định hướng đúng đắn khi phá án cũng như củng cố chặt chẽ nguồn chứng cứ, truy nguyên thủ phạm hoặc bị hại… Chính vì vậy, bất kỳ vụ án nào, dù lớn hay nhỏ, công tác khám nghiệm hiện trường là bước đi đầu tiên có vai trò hết sức quan trọng.
Theo Thượng tá Lưu Quang Huy, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự, sơ đồ hiện trường là tài liệu pháp lý trong hoạt động tố tụng, đánh dấu không gian, quang cảnh bố trí dân cư khu vực hiện trường và vị trí dấu vết vật chứng ở hiện trường, là tài liệu không thể thiếu được trong các vụ án phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, việc ghi nhận hồ sơ hiện trường được thực hiện bằng phương pháp thủ công đo, vẽ nhiều lần, đã mất không ít thời gian làm ảnh hưởng đến tiến độ khám nghiệm, phát hiện, thu thập dấu vết vật chứng, cũng như chất lượng khám nghiệm của một vụ án.
Do đó, để cải tiến, nâng cao công tác khám nghiệm hiện trường, phòng Kỹ thuật hình sự đã có sáng kiến “Vẽ sơ đồ hiện trường bằng công nghệ định vị toàn cầu và phần mềm AutoCad”. Với sáng kiến này, các chiến sĩ kỹ thuật hình sự đã thực hiện việc vẽ sơ đồ hiện trường bằng cách kết hợp giữa phần mềm AutoCad với hình ảnh vệ tinh của Google Maps để xác định hiện trường, những cảnh vật xung quanh, vị trí dấu vết vật chứng (tử thi nếu có) ở hiện trường.
“Để thực hiện việc này một cách chính xác là điều hết sức cần thiết đòi hỏi cán bộ kỹ thuật hình sự phải vận dụng sáng tạo những công nghệ mới vào công tác hiện trường để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.” - đồng chí Huy cho biết.
Bên cạnh đó, công tác báo án, báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường lại có vai trò không hề nhỏ và ý nghĩa hết sức lớn, đặc biệt đối với các vụ án truy xét, án chưa rõ thủ phạm. Hình thức báo cáo truyền thống, bằng văn bản, phản biện trong họp án đưa ra những kết luận, giả thuyết nhận định tính chất của vụ án, đối tượng, loại đối tượng, diễn biến quá trình gây án bằng cách diễn đạt lời nói đã bộc lộ không ít những hạn chế, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên.
Chính vì vậy, việc chuyển hóa từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, hiện thực hóa dấu vết vật chứng ở hiện trường tử thi (nếu có), dựng lên những hình ảnh sống động, phục dựng lại mô hình diễn đoạt hành vi phạm tội của chúng với những giả thiết có căn cứ khoa học nhằm giúp cho lãnh đạo cấp trên chỉ đạo chính xác là việc làm hết sức quan trọng, sáng tạo trong công tác báo cáo khám nghiệm của lực lượng kỹ thuật hình sự.
Trước thực trạng đó, được sự chỉ đạo, lãnh đạo của cán bộ cấp trên, phòng Kỹ thuật hình sự đã nghiên cứu phục dựng mô hình “Diễn hoạt hành vi phạm tội của đối tượng gây án bằng phim 3D trên phần mềm Maya”. Công an tỉnh Bình Phước là đơn vị đầu tiên phía Nam triển khai thực hiện mô hình này và đã đem lại những kết quả tích cực.
Theo Thượng tá Lưu Quang Huy, trong thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai mô hình xuống lực lượng kỹ thuật hình sự cấp huyện và báo cáo Viện khoa học Hình sự triển khai sâu rộng trong toàn lực lượng công an nhân dân của tỉnh.
Bảo Linh