TĐKT - Chiều 18/11, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gặp mặt Đoàn đại biểu giáo viên tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021.
Cùng dự có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chủ tịch nước; Trung ương Hội LHTN Việt Nam và đặc biệt là 34 thầy cô giáo về dự chương trình.
Báo cáo với Phó Chủ tịch nước, anh Nguyễn Hải Minh, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho biết, chương trình được tổ chức từ năm 2015 đến nay. Sau 6 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 340 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu. Đó là các thầy cô “bám bản” dạy vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các thầy cô đang giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; các thầy giáo là những cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng mang quân hàm xanh nâng bước em đến trường và các thầy, cô giáo dục đặc biệt dạy các em học sinh khuyết tật; các thầy giáo, cô giáo dạy học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số; các thầy giáo là người dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch nước gặp mặt thầy, cô giáo tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021
Năm nay, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long vẫn quyết tâm tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021, để cổ vũ, động viên và tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19…
Bên cạnh các gương thầy giáo, cô giáo theo giới thiệu, đề xuất từ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các tỉnh, thành phố (sau khi hiệp thương với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố), năm 2021, Ban Tổ chức Chương trình còn đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương giới thiệu.
Sau 2 tháng kể từ khi phát động Chương trình (1/8 - 15/10/2021), Ban Tổ chức đã nhận được 116 gương thầy, cô giáo từ các tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu. Ngày 21/10/2021, Hội đồng xét chọn gương giáo viên dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 đã họp và lựa chọn ra 50 gương giáo viên tiêu biểu để tuyên dương.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đến từ nhiều địa phương trên cả nước đã chia sẻ những khó khăn, vất vả của sự nghiệp “trồng người”, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến công tác dạy và học thời gian qua phải thay đổi về nhiều mặt.
Vượt lên trên những thách thức đó, các đại biểu của Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 nói riêng, các thầy, cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc nói chung vẫn không ngừng nỗ lực, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo, vừa trở thành chỗ dựa cho học trò, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo…
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại chương trình
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ vui mừng và xúc động khi gặp mặt các thầy cô giáo tiêu biểu tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” nhân ngày 20/11; được lắng nghe những tâm sự, chia sẻ mộc mạc, tình cảm, thiết thực từ việc làm cụ thể của các thầy cô ở cơ sở. “Tôi hoan nghênh sáng kiến của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long; hoan nghênh thầy cô - những người đã tận tâm tận lực chăm lo cho sự nghiệp trồng người của đất nước chúng ta”, Phó Chủ tịch nước nói.
Việt Nam chúng ta có bề dày truyền thống, văn hóa, trong đó có truyền thống tôn sư trọng đạo và hiếu học đã trải qua bề dày lịch sử của đất nước, ngày càng hun đúc thêm và tạo thành nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chính từ truyền thống đó, đã tạo ra lớp người, thế hệ người Việt Nam anh hùng, năng động, sáng tạo, không lùi bước trước những khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chúng ta đến ngày nay.
“Nhưng nhìn chung, vị trí, vai trò của ngành giáo dục, của người thầy, người cô lúc nào cũng được Đảng, Nhà nước, xã hội nâng niu, trân trọng. Đó là điều chúng ta cảm thấy rất vui, ấm áp khi làm nghề thiêng liêng, cao quý này”, Phó Chủ tịch nước chia sẻ.
Nhắc đến sự nghiệp giáo dục, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo là một trong những quốc sách hàng đầu, được ưu tiên trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và luôn đặt đội ngũ giáo viên ở vị trí trung tâm của các chiến lược phát triển giáo dục.
Một trong 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước đó là đột phá về phát triển nguồn nhân lực. Chính ngành giáo dục, chính những người thầy, người cô ở đây là người góp phần để xây dựng nguồn nhân lực, trở thành khâu đột phá quan trọng trong phát triển đất nước. Những đột phá khác, những đột phá “cứng” có thể hữu hạn, nhưng đột phá nguồn nhân lực (tức là nguồn lực con người) đó là vô hạn. Khi chúng ta biết phát huy, chúng ta biết khơi dậy đúng lúc, thì thực sự ngành giáo dục sẽ có những bước phát triển vượt bậc. “Đảng, Nhà nước và xã hội đều đặt giáo dục, đặt vị trí của người thầy và học trò vào vị trí trung tâm cho sự phát triển”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Hiện nay, chúng ta đang đứng trước thách thức mới, đó là công nghiệp 4.0, gần đây nhất là dịch bệnh COVID-19. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới công việc học, cũng như giảng dạy của các em học sinh và thầy cô giáo. Chính vì vậy đòi hỏi các thầy cô giáo phải có nhiều cách làm sáng tạo, thích ứng nhanh chóng mới có thể theo kịp, thay đổi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Ghi nhận, đánh giá cao những hình thức giảng dạy hiện đại, sáng tạo mà các thầy cô giáo đã áp dụng hiệu quả trong trạng thái bình thường mới, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, các thầy, cô giáo chính là những bông hoa rực rỡ nhất trong rừng hoa của ngành giáo dục nước nhà, là những tấm gương sáng để các thế hệ học sinh noi theo. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn, các thầy, cô giáo được tuyên dương lần này tiếp tục phát huy thành tích, không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nhất là về kỹ năng, phương pháp sư phạm trong điều kiện dạy và học trực tuyến, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp “trồng người”, trở thành những hạt nhân xây dựng văn hóa học đường mới trong bối cảnh bình thường mới.
Phó Chủ tịch nước đề nghị, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Thục Anh