Phát triển ngành Xây dựng đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ khoa học công nghệ, kỹ thuật
27/04/2018 - 14:27

TĐKT - Sáng 27/4, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Bộ Xây dựng long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng (29/4/1958 - 29/4/2018). Tới dự, có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đồng Sỹ Nguyên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài ngành; các cơ quan truyền thông, báo chí; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng qua các thời kỳ và gần 1000 cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động tại các đơn vị chức năng thuộc Bộ Xây dựng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Cách đây 60 năm, ngày 29/4/1958, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) đã được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 8. Ngày 29/4 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Xây dựng Việt Nam.

Từ đó đến nay, ngành Xây dựng luôn giữ vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là lực lượng chủ yếu tạo ra tài sản cố định, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua các giai đoạn phát triển với những tên gọi khác nhau gắn với những nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ lịch sử, ngành Xây dựng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, luôn giữ vững và khẳng định được vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, tuy còn non trẻ nhưng lực lượng xây dựng của ngành đã nhanh chóng phát triển, tích cực tham gia thực hiện thành công các nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn phát triển và cải tạo kinh tế cũng như tham gia vào cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ đối với miền Bắc, dốc sức chi viện cho miền Nam. Lực lượng lao động của ngành đã trực tiếp thi công hàng trăm công trình lớn nhỏ: Nhà máy Thủy điện Lào Cai, Uông Bí, Thác Bà, các công trình hóa chất ở các Khu công nghiệp Việt Trì, gang thép Thái Nguyên... xây dựng các trường đại học, bệnh viện, khách sạn, các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình phúc lợi, nhà ở, sân bay Đa Phúc, Kép, Hòa Lạc, Gia Lâm, Cát Bi, Sao Vàng, các công trình dẫn dầu, các công trình phòng không... Hầu hết các công trình này đều hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ an ninh, quốc phòng.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, cùng với cả nước, ngành Xây dựng bước sang thời kỳ mới, thời kỳ khôi phục sau chiến tranh và xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Lực lượng của ngành đã nhanh chóng được tổ chức, tập hợp, sắp xếp và điều tiết lại trong cả nước, hình thành bộ máy quản lý và các tổ chức xây dựng ở miền Nam, tăng cường các tổ chức xây dựng ở miền Bắc để thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Các công trình trọng điểm và quan trọng của đất nước: Thủy điện Hòa Bình, Vĩnh Sơn Yaly, Thác Mơ, đường dây 500KV Bắc - Nam, các nhà máy xi măng Hà Tiên, Hoàng Thạch, Apatit Lào Cai... được tập trung thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng. Hầu hết các đô thị từ tỉnh lỵ trở lên đã được điều chỉnh lại quy hoạch. Việc đầu tư xây dựng ở các đô thị tăng nhanh, trật tự, kỷ cương được lập lại. Bộ mặt kiến trúc đô thị, đường phố đô thị, vệ sinh môi trường đô thị được khang trang, sạch đẹp hơn. Nhà ở, nước sạch và các dịch vụ ở các đô thị bước đầu được cải thiện, nâng cấp.

Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, ngành Xây dựng đã tập trung rà soát, xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, định hướng phát triển phù hợp với từng lĩnh vực; tập trung rà soát, nghiên cứu hoàn thiện, đổi mới hệ thống pháp luật ngành Xây dựng; tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng phát triển đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư xây dựng; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và các chương trình phát triển nhà ở quốc gia, góp phần thực hiện tốt chính sách xã hội và an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, rà roát, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, phát triển vật liệu xây dựng theo quy hoạch; thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên Cờ truyền thống của ngành Xây dựng

Với những thành tựu đã đạt được, 60 năm qua, ngành Xây dựng đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (2 lần), Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều danh hiệu vinh dự nhà nước. Nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về khoa học, công nghệ và văn học - nghệ thuật. Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, ngành Xây dựng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích ngành Xây dựng đã đạt được trong 60 năm qua. Tổng Bí thư nhấn mạnh ngành Xây dựng phải nhanh chóng tìm cách khắc phục các hạn chế, bất cập còn tồn tại, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để không ngừng phát triển vươn lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời đại mới.

Ngành Xây dựng phải phát triển đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại. Nâng cao năng lực, công nghệ xây lắp, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phải phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu mới, vật liệu chất lượng cao.

Cần tập trung chỉ đạo nâng cao nhận thức về trách nhiệm của ngành đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về xây dựng.

Đổi mới tư duy trong công tác tham mưu, hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật về xây dựng. Bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng, khuyến khích áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong xây dựng, trong đầu tư, nhất là trong quản lý và sử dụng đất đai.

Phát triển mạnh năng lực ngành Xây dựng đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ khoa học công nghệ, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước, nhất là đối với các công trình trọng điểm quốc gia. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển xây dựng với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ. Gắn kết tiến trình đô thị hóa với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phải coi việc phát triển nhà ở cho người dân là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội. Hoàn thành sớm và dứt điểm việc hỗ trợ nhà ở cho người có công. Tạo bước phát triển mạnh mẽ trong việc xây dựng nhà ở cho người nghèo ở đô thị và nông thôn, nhà ở cho công nhân khu vực công nghiệp.

Tập trung thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 và khóa 12 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong ngành thực sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Mở rộng và đảm bảo hiệu quả thực chất của các phong trào thi đua yêu nước trong ngành; thực hiện thực chất cơ chế dân chủ ở cơ sở; chăm lo, tạo mọi điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành nâng cao trình độ, nâng cao đời sống, tạo không khí đồng thuận, phấn khởi để lao động và cống hiến…

Phương Thanh