Phát triển kinh tế từ trồng rau thủy canh theo hướng công nghệ cao
06/07/2021 - 10:03

TĐKT - Kiên trì, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tự học, tự bồi dưỡng, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi, anh Đào Ngọc Sơn (dân tộc Thái) cùng các thành viên của HTX Quyết Tâm đã xây dựng thành công mô hình trồng rau thủy canh và nuôi cá theo quy trình khép kín đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Con đường mà anh muốn theo đuổi là phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao tạo ra các sản phẩm sạch, cung cấp đến tận tay người tiêu dùng.

Rau được anh Sơn sản xuất theo hình thức thủy canh, trồng giàn nhiều tầng

Anh Đào Ngọc Sơn cho biết: Thành phố Lai Châu là trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu, là nơi tập trung dân cư đông đúc, có nhiều công sở, trường học..., nhu cầu về rau xanh rất lớn, đặc biệt là theo xu hướng của người dân mong muốn được sử dụng các loại rau sạch, an toàn thực phẩm ngày càng tăng. Thành phố Lai Châu có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá hạn chế so với các huyện khác trong tỉnh, tuy nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi, phù hợp với việc sản xuất nông nghiệp, nhất là cây rau có thể trồng quanh năm. Diện tích trồng rau hàng năm của thành phố vào khoảng 200ha với sản lượng vào khoảng 1.500 - 2.000 tấn/năm, chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn 2/3 nhu cầu của thành phố. Trong khi đó, việc sản xuất rau xanh tập trung vào vụ thu đông, đông xuân hàng năm nên gây tình trạng thừa cục bộ vào thời điểm thu hoạch rộ (tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau). Bên cạnh đó, chủng loại rau không phong phú nên thành phố vẫn phải nhập rau với số lượng lớn từ các địa phương lân cận như: Lào Cai, Hà Nội, Vĩnh Phúc... để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Nhận thấy những thuận lợi và thực trạng sản xuất rau xanh trên địa bàn thành phố, năm 2018, anh Sơn cùng 8 hội viên đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Quyết Tâm, tại bản Cắng Đắng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu với quy mô 2ha để trồng rau thủy canh, nuôi cá theo quy trình khép kín. HTX áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng “sạch, an toàn”, không dùng hóa chất và phân bón hóa học trong nuôi trồng, đảm bảo cung cấp thực phẩm hữu cơ sạch, an toàn đến người tiêu dùng.

Anh Đào Ngọc Sơn kiểm tra sự sinh trưởng của rau thủy canh

Để sản phẩm làm ra được thị trường và người tiêu dùng lựa chọn và tiêu thụ, anh đã chủ động nghiên cứu đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao vào canh tác phù hợp với thực tiễn địa phương, tạo ra sản phẩm sạch cung ứng ra thị trường.

Với rau xanh, anh sản xuất theo hình thức thủy canh, trồng giàn nhiều tầng nên tận dụng tối đa được diện tích canh tác, nâng cao năng suất. Trang trại rau thủy canh của anh Sơn khá quy mô, đầu tư bài bản, đồng bộ với hệ thống nhà lưới, nhà bảo quản, đóng gói rau xanh. Đường đi, lối lại trong nhà lưới được đổ bê tông bằng phẳng.

Theo anh Sơn, trồng rau thủy canh thành công hay thất bại phụ thuộc hoàn toàn vào kỹ thuật pha chế nước dinh dưỡng, tức là hòa phân vào nước để tưới cho rau. Anh Sơn sử dụng các loại phân bón đa lượng, vi lượng và trung lượng hòa tan trong bể nước. Thứ nước dinh dưỡng này được bơm tưới thẳng vào rễ cây theo chế độ tự động và theo 16 khung giờ mỗi ngày, mỗi khung giờ kéo dài 30 phút. Đây là một phương pháp trồng không tốn về đất, không tốn về nhân công, không tốn về nước, có thể giảm được 90% nước tưới, 60% nhân công và hiệu quả đạt được gấp 2 đến 3 lần rau trồng bình thường.

“Trong quá trình sinh trưởng của cây rau, ngoài việc theo dõi, tỉa lá già, lá úa, ngày nào tôi cũng kiểm tra dinh dưỡng, quan sát sự phát triển của chúng, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Trồng rau thủy canh trong nhà lưới ít xảy ra sâu bệnh hại nên hầu như không phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Trang trại rau thủy canh của gia đình tôi đạt tiêu chuẩn VietGAP từ tháng 1/2018.” - Anh Sơn tiết lộ.

Mô hình trồng rau của anh Sơn thu hút nhiều đoàn tới tham quan, học tập

Mỗi năm, HTX của anh thu hoạch được khoảng 200 tấn rau gồm: Xà lách, cải ngọt, cải bó xôi, dưa leo, dưa thơm, cà chua... Ngoài ra, các loại rau già và gốc rau không sử dụng được HTX tận dụng làm thức ăn cho cá, mỗi năm thu hoạch khoảng 10 tấn cá. Tổng doanh thu hàng năm đạt 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận trên 300 triệu đồng. HTX tạo việc làm ổn định cho 6 lao động, với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng và 10 lao động theo mùa vụ.

Sản phẩm của HTX được bán lẻ cho các nhà hàng, khách sạn, siêu thị trên địa bàn thành phố Lai Châu và một số huyện trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nâng cao thu nhập và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Với những sáng tạo đó, anh tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 3 năm 2018 do tỉnh Lai Châu tổ chức và đạt giải nhì tại hội thi.

Để mô hình có hiệu quả được nhân rộng, anh không ngại chia sẻ, giúp đỡ các HTX, tổ hợp tác hay các cá nhân có nhu cầu muốn khởi nghiệp và sẵn sàng trở thành cầu nối để hướng dẫn kỹ thuật, thu mua sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho các đơn vị, cá nhân cùng phát triển.

Ngoài thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, anh tích cực tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn tỉnh, điển hình như: Tham gia hỗ trợ, chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, ủng hộ rau xanh cho các điểm cách ly tập trung tại Thủ đô Hà Nội và tỉnh Lai Châu với trên 7 tấn rau xanh các loại; ủng hộ 5 tấn rau cho chương trình “Gian hàng 0 đồng” do Tỉnh đoàn Lai Châu; ủng hộ cho hoạt động văn nghệ Chợ đêm San Thàng 5 triệu đồng. Ngoài ra, anh và các thành viên HTX luôn tích cực, thường xuyên tham gia ủng hộ các cuộc vận động nhân đạo, từ thiện do các cấp, các ngành phát động, thực hiện tốt các hương ước, quy ước của địa phương nơi cư trú.

Phương Thanh