Phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững từ nuôi gà giun quế
18/10/2017 - 08:53

TĐKT - Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, mạnh dạn tiếp thu những kiến thức khoa học và cách làm ăn mới, giờ đây, gia đình anh Nguyễn Xuân Biên đã gây dựng được cơ ngơi khang trang và thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi gà giun quế. Hiện anh đang là Trưởng Nhóm sinh kế xóm Ó, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Anh Nguyễn Xuân Biên đã chia sẻ về mô hình nuôi gà giun quế tại Hội thảo "Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu" ngày 12/10, tại Hà Nội

Giống như nhiều nông dân khác trong xóm Ó, trước năm 2013, gia đình anh Nguyễn Xuân Biên sống hoàn toàn phụ thuộc vào rừng, trong khi 70% rừng quê anh đều thuộc rừng phòng hộ, đầu nguồn, không được khai thác. 

Sinh kế còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kiến thức khoa học, làm theo kiểu truyền thống, đời sống của gia đình anh nói riêng và nông dân xóm Ó nói chung khi đó chưa được cải thiện. Trước năm 2013, gia đình anh là một trong số 50 hộ nghèo của xóm.

Đầu tháng 6 năm 2013, Trung tâm phát triển nông thôn bền vững SRD phối hợp với UBND huyện Phú Lương triển khai Dự án “Quản lý và sử dụng đất có sự tham gia, giai đoạn 2” tại xóm Ó. Nhằm hỗ trợ các hộ gia đình phát triển kinh tế một cách bền vững, hướng tới một nền nông nghiệp thông minh không rác thải, dự án tập trung khuyến cáo, hỗ trợ, hướng dẫn người dân nuôi giun quế để phát triển chăn nuôi. Từ đây, Nhóm Sinh kế xóm Ó được thành lập, gồm những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ dân tộc thiểu số của xóm. Anh Nguyễn Xuân Biên được tín nhiệm bầu làm Trưởng nhóm.

Tham gia mô hình, anh được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật nuôi giun quế, kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt, được tham quan mô hình nuôi giun quế tại tỉnh Phú Thọ. Tháng 12/2014, từ nguồn vốn vay 7 triệu đồng của quỹ tín dụng thôn bản, gia đình anh đầu tư nuôi giun và mở rộng nuôi gà thả vườn. Mới đầu, anh mua 5 kg giun giống và xây 5 m2 bể nuôi giun.

Anh chia sẻ: phương thức nuôi giun quế rất đơn giản, có thể nuôi giun trong hố đất, nuôi trong thùng, hộp và nuôi trong bể xây… Giun quế dễ nuôi, lớn nhanh. Nếu nhân giống bằng giun giống, khoảng hơn 2 tháng thì thu hoạch. Nếu nhân giống bằng sinh khối, khoảng 30 – 35 ngày thì thu hoạch. Có thể cho gà, vịt ăn trực tiếp hoặc trộn giun với cám ngô, cám gạo, bột đỗ tương rang, rau… cho ăn theo quy trình kỹ thuật.

Khi được nuôi bằng giun quế, gà lớn nhanh, khỏe mạnh, thịt gà chắc, thơm hơn so với gà được nuôi theo cách thông thường, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhận thấy sự khác biệt so với phương pháp nuôi gà thông thường, anh đã nhân thêm diện tích nuôi giun quế và mở rộng quy mô nuôi gà. Cho đến nay gia đình anh luôn duy trì số đầu gà 500 con/100m2 diện tích nuôi giun quế.

Anh Nguyễn Xuân Biên sử dụng máy trộn thức ăn để trộn giun quế với thức ăn tinh và rau tạo thành thức ăn dạng viên cho gà

Ngoài ra, anh mua máy đùn thức ăn day viên, máy ấp trứng để tự phục vụ chăn nuôi gia đình và hỗ trợ các thành viên trong tổ, nhóm sinh kế, từ đó giúp giảm giá thành, giảm chi phí đầu vào, tăng chi phí đầu ra. Bên cạnh đó, anh còn cung cấp con giống giun quế cho bà con trong xã, ngoài xã, huyện, tỉnh; tận dụng phế phẩm nông nghiệp để nuôi thủy cầm, trồng rau sạch, đem lại thu nhập cho gia đình từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

Hiện tại Nhóm sinh kế của anh có 21 thành viên, trong đó có 14 thành viên hoạt động thường xuyên. Thu nhập của các hộ thành viên từ mô hình nuôi giun quế trung bình 70-80 triệu đồng/năm.

Anh cho biết: “Qua cầu nối của dự án, chúng tôi tiếp cận được thị trường Hà Nội. Có 6 đơn vị ký hợp đồng thu mua gà giun quế, nhưng hiện tại chúng tôi chỉ đủ khả năng cung cấp thường xuyên cho 1 đơn vị. Nhận thấy thị trường đầu ra từ mô hình này còn nhiều tiềm năng để phát triển, mặt khác mô hình này cũng hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn nên gia đình tôi cũng như các thành viên trong Nhóm sinh kế vẫn đang tiếp tục nhân rộng mô hình để phát triển hơn nữa.”

Nhờ mô hình, gia đình anh và các thành viên dần ổn định cuộc sống, thoát nghèo. Từ đó, tận dụng nông sản sẵn có tại gia đình, địa phương, phế phẩm nông nghiệp để trồng trọt rau hữu cơ, chăn nuôi  và phát triển số đàn dê, trâu, bò… tăng nguồn thu nhập ngoài từ mô hình.

Khi kinh tế gia đình ổn định, không phải phụ thuộc vào rừng, thay vì trồng cây keo, các anh trồng cây bản địa như dổi,  trám, sấu …. vừa giúp thu quả để bán, lại giúp bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất rừng, giữ xanh, sạch môi trường, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, ổn định cuộc sống, anh Nguyễn Xuân Biên và những thành viên của Nhóm Sinh kế xóm Ó đã từng bước bảo vệ, phát triển rừng và hệ sinh thái dưới tán rừng. Mô hình nuôi gà giun quế của anh là một trong những mô hình tiêu biểu được giới thiệu, nhân rộng qua Hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu”diễn ra ngày 12/10, tại Hà Nội.

Nguyệt Hà