Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp cơ sở
27/11/2022 - 17:24

TĐKT - Chiều ngày 26/11, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt 64 đại biểu tiêu biểu tham dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017 - 2022.

Đây là đại diện cho đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu trong cả nước, là những bông hoa tươi thắm nhất trong rừng hoa “Người tốt, việc tốt” của những người cán bộ Mặt trận ở cơ sở trên cả nước đang từng ngày, từng giờ góp phần tô thắm thêm cho truyền thống đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu tham dự buổi gặp mặt

Tại buổi gặp mặt, ông Lý Tắc Mềnh, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đài Van, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã bày tỏ niềm vinh dự và tự hào được thay mặt cho 1.452 Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư của tỉnh Quảng Ninh được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Mềnh chia sẻ, khi huyện Vân Đồn có chủ trương đem chữ đến bản, ông đã cùng Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể trong thôn vận động thanh niên trong bản vào rừng chặt tre dựng phân hiệu tiểu học; đồng thời đến từng nhà, vận động các phụ huynh đưa con em mình đến trường.

“Lo cho lũ trẻ, chúng tôi còn đi vận động các gia đình tham gia vào các lớp xóa mù chữ của huyện tổ chức ở xã. Chính vì thế mà Đài Van ngày nay, tất cả những người lớn tuổi đều được xóa mù chữ.”, ông Lý Tắc Mềnh nói.

Cũng theo ông Lý Tắc Mềnh, tuy là bản vùng sâu, vùng xa, nhưng Đài Van có nhiều năm cả bản không có người sinh con thứ 3. Đó cũng là một trong những nỗ lực của Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể thôn bởi đội ngũ cán bộ Mặt trận trên địa bàn đã cùng nhau đã đến từng gia đình các đôi vợ chồng trẻ, tuyên truyền, vận động giải thích với họ về cái nghèo do đông con và được bà con nghe theo. Cùng với đó, ông cũng đã vận động bà con trong thôn giữ được các nét văn hóa của người Dao thông qua việc vận động những người từ 50 - 60 tuổi trong thôn mặc quần áo truyền thống hàng ngày, để lớp trẻ khỏi quên mặc trang phục truyền thống của ông bà mình.

Ông Lý Tắc Mềnh, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đài Van, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại buổi gặp mặt

Đến từ xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, bà Lê Thị Hảo, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã chia sẻ, với trách nhiệm của những người làm công tác Mặt trận tại cơ sở, chúng cháu đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để thăm hỏi, vận động, hướng dẫn bà con trong cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, tích cực giữ gìn an ninh nông thôn; xây dựng đời sống mới, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; làm tốt công tác chăm lo cho đối tượng hộ nghèo, hộ khó khăn và những người yếu thế để tự tin vươn lên trong cuộc sống…

“Trong thời gian qua, quê hương Quảng Trị đã phải gánh chịu những thiệt hại to lớn về người và của trong cơn lũ lịch sử năm 2020; trong đại dịch Covid -19, nhưng vẫn ấm áp, thắp sáng ngọn lửa ruột thịt tình đồng bào; trước những khó khăn đó, quê hương chúng cháu đã đồng lòng quyên góp hỗ trợ miền Nam, hỗ trợ các tỉnh bạn với hàng ngàn tấn lương thực thực phẩm để cùng nhau vượt qua khó khăn, thiên tai, dịch bệnh”, bà Lê Thị Hảo chia sẻ.

Bà Lê Thị Hảo, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị phát biểu tại buổi gặp mặt

Là người có hơn 14 năm gắn bó với công tác Mặt trận, có dịp được thường xuyên gần gũi hơn với các tầng lớp nhân dân, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang bày tỏ, 14 năm ấy, điều đọng lại trong tâm người làm công tác Mặt trận là niềm tự hào vì mình đã góp một phần cho địa phương trong xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết, với đặc điểm là xã có đông đồng bào Công giáo với 532 hộ sinh hoạt tại 2 nhà thờ Công giáo, trong những năm qua bản thân đã chủ động phối hợp tốt với các chức sắc, chức việc và Hội đồng Mục vụ giáo xứ nhà thờ trong việc phát huy tốt những điểm tương đồng giữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với đạo đức tôn giáo trong các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo,... xây dựng nhiều mô hình mang tính cộng đồng như: Mô hình “Chung tay hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, “Xóa cầu gỗ”, “Hỗ trợ giếng khoan cho bà con vùng xâm nhập mặn”; giúp bà con phát triển cầu, đường, hỗ trợ sinh kế, nhà ở, nước hợp vệ sinh; hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, ổn định cuộc sống; hỗ trợ xây 26 căn nhà Đại đoàn kết; cho mượn 18 con bò, giúp 34 hộ thoát nghèo, trong đó có 18 hộ là bà con giáo dân. Qua đó,củng cố thêm tình đoàn kết lương - giáo trong nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi gặp mặt

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm, tận tuỵ, hoạt động bền bỉ, sáng tạo, đoàn kết, gắn bó với cộng đồng, với người dân ở cơ sở. “Các cụ, các đồng chí thật sự là những người có uy tín cao, là hạt nhân quan trọng, tích cực ở cơ sở, đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” – Tổng Bí thư khẳng định.

Nhấn mạnh những vấn đề này đặt ra yêu cầu cao hơn nữa đối với vai trò, trách nhiệm của các cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, đặt tư tưởng "dân là gốc" làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của cán bộ làm công tác Mặt trận ở tất cả các cấp. Muốn đất nước phát triển bền vững cần phải "khoan thư sức dân", phải yên dân và trừ bạo, làm sao để mọi người dân được sống mạnh khỏe, an cư, an toàn và an tâm, hạnh phúc, hăng say học tập, lao động, đóng góp, cống hiến cho gia đình, quê hương, đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, Mặt trận Tổ quốc các cấp, cán bộ Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tiếp tục gắn bó sâu sát hơn nữa với cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình nhân dân để tham mưu, kiến nghị kịp thời, đầy đủ tới cấp ủy đảng, chính quyền. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, chu toàn đường lối, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chăm lo, hỗ trợ đối với người khó khăn, yếu thế... đồng thời, tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, là nòng cốt tích cực trong đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn, tố giác đối với các trường hợp tham ô, tham nhũng, tiêu cực tại địa bàn, cơ sở.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công tác giám sát, phản biện xã hội là các nội dung lớn đã và đang được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, có địa phương, Mặt trận ở cơ sở vẫn chưa sử dụng hết quyền của mình trong hoạt động này, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm, quy trình thực hiện; thậm chí có nơi bỏ qua vấn đề, nội dung cần thiết có sự giám sát, phản biện xã hội. Một số nơi còn tâm lý nể nang, ngại va chạm trong giám sát hoạt động khối cơ quan đảng, chính quyền.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các cụ, các vị, các đồng chí quyết liệt hơn nữa, nâng cao nhận thức, phát huy vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không nể nang, né tránh và thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn nữa để thực sự đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, sự mong đợi của xã hội. Đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp cơ sở có vai trò, vị trí rất quan trọng, là những người có uy tín, ảnh hưởng cao trong cộng đồng dân cư, luôn làm việc với tinh thần: "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân".

Hưng Vũ