Nữ y tá hết lòng với bệnh nhân phong
25/03/2021 - 10:10

TĐKT - Ở tuổi 64, là tuổi đã được nghỉ hưu nhưng nữ y tá Nguyễn Thị Xuân, công tác tại Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh vẫn hết lòng với bệnh nhân phong, không chịu nghỉ ngơi, nhất định cùng ăn, cùng sống, gắn bó cả cuộc đời với bệnh nhân phong. Bà chính là hiện thân của của sự sống, là người cứu rỗi những mảnh đời bất hạnh từng bị hắt hủi ở trại phong.

Y tá Nguyễn Thị Xuân

Y tá Xuân cho biết, bà sinh ra và lớn lên tại thôn Xuân Hòa, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh trong gia đình có 5 anh chị em. Lớn lên, bà làm giáo viên dạy trẻ mầm non. Cuộc đời cứ thế lặng lẽ, êm đềm bên những đứa trẻ cho đến khi bà Xuân vô tình đọc được cuốn sách Lạc quan trên miền thượng của Linh mục Giuse Phùng Thanh Quang.

Nội dung câu chuyện kể về cuộc sống nhiều nỗi đau và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của những bệnh nhân phong ở trại phong Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Có lẽ là một cơ duyên. Những câu chuyện trong cuốn sách đã làm thức tỉnh và tạo bước ngoặt trong nhận thức của bà Xuân về sự lựa chọn nghề nghiệp sau này.

Để hiểu thêm về những số phận trong cuốn sách đó, bà đã giấu gia đình và tự tìm đến trại phong Quả Cảm (thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Tại đây, bà chứng kiến nỗi đau về thể xác của những bệnh nhân với tấm lòng đầy thương cảm.

Bởi thế, năm 1988, bà quyết định vào học trung cấp y ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Chưa dừng lại ở đó, năm 1992, bà tiếp tục vào TP Hồ Chí Minh học cách gò sắt làm chân giả cho bệnh nhân phong.

Bà Xuân hiện đã có hơn 30 năm sống và phục vụ bệnh nhân phong tàn tật tại Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh. Vững tay nghề, bà Xuân đã giúp nhiều bệnh nhân ở rất nhiều trại phong trên cả nước có đủ đôi tay, đôi chân lành lặn. Qua đó, giúp họ thuận tiện hơn rất nhiều trong đi lại, sinh hoạt. Đồng thời, bà giúp bệnh nhân phục hồi chức năng. Nhờ sự tập luyện thường xuyên này đã giúp bệnh nhân mỗi ngày một tiến triển tốt hơn cả về tinh thần lẫn sức khỏe.

Y tá Xuân thăm hỏi cụ Nguyễn Xuân Phước, 88 tuổi - 1 trong 2 người lớn tuổi ở trại phong Quả Cảm

Không chỉ làm công việc giúp đỡ những bệnh nhân về cơm nước, thuốc thang, sinh hoạt thường ngày, bà còn nghĩ làm sao cho con cháu họ cũng có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Bà đã xin các nhà hảo tâm kinh phí xây dựng nhà ở cho bệnh nhân phong, phòng mổ, nhà ăn tập thể, nhà khách, nhà tang lễ, sửa chữa đường đi nội viện, giúp phát triển kinh tế cho bệnh nhân phong bằng cách đào 3 ao cá lớn, cải tạo 2 ao cá nhỏ, san ủi 2 đồi, chuyển đổi cây trồng trên các vườn đồi có thu nhập cao hơn. Tiếp đó là xây 250 ngôi mộ vô danh cho bệnh nhân phong tại trại phong Quả Cảm và giúp đỡ các bệnh nhân phong trong 13 khu điều trị phong Miền Bắc, hỗ trợ cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần.

Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân phong, bà Xuân còn giúp đỡ xây dựng 201 ngôi nhà cho bệnh nhân, huy động và cấp vốn cho 173 gia đình (từ 8 - 10 triệu đồng), tặng xe cho con em bệnh nhân. Nhờ sự giúp đỡ của bà Xuân, đến nay, nhiều con em bệnh nhân phong được học hành, trở thành cán bộ, công chức..., xóa đi mặc cảm về bệnh tật. Mỗi năm, bà giúp được trên dưới 300 em học sinh, trung bình mỗi năm từ 2 đến 2,5 triệu đồng; trên dưới 40 sinh viên, trung bình mỗi năm từ 4 đến 6 triệu đồng. Các em đều là con, cháu bệnh nhân phong và các sinh viên khuyết tật. Hàng năm, bà còn kêu gọi hỗ trợ 50 suất học bổng cho học sinh, sinh viên Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh.

Để theo kịp với xu hướng phát triển của công nghệ thông tin thời đại mới, bà đầu tư 10 máy vi tính và mời thầy dạy miễn phí, hỗ trợ tiền ăn, tiền xe cho các học viên là nhân viên, con em bệnh nhân phong ở các khu điều trị phong miền Bắc, Hội Người mù tỉnh Bắc Ninh. Năm 2012, bà đã mở được 3 khóa, tặng 3 máy vi tính xách tay cho 3 sinh viên là con bệnh nhân phong.

Được sự đồng ý của chính quyền địa phương các cấp, bà đã chủ động kết hợp với các nhà hảo tâm, tổ chức các cuộc giao lưu cho bệnh nhân, con em của bệnh nhân phong ở 12 khu điều trị phong của miền Bắc. Những buổi giao lưu đã giúp cho bệnh nhân, các cháu hòa nhập với cộng đồng xã hội, xóa mặc cảm về bệnh phong.

Hơn 30 năm gắn bó với bệnh nhân phong ở Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh, bà Xuân đã thuộc nằm lòng từng thói quen, sở thích của mỗi người, bà lại vừa như một chiếc đồng hồ báo thức, một tờ giấy nhớ nhắc lịch cho từng bữa ăn, giờ uống thuốc của bệnh nhân. Để tạo điều kiện chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh đã thành lập Khoa Phong là khoa chuyên dành chăm sóc cho các bệnh nhân nặng hoặc các bệnh nhân phong bị nhiều bệnh phối hợp. Những người ở Khoa Phong gần như không thể tự làm được việc gì mà mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải dựa vào sự chăm sóc tỉ mỉ, ân cần của các cán bộ y tế, trong đó không thể không kể đến vai trò của y tá Xuân.

 Được biết, trại phong Quả Cảm từ lúc ban đầu đón gần 300 bệnh nhân, giờ đây, chỉ còn lại 71 người. Đa phần là người già. Cho nên dù đến tuổi nghỉ hưu từ tháng 10/2012, bà Xuân vẫn tình nguyện ở lại để giúp đỡ bệnh nhân, tiếp thêm nghị lực sống cho họ bởi càng sống với bệnh nhân phong, bà càng thương. Nhiều người tuổi già tàn tật đau ốm, sống cô đơn, bà thương như cha mẹ, người thân của bà. Được ở lại làm việc tại đây cũng chính là nguyện vọng duy nhất của bà.

Sự hy sinh thầm lặng của nữ y tá Nguyễn Thị Xuân đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen; Giấy chứng nhận giải thưởng nhân vật sống vì cộng đồng của Báo Tuổi trẻ; Kỷ niệm chương vì hạnh phúc người mù Việt Nam; Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế; nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Giải thưởng phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...

Mới đây, y tá Nguyễn Thị Xuân là 1 trong 400 cá nhân tiêu biểu dự Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng", chương trình do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội. Bà cũng vinh dự là 1 trong 50 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen vì những đóng góp thầm lặng vì cộng đồng.

Hồng Thiết