“Nữ thuyền trưởng” và 6 năm vững lái “con tàu An sinh”
31/03/2020 - 14:22

TĐKT - Lần đầu gặp Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh, ít ai ngờ ẩn sâu sau dáng người mảnh mai, dịu dàng của chị là một tính cách quyết liệt, quyết đoán với một cường độ làm việc cao và sức bền đến không ngờ. Và có lẽ cũng ít người biết, nữ “thuyền trưởng” của ngành BHXH còn có những khoảng lặng rất đời thường...

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác với Cơ quan Phúc lợi và đền bù cho người lao động Hàn Quốc (KCOMWEL)

Ngày 20/11/2014 có lẽ đã trở thành một trong những dấu mốc quan trọng đối với chị Nguyễn Thị Minh. Đó là ngày Quốc hội thông qua Luật BHXH Sửa đổi. Là người đứng đầu ngành, trực tiếp giúp Chính phủ tổ chức thực hiện hai chính sách quan trọng, trụ cột của hệ thống an sinh xã hội Quốc gia, với chị Minh, niềm vui và hạnh phúc thực sự đong đầy khi trong công việc của ngành đạt được những thành tựu mới...

Tháng 3/2014, khi vừa mới chân ướt, chân ráo về ngành, chị Minh đã cùng với Ban lãnh đạo BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua hai dự thảo sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT - hai đạo luật cơ bản tạo hành lang pháp lý cho công tác tổ chức thực hiện chính sách và cơ chế hoạt động của BHXH Việt Nam sau này.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh kiểm tra vận hành hệ thống “một cửa điện tử tập trung” tháng 1/2017

 Còn nhớ quá trình thảo luận đi đến thống nhất nội dung sửa đổi Luật BHXH, trên nghị trường và đến lúc Luật được thông qua, niềm vui đã vỡ òa trong chị và niềm vui ấy càng lớn khi quá trình dự thảo Luật có phần công sức của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống BHXH Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương.

Phấn khởi, vui mừng, nhưng hơn ai hết, chị Minh hiểu, hoàn thiện hành lang pháp lý chỉ là công việc khởi đầu. Chặng đường gian nan đưa chính sách vào cuộc sống còn đang ở phía trước. Khoảng thời gian tiếp theo, chị Minh cùng với Ban lãnh đạo BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị giúp việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc bộ, ngành chức năng tham mưu với Chính phủ trong việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Đặc biệt là việc tham mưu với Chính phủ ban hành các quyết định về việc giao chỉ tiêu BHYT, BHXH cho các địa phương nhằm hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân đã được xác định tại Nghị quyết 21-NQ/TW, Nghị quyết 28-NQ/ TW và thể chế hóa tại Luật.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh thăm hỏi, chia sẻ, động viên và tặng quà tri ân các đồng chí thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh)

Trong hệ thống BHXH Việt Nam, chị quyết liệt chỉ đạo thực hiện tổng rà soát các quy trình nghiệp vụ, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới một nền hành chính không giấy tờ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch với cơ quan BHXH.

Sau hơn 5 năm, đến nay, mục tiêu BHYT toàn dân đã cơ bản hoàn thành với gần 90% người dân có thẻ BHYT. Số người tham gia BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng vượt bậc với tổng số người tham gia gần 600.000 người. Riêng con số phát triển BHXH tự nguyện trong nửa cuối năm 2018 và năm 2019 lớn hơn tổng số người tham gia của 10 năm trước đó.

Đặc biệt, hoạt động phục vụ của ngành BHXH có sự thay đổi cả về lượng và chất. Số thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH giảm mạnh, từ hơn 200 thủ tục xuống còn 27 thủ tục; 100% các thủ tục hành chính đã được thực hiện giao dịch điện tử ở mức độ 3, 4. Nhiều thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin... Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH.

Ngành BHXH đã hoàn thành việc rà soát và cấp mã định danh BHXH cho trên 92 triệu dân. Xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử lưu trữ hồ sơ khám, chữa bệnh BHYT của trên 85 triệu người tham gia BHYT. Thực hiện kết nối và đồng bộ toàn diện các phần mềm nghiệp vụ...

Khi BHXH Việt Nam liên tục thăng hạng và đứng thứ 2 về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc) về chỉ số nộp thuế, BHXH trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chị Minh nói giản dị: Đó là công lao của trên 20.000 cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống BHXH. Cá nhân chị chẳng bao giờ nhận chút thành tích nào về riêng mình.

Với tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT cũng diễn ra khá phức tạp. Làm thế nào để kiểm soát hiệu quả sử dụng quỹ, để từng đồng quỹ được sử dụng đúng mục đích, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia? Câu hỏi ấy luôn trăn trở trong lòng nữ Tổng Giám đốc, không chỉ khi chị đã về công tác trong ngành mà ngay từ khi chị còn là Thứ trưởng Bộ Tài chính và được giao phụ trách lĩnh vực này.

Khi đi thị sát thực tiễn, chị nhận thấy nếu chỉ với hơn 2.000 giám định viên BHYT, muốn kiểm soát tốt việc sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT sẽ là điều không tưởng nếu không áp dụng công nghệ. Đi tham khảo, học tập kinh nghiệm các tổ chức an sinh quốc tế, ý tưởng về một hệ thống giám định điện tử tập trung cứ lớn dần trong tâm thức chị. Những ngày đầu triển khai, có người nghi ngờ, có người phản đối, có người thiếu hợp tác... nhưng với sự nhạy cảm của nhà quản lý chuyên nghiệp, sự tâm huyết của người đứng đầu, chị đã hình dung ra chiến lược ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ, coi đây là công cụ hữu hiệu trong quản lý thu, chi, khắc phục sự thiếu hụt nguồn nhân lực do tinh giản biên chế, mang lại sự minh bạch và là chìa khóa để cải cách hành chính thành công.

Đến nay, Hệ thống thông tin giám định BHYT với các tính năng giám định tổng hợp, giám định chuyên đề đã từng bước phát huy hiệu quả. Khối lượng công việc thủ công của anh em được giảm bớt, việc giám sát, kiểm soát quỹ khám, chữa bệnh BHYT từng bước khắc phục được những hạn chế - với chị, đó là niềm vui.

Những câu chuyện cán bộ BHXH đi kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT bằng xe máy, đơn vị sử dụng lao động chặn xe không tiếp, hay có anh em bị rắn lục cỏ chui vào bô xe, bị rắn cắn may chưa nguy hiểm đến tính mạng... càng làm chị trăn trở. Chị bàn với các đồng chí trong Ban Cán sự, Ban Tổng Giám đốc xây dựng phương án, báo cáo Chính phủ để anh em cấp cơ sở có thêm phương tiện làm việc, giảm bớt những rủi ro, vất vả...

Đi đến đâu công tác, câu đầu tiên chị hỏi là anh em hôm nay đến dự có đủ không, tiến độ công việc thế nào, có gì khó khăn cần lãnh đạo ngành tháo gỡ, đời sống anh em thế nào. Chị bảo, anh em đến dự đông đủ là thể hiện sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo và toàn đơn vị đó.

Với chị, một tập thể quan trọng nhất là sự đoàn kết. Chị luôn dặn dò Công đoàn phải thường xuyên giám sát bếp ăn, làm sao miếng cơm, miếng rau trong suất cơm trưa của anh em có thể chưa được sang nhưng phải sạch và đủ chất. Chị luôn tỉ mỉ quan tâm anh em cơ quan như trong gia đình mình vậy.

Trong công việc chị là người quyết liệt và cẩn trọng nhưng trong đời thường chị lại hết sức giản dị đó là phong thái và phong cách rõ nét nhất của “nữ thủ lĩnh” ngành BHXH.

 Không chỉ cập nhật các kiến thức công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu công việc, chị còn tổ chức các lớp học ngoại ngữ, nâng cao trình độ tiếng Anh cho cán bộ, công chức và viên chức quản lý khối cơ quan Trung ương và bản thân chị cũng là một thành viên tích cực của các lớp học này.

Là nữ cán bộ quản lý có quá trình trưởng thành từ cơ sở, kinh qua nhiều vị trí công tác, hơn ai hết, chị Minh hiểu những vất vả của cán bộ nữ. Chị tâm sự: Thành công của một người đàn ông cần sự nỗ lực một thì thành công của một người phụ nữ cần sự nỗ lực và hy sinh gấp 10 lần. Có lẽ chính vì thế, trong công tác cán bộ, chị luôn quan tâm, động viên và chia sẻ với những cán bộ nữ, đặc biệt là những nữ cán bộ quản lý cấp dưới.

Dù có bận rộn mấy thì cứ tháng 7 hàng năm chị vẫn luôn sắp xếp để tham dự 1 cuộc thăm hỏi người có công, gia đình chính sách hay thăm 1 trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh, 1 gia đình nghèo, neo đơn; thăm, viếng các anh linh liệt sĩ tại các nghĩa trang quốc gia trên tuyến đường Trường Sơn. Chị bảo, trong niềm tưởng nhớ chung các anh linh liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, chị có nỗi niềm riêng về người anh trai hy sinh trong chiến dịch Trường Sơn đến nay chưa tìm được mộ phần... Có lẽ cũng từ mất mát của gia đình mình, chị thấu cảm nhiều hơn với sự hy sinh, mất mát của những gia đình thương binh liệt sĩ, hiểu hơn giá trị của độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân. Đấy là máu xương, nước mắt của bao thế hệ, để từ đó chị mong muốn với cương vị của mình, có thể làm được nhiều điều tốt đẹp hơn, với sứ mệnh là cầu nối An sinh xã hội đến với nhiều hơn những gia đình Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc.

Ngọc Ánh