TĐKT - Nghề báo là một nghề lắm truân chuyên, nếu như đàn ông làm báo vất vả một thì phụ nữ làm báo còn vất vả mười. Nhưng đã chọn nghề, đã quyết tâm theo đuổi, nhà báo nữ Đỗ Minh Hà, công tác tại Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam vẫn luôn cháy hết mình với đam mê nghề nghiệp, với ngành, với nghề.
Nhà báo Minh Hà xinh tươi giữa đời thường
Nhà báo Minh Hà cho biết, cô sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong gia đình có truyền thống cách mạng và cán bộ nhà nước. Bố là Tiến sĩ khoa học và nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Hàng hải. Mẹ là Tiến sĩ khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông ngoại cô được biết đến là nhà văn thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Là tiểu thư “cành vàng lá ngọc” nhưng ngay từ bé, cô luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi và tự lập.
Đúng là “nghề chọn người”, ngay khi tốt nghiệp THPT, ý định ban đầu của cô chọn trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, khoa Triết học với ý định sau khi tốt nghiệp đại học sẽ tham gia giảng dạy nhưng nghề báo đến với cô giống như một định mệnh. Cô vẫn nhớ như in vào mùa hè năm 2004, lúc đấy cô tròn 18 tuổi, tận dụng thời gian rảnh rỗi, cô đã đăng ký thi tuyển cộng tác viên của VTV3 với ý định thử sức trong quá trình học đại học. Cô đã trúng tuyển và được đảm nhận các chương trình truyền hình như: Vườn Cổ tích, Thử thách nhân đôi, Ô cửa bí mật, Đấu trí, Nhân tài Đất Việt, Trí tuệ Việt Nam....
Nhà báo Minh Hà tác nghiệp tại Hải đội 3, Tổng cục Hải quan, tại Vũng Tàu
Trưởng thành từ những game show giải trí đến phóng viên chuyên viết mảng “nóng” đã mài giũa cho nhà báo Minh Hà tính quyết đoán, bền bỉ, chịu khó trong công tác với đầy bản lĩnh, nhiệt huyết, sáng tạo trong công việc và quyết tâm gắn bó với nghề. Cô vẫn nhớ như in ngày cô đang làm việc tại VTV3, lúc đó cô đang là sinh viên đại học, mặc dù vậy, mỗi lần ghi hình cô đều phải làm việc hết sức mình từ 7h sáng, có lúc 2 - 3h đêm. Có những đêm cô chỉ ngủ có 4 tiếng. Lòng yêu nghề, nhiệt huyết với nghề đã khiến cô vượt qua hết tất thảy mọi khó khăn và gắn bó với nghề tới tận bây giờ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, cô đã thi và trúng tuyển vào làm tại Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam. Tại đây cô được phân công lĩnh vực kinh tế, mảng hải quan, quản lý thị trường và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.
Gần 17 năm gắn bó với nghề, trải qua nhiều vất vả, nhà báo Minh Hà hiểu rằng phụ nữ làm báo có nhiều khó khăn hơn so với nam giới. Là phóng viên theo các ngành “nóng”, nên đòi hỏi thông tin phải trung thực, chính xác, vì vậy phóng viên phải đi thực tế nhiều hơn. Dấn thân vào thực tế, hiểu nghề hơn thì mới có được những tác phẩm nhiều cảm xúc và chất lượng. Nhìn vẻ ngoài nữ tính, dịu dàng nhưng mỗi khi nghe có tin nóng về thu giữ hàng lậu là bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng cô đều lên đường đi săn tin. Hình ảnh nhà báo nữ mặc váy rất điệu đà vào các kho hàng, bến bãi, đường mòn lối mở không còn xa lạ với các lực lượng chức năng. Mặc váy như vậy nhưng khi leo các đường mòn lối mở để ghi hình thì cô vẫn hăng hái leo không khác gì các chiến sĩ.
Nhà báo Đỗ Minh Hà (ảnh phải) nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo Quốc gia 389
Vất vả nhất là khi phóng viên Minh Hà sinh bé thứ 2, đến giờ bé phải bú mẹ nhưng lúc đấy lại có tin thu giữ bột trà sữa không có hóa đơn, chứng từ ngay ga hàng hóa đường Giải Phóng - Giáp Bát - Hà Nội. Trách nhiệm với ngành, với nghề và là cơ quan truyền hình cung cấp tin nguồn của quốc gia, cô đã không thể chần chừ và phải vội gọi điện về nhà gửi con cho bà ngoại, rồi đi quay tin tối. Đến lúc về, con giận, không bám mẹ nữa, mẹ lúc đấy căng sữa, đau nhức và sốt, phải thức nguyên cả đêm đến sáng hôm sau. Vì công việc đặc thù, phải đi lại nhiều nên em bé đành phải cai sữa mẹ lúc mới 6 tháng tuổi.
Rồi vào năm 2020, khi cô đang đưa con gái lớn đi biểu diễn văn nghệ và liên hoan tổng kết lớp, 22h đêm, Ban chỉ đạo 389 gọi điện cho cô, báo tin ở Lào Cai, có vụ kho hàng lậu lớn nhất từ trước đến nay. Nhận được điện thoại, cô vội vàng gọi cho lãnh đạo cấp trên và xin gấp lịch đi quay và điều tra vụ việc. Ngày đó, cô phải nằm vùng trên Lào Cai 4 ngày liền. Nửa đêm hôm đó cô vẫn ra kho hàng điều tra và đưa tin cùng các đồng nghiệp.
Theo cô, công việc của nữ phóng viên truyền hình là hết sức vất vả, gian nan, nhất là phóng viên theo dõi lĩnh vực hải quan, chống buôn lậu, bởi để có tin tức nhanh, những thước hình tả đúng hiện thực, thổi được hồn vào tác phẩm, phản ánh được những chiến công, thành tích của các chiến sĩ và mang hơi thở của cuộc sống thì phải luôn bám sát địa bàn, theo chân cán bộ, chiến sĩ chống buôn lậu, hải quan trong các vụ điều tra. Vì vậy, cô thường xuyên phải đi công tác, có những đợt cao điểm phải đi hết 1 tuần đến các vùng biên giới, cửa khẩu.
Khi đã chọn nghề báo, thì nhà báo nữ như Minh Hà đều phải tâm huyết với nghề. Với ưu thế và trách nhiệm của mình, cô đã không ngừng học hỏi, tận tâm và đã làm nên nhiều tác phẩm có giá trị. “Nếu không yêu nghề, không đam mê với nghề, thì sẽ không thể có được vinh quang của người làm báo” - Minh Hà chia sẻ.
Theo nghề làm báo, các nhà báo nữ đều hiểu rằng, gia đình thường phải chịu những thiệt thòi nhất định. Nhưng trong khả năng của mình, nhà báo Minh Hà luôn phải nỗ lực gấp 2, 3 lần người khác để giải quyết hài hòa giữa công việc và gia đình. Mặc dù bận rộn là vậy, nhưng Minh Hà vẫn thu xếp nhận làm Trưởng Ban phụ huynh lớp con gái lớn từ lớp 1 đến lớp 7 để được theo sát các hoạt động của con. Con gái cũng rất thương mẹ nên tự giác học ngay từ lớp 1. 7 năm liền, con gái của Minh Hà luôn đạt thành tích xuất sắc và là cán bộ lớp.
Làm báo đối với Minh Hà không phải là sự bon chen hay phải kiếm được thật nhiều tiền. Mà đó là niềm đam mê. Có lẽ do công việc đặc thù của nghề báo đã khiến Minh Hà mạnh mẽ hơn, độc lập hơn và tự mình thích ứng với hoàn cảnh khác nhau. Với những nỗ lực ấy, cô cũng đã được bù đắp bằng nhiều phần thưởng xứng đáng như: Bằng khen của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia vì đã có thành tích tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ năm 2018 đến năm 2020.
Hồng Thiết