TĐKT - Nền y học cổ truyền Việt Nam đã có bề dày lịch sử trải dài theo suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Ngày nay, dù đã có sự phát triển lớn mạnh của Tây y nhưng nền Đông y nước nhà vẫn giành vị thế vững vàng, đặc biệt là Đông y gia truyền. Để nét đẹp truyền thống cùng giá trị vô giá của Đông y còn song hành và tồn tại phải kể đến công lao của bao thế hệ lương y có tâm với nghề.
Gần 25 năm gắn bó với ngành y, Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II, Lại Lan Phương, Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ công an đã mang đến sự sống và niềm vui cho không ít bệnh nhân "chẳng còn tia hy vọng" nhờ cái tâm trong sáng và nền tảng kiến thức vững chắc về y học cổ truyền dân tộc.
Đại tá, bác sĩ chuyên khoa II, Lại Lan Phương, Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ công an
Với chị, đến và gắn bó với y học cổ truyền như một cái “duyên” mà ông trời đã sắp đặt. Dù là sinh viên chuyên ngành bác sĩ đa khoa của Học viện Quân y nhưng chị được tiếp xúc với những cây thuốc nam, bài thuốc dân gian từ khá sớm bởi chị có nhiều bạn bè có gia đình làm nghề thuốc đông y gia truyền.
Năm 1989, sau khi ra trường, chị về nhận công tác tại Viện Chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cao cấp của Bộ Công an – nay là Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ công an.
Chị nhớ: Đó là thời điểm đất nước ta còn nhiều khó khăn, ngành y cũng vậy. Thuốc men cực kỳ thiếu. Để có thể giúp bệnh nhân của mình vượt qua các cơn bạo bệnh, bên cạnh khám và kê những đơn thuốc tây, chị đã phải tự nghiên cứu, tìm kiếm, bổ sung thêm nguồn thuốc đông y vào đơn thuốc. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân của chị đã thoát khỏi những căn bệnh một cách diệu kỳ.
Chị quyết định vừa làm, vừa đi học bổ sung thêm kiến thức đông y chuyên sâu. May mắn được những chuyên gia đầu ngành về y học cổ truyền hướng dẫn và truyền cảm hứng, nên càng học, càng nghiên cứu, chị càng thấy đam mê và bị cuốn hút bởi những cây thuốc nam và cây kim châm kỳ diệu.
Dần dần, trong quá trình làm việc, nữ bác sĩ Lại Lan Phương càng nhận ra rằng thuốc y học hiện đại bên cạnh những tác dụng nhanh, hiệu quả cũng có những hạn chế và tác dụng phụ. Trong khi đó, y học cổ truyền lại có rất nhiều phương thuốc điều trị có hiệu quả, có khả năng hạn chế các tác dụng phụ. Chính điều này đã thôi thúc chị mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo bệnh viện chủ động, sáng tạo kết hợp đông tây y trong khám và điều trị cho người bệnh.
Bản thân chị đã chủ động tìm đọc, nghiên cứu các đề tài, đi sâu tìm hiểu, đánh giá tác dụng của một số bài thuốc y học cổ truyền để điều trị một số bệnh: Zona thần kinh, viêm mũi vận mạch, hỗ trợ cai nghiện ma túy, rối loạn lipid máu… Các đề tài của chị đều mang lại hiệu quả rõ rệt trên từng bệnh nhân.
Bác sĩ Lại Lan Phương thường xuyên dành thời gian để hỏi thăm, chia sẻ với người bệnh
Nhắc đến Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, nhiều người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc vẫn thầm cảm ơn công chăm sóc, cứu mạng của nữ bác sĩ Lại Lan Phương. Đặc biệt, biệt danh “Phương zona” hay “Phương y học cổ truyền Bộ Công an” đã trở thành những cái tên được nhiều người bệnh trên khắp cả nước truyền tai nhau khi nói về một bác sĩ đáng tin cậy, một địa chỉ đỏ, uy tín trong chữa các bệnh về zona thần kinh, hay các bệnh nội khoa.
Chị Thư, ở tỉnh Hưng Yên cho biết: Năm 2001, chị có triệu chứng chóng mặt và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa và mồm méo biến dạng. Hai vợ chồng đã đi đến gõ cửa nhiều bệnh viện và đều nhận được chuẩn đoán bị mắc bệnh u góc cầu tiểu não. Đó là một căn bệnh khá bi quan, khiến chị càng suy sụp, dường như chỉ nằm một chỗ chờ chết. Trong lúc gia đình và bệnh nhân đều rất tuyệt vọng thì được gặp bác sĩ Phương.
Cùng là phận nữ với nhau, bác sĩ Phương thấu hiểu nỗi khổ của nữ bệnh nhân khi mà người chồng vẫn còn trẻ tuổi và con của chị đang tuổi học hành. Bác sĩ Phương đã động viên, ổn định tâm lý cho người bệnh; đồng thời cố gắng hết vận dụng mọi kiến thức chuyên môn y học hiện đại, kết hợp y học cổ truyền để định hướng điều trị.
Với chẩn đoán bệnh nhân bị vi rút làm rối loạn tiền đình, làm liệt dây thần kinh số 7, bác sĩ Phương đã kết hợp châm cứu và uống thuốc đông y; đồng thời cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc tây. Kết quả là sau 1 tuần chị Thư đã tỉnh táo, đi lại được bình thường, khuôn mặt của bệnh nhân đã khỏi hẳn.
“Hàng xóm của gia đình bệnh nhân đã kéo nhau lên tận bệnh viện để xem thông tin chị Thư khỏi bệnh có phải là sự thật không. Họ bắt tay tôi cảm ơn vì đã cứu sống cuộc đời chị Thu, mang lại hạnh phúc cho cả một gia đình và cả làng xóm láng giềng” – bác sĩ Lại Lan Phương nhớ lại.
Không chỉ đặt bản thân vào vị trí của người bệnh để thấu hiểu được tâm tư bệnh nhân, dù bận rộn với công tác lãnh đạo, quản lý khoa phòng, nhưng bác sĩ Phương vẫn dành thời gian đến những phòng bệnh động viên lắng nghe ý kiến phản hồi từ người bệnh, đồng thời trực tiếp khám, chữa cho các bệnh nhân nặng, giúp đỡ kêu gọi ủng hộ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Chính từ những việc làm trách nhiệm, ân cần, bác sĩ Phương đã nhận được nhiều tình cảm yêu mến, kính trọng từ đồng nghiệp và bệnh nhân.
Năm 2017, bệnh nhân Quang (Hà Nội) được bác sĩ Phương tiếp nhận trong tình trạng bàn chân bị loét đến hở hết cả gân xương do bị nhiễm trùng. Lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu chuyển bệnh nhân sang tây y để tiến hành ghép da.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, bác sĩ Phương biết bệnh nhân khá hoàn cảnh, lại không có người chăm sóc, nếu tiến hành ghép da theo phương pháp y học hiện đại có thể bệnh nhân không đủ điều kiện.
Chị quyết giữ lại bệnh nhân, vừa cắt lọc sạch sẽ vết thương, vừa dùng thuốc đông y để điều trị vết loét lâu liền. Mồng 1, 2 Tết, chị đều có mặt ở viện cùng với đội ngũ điều dưỡng rửa vết thương cho bệnh nhân, hái lá mỏ quạ tươi về giã để để đắp vào vết thương cho sạch, sau đó kết hợp với tế bào gốc.
Nhờ đó, sau một thời gian ngắn, bàn chân của người bệnh liền lành hoàn toàn, vết sẹo rất đẹp. Bệnh nhân đã vô cùng cảm động trước tấm lòng của chị.
Đó chỉ là vài trong số hàng nghìn ca bệnh mà chị đã mát tay cứu chữa.
Bác sĩ Lại Lan Phương thường xuyên giúp đỡ chuyên môn, truyền lửa cho thế hệ trẻ về tình yêu nghề và y đức của người thầy thuốc
Hơn 2 thập kỷ hết lòng với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chị đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Nhưng với nữ bác sĩ ấy, phần thưởng lớn nhất mà chị nhận được chính là những cái nắm tay chặt cảm ơn, niềm tin, nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân và người nhà họ. Đó là nguồn động lực lớn lao nhất giúp chị thêm vững tin và gắn bó với nghề đã chọn.
Chị thường nhắc nhở các thế hệ bác sĩ trẻ hôm nay rằng: Mỗi bệnh nhân đến với mình, đồng nghĩa họ đang trao cả mạng sống, cả tương lai cho mình. Hãy sống cùng cơn đau của bệnh nhân, “thấm” từng niềm vui, nước mắt của người bệnh khi đó các em mới có thể thực sự sống cùng nghề y cao quý.
“Bác sĩ dù có nghèo về tiền bạc, nhưng chúng ta luôn giàu sự kính trọng và tin tưởng của bệnh nhân. Chăm sóc sức khỏe nhân dân nhất định phải kết hợp tốt giữa ứng dụng y học cổ truyền và y học hiện đại” – bác sĩ Lại Lan Phương chia sẻ.
Hưng Vũ