Nông dân Việt Nam tiêu biểu Vy Thị Thanh: “Tôi yêu nông nghiệp bằng tất cả con tim”
03/01/2020 - 14:11

TĐKT - Vốn là hộ nghèo ngoài Bắc di cư vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, vượt qua muôn vàn thử thách, sau 10 năm, nhờ chăm chỉ làm lụng và khéo léo áp dụng mô hình đa canh, giờ đây, gia đình chị Vy Thị Thanh (trú tại Bon Rơ Sông xã Đắk R'Măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Chị vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”.

Chị Vy Thị Thanh tự hào giới thiệu vườn tiêu của mình

Thu tiền tỷ từ sản xuất đa canh

Rời quê hương Thanh Hóa vào Đắk Nông với hai bàn tay trắng, chị quyết định chọn  độc canh cây cà phê để khởi nghiệp. Tuy nhiên, thiếu đất sản xuất, chưa nắm rõ các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, những năm đầu tiên, gia đình chị phải đối mặt với không ít khó khăn, thường xuyên thiếu ăn trong thời gian giáp hạt, nhà cửa tạm bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn... Nhưng tất cả những điều ấy không làm chị Vy Thị Thanh nản lòng, bởi với chị, nông nghiệp chính là tình yêu lớn trong đời.

Chị tâm sự: “Tôi yêu nông nghiệp bằng tất cả con tim. Tình yêu ấy lớn dần theo năm tháng, tuy có nhiều nỗi khó khăn, nhọc nhằn, mồ hôi thấm đẫm trên lưng cứ thế và cứ thế bao lần khô rồi lại ướt. Tôi tự hào là một người nông dân và cảm thấy hạnh phúc biết bao được ngắm nhìn, vuốt ve sản phẩm của mình khi chúng trưởng thành.”

Chị trồng thêm sầu riêng trong vườn cà phê

Để tiếp tục theo đuổi đam mê, cùng với việc nương rẫy, chị tham gia tất cả các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật canh tác, học tập kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi. Từ đó, chị đã tìm ra hướng đi cho gia đình trong phát triển kinh tế.

Thay vì chỉ độc canh cây cà phê, gia đình chị đã gom góp, vay mượn tiền để trồng thêm 1 ha tiêu và áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy từ các lớp tập huấn, hội thảo vào việc canh tác. Nhờ vậy, vườn tiêu của chị xanh tốt, không sâu bệnh. Sau 4 năm vườn tiêu này đã mang lại lợi nhuận hơn 320 triệu đồng cho gia đình chị.

Ngoài ra, chị trồng thêm bơ booth, cho thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm. Trong vườn cà phê, chị cho trồng thêm khoảng 100 cây sầu riêng.

Mới đây, chị tập nuôi gà. Trang trại gà thịt lai chọi và gà Ai Cập đẻ trứng rộng 300 m2 đã mang lại cho gia đình chị thu nhập gần 900 triệu đồng chỉ sau 1 năm.  

Thay đổi tư duy, phát triển bền vững

Chị chia sẻ: “Điều may mắn nhất trong đời tôi đó là được cùng một số hộ dân tham gia vào dự án của Oxfarm nhằm nâng cao vị thế và tiếng nói cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tại đây, tôi đã được gặp gỡ, quen biết với nhiều người, là những người cùng đồng hành với chúng tôi trong suốt chặng đường thay đổi tư duy. Tất cả đều có tấm lòng đầy nhiệt huyết, gần gũi và thân thiện, sáng tạo và bền bỉ, đã khơi dậy trong mỗi chúng tôi niềm tự hào, tự tin.

Khoảng thời gian 5 năm thực hiện dự án trải qua biết bao thăng trầm. Từ những bước chập chững đầu tiên, chúng tôi đã cùng nhau học, cùng nhau thử nghiệm và cùng nhau khám phá những kiến thức mới. Điều chúng tôi có được trong dự án này không chỉ là sự thay đổi về mặt đời sống kinh tế mà còn có những cái nhìn mới về nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống và đặc biệt là tình đoàn kết, bình đẳng và khoan dung. Kiến thức là chìa khóa mở ra cánh cổng để chúng tôi bước tiếp.”

Chị cùng đại diện các tổ, nhóm nông dân trên địa bàn huyện Đắk Glong họp định kỳ và tổ chức tham quan mô hình của nhau.

Từ kiến thức được học, chị nhận thấy việc canh tác theo hướng hữu cơ mang lại nhiều lợi ích to lớn. Lợi ích trước tiên đó chính là bản thân không tiếp xúc với quá nhiều hóa chất độc hại và sản phẩm nông nghiệp làm ra luôn an toàn đối với người sử dụng.

Ở vườn cà phê, mấy năm trước cứ vài lần một năm chị phải xịt thuốc diệt rệp sáp. Xịt xong nó chết được một thời gian ngắn sau đó lại phát sinh ra nhiều hơn. Chị cứ tiếp tục đi mua về xịt, vừa mất tiền mua thuốc, vừa mất công, vừa hại sức khỏe và ô nhiễm môi trường. Sau này, chị mày mò được việc nuôi kiến. Kiến cuốn lá làm tổ ngay trên cây, thích ăn sâu, rệp vô cùng. Khi đàn kiến đã phát triển, xịt thuốc là kiến sẽ chết hết. Vườn cà phê của chị 3 năm không còn xịt thuốc trừ sâu gì nữa, chỉ nhờ có kiến.

Còn khu đất nhà trồng tiêu vốn rất cằn cỗi, chị cải tạo nó bằng cách trồng cây cỏ lạc dại vào giữa các lô. Lạc dại mọc thành thảm, giúp cân bằng sinh thái, chống xói mòn đất, trôi màu đất vào mùa mưa, giữ ẩm đất vào mùa khô, cung cấp độ đạm tự nhiên cho đất. Khi cỏ mọc cao, chị dùng máy quất gọn để chúng phân hủy thành phân. Đất trồng tiêu giờ tơi xốp lại có rất nhiều giun, phân giun lại tốt cho đất.

Không chỉ áp dụng phương pháp hữu cơ cho trồng trọt, trong nuôi gà, chị dùng bồ kết để đốt hun khói trị sổ mũi khò khè và dùng tỏi xay nhuyễn pha nước cho gà uống trị cảm cúm, tiêu chảy. Chị gặp gỡ các cộng đồng người Mơ Nông, vốn là người bản địa tại đây, mời họ trồng trọt các thức ăn rau củ cho gà. Chị mua lại sản phẩm của họ và dùng máy nghiền tự chế biến thức ăn, bớt được một khoản cho thức ăn công nghiệp.

Thấm thía lợi ích của việc sản xuất theo hướng hữu cơ, đầu năm 2018, chị Thanh đã thành lập một nhóm sản xuất theo hướng này. Hiện 15 hộ trong tổ hợp tác mang tên Đại Đồng Thành do chị làm tổ trưởng đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực sau khi áp dụng phương pháp canh tác mới.

Phương Thanh