Nông dân thu tiền tỷ từ chăn nuôi, ấp nở con giống gia cầm
30/10/2024 - 16:47

BTĐKT - Huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) hiện có ba sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, trong đó có sản phẩm “Gà đồi Phú Bình”. Cùng với việc phát triển thương hiệu gà thương phẩm, thì vấn đề sản xuất con giống cũng được huyện chú trọng mở rộng. Một trong những điển hình của huyện về lĩnh vực này không thể không nhắc đến trang trại của chị Nguyễn Thị Cương, hội viên nông dân xóm Việt Ninh, xã Lương Phú, huyện Phú Bình.

Chỉ với bằng Sơ cấp chăn nuôi thú y, nhưng chị Nguyễn Thị Cương đã phát triển mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng, ấp nở gia cầm,với quy mô đầu tư lên tới 100 tỷ đồng, đem về lợi nhuận gần 7 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.

Khởi nghiệp từ chăn nuôi gà từ năm 2006, gia đình chị Cương đã đầu tư xây dựng chuồng trại trên diện tích 300m2, với 500 gà mái đẻ. Chị vừa làm vừa học hỏi qua các lớp tập huấn do các cấp Hội Nông dân tổ chức, qua sách vở và kinh nghiệm của những người đi trước. Nhờ thực hiện nghiêm các quy định về phòng bệnh cho đàn vật nuôi và tính toán hợp lý, nên mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả. Nhận thấy tiềm năng về lĩnh vực phát triển con giống gia cầm, cộng thêm vốn kinh nghiệm tích lũy được, nên đến năm 2008, gia đình chị Cương đã mở rộng quy mô trang trại.

Trong quá trình mở rộng, gia đình chị đã được chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã tạo điều kiện về hồ sơ, động viên các hộ dân liền kề nhượng đất. Vì thế, trang trại của chị đã được mở rộng lên 22.000m2. Nhờ đó, quy mô chăn nuôi được mở rộng, hệ thống chuồng trại được đầu tư đồng bộ.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” và “làm từ nhỏ đến lớn” hiện trang trại của chị Cương đã phát triển tới 10.000 gà mái đẻ và 16.000 gà hậu bị, 10 lò ấp, công suất 1,8 quả/lò. Từ năm 2017 đến nay, trang trại đã xuất bán khoảng 8,5 triệu quả trứng và 6,8 triệu con gia cầm, tại thị trường các tỉnh: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương… Uy tín của trang trại được cải thiện, khi chất lượng con giống luôn đảm bảo. Vì thế, hiện trang trại đã có các đầu mối tiêu thụ là các đại lý ở các tỉnh miền Bắc.

https://khason.phubinh.thainguyen.gov.vn/documents/1141327/8515813/Ba+Cuong1.jpg/e620a508-8565-4c52-966c-377ac7a77b60?t=1658112112032

Trung bình cứ 2 ngày trang trại xuất ra thị trường từ 4.500- 5.500 con gà giống.

Từ nhiều năm nay trang trại của áp dụng kỹ thuật phối tinh cho gà mái. Đây là yếu tố mang tính chất quyết định đến sự phát triển của trại giống. Nhờ cách làm này, tỷ lệ trứng nở đạt từ 85 - 95%, cao hơn từ 15 - 20% so với cách phối giống truyền thống.

Ngoài hệ thống chuồng được đầu tư đồng bộ, trang trại còn áp dụng nghiêm quy trình về phòng, chống dịch bệnh như: Tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi; đàn gia cầm được ăn, uống hợp vệ sinh, đủ định lượng, không dùng chất kích thích; hệ thống chuồng trại được xây dựng khép kín, để có thể tự động điều chỉnh nhiệt độ thích hợp chăn nuôi gà đẻ; sử dụng đệm lót sinh học và định kỳ phun khử trùng tiêu độc mỗi tuần một lần. Nhờ đó, đàn vật nuôi khỏe mạnh, sản lượng trứng cao và chất lượng con giống luôn được đảm bảo.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, nhiều năm qua, chị Cương còn tư vấn, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi, cho hàng trăm lượt hộ nông dân ở địa phương; tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và khoảng 25 lao động thời vụ tại địa phương có thu nhập ổn định, với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

Còn ông Nguyễn Văn Thực xóm Việt Ninh, xã Lương Phú bộc bạch: Trước đây vợ chồng tôi chỉ chăn vài chục con gà thả rông, nhưng được chị Cương tư vấn về kỹ thuật, ứng trước toàn bộ con giống, thức ăn chăn nuôi và thu mua sản phẩm, nên vợ chồng chúng tôi đã ngoài 70 tuổi nhưng đã đầu tư chăn nuôi gà mái đẻ với quy mô lên tới 1.200 con. Nhờ có chăn nuôi, mà đến nay cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn trước rất nhiều và có phần tích lũy.

Gia đình ông Thực chỉ là một trong số 9 hộ gia đình được gia đình chị Cương hỗ trợ để phát triển chăn nuôi. Tính từ năm 2017 đến nay chị Cương đã trợ giá thức ăn chăn nuôi cho 9 hộ gia đình, với số tiền trên 1,4 tỷ đồng.

https://khason.phubinh.thainguyen.gov.vn/documents/1141327/8515813/Ba+Cuong+2.jpg/3c3537d2-55ec-4682-9628-6160f1b9ccc6?t=1658112191617

Trong suốt quá trình nuôi, ông Thực( người ngoài cùng bên phải) luôn được chị Cương hướng dẫn kỹ thuật.

Bà Dương Thị Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình nhận xét: Nhắc đến hộ chị Nguyễn Thị Cương, người dân địa phương không chỉ biết đến là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu, mà gia đình chị còn luôn gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Nhiều năm qua, chị Cương đã tích cực đóng góp cho các cuộc vận động: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; các phong trào từ thiện nhân đạo do Hội Nông dân các cấp và chính quyền địa phương phát động, trị giá cả trăm triệu đồng. Riêng ủng hộ các loại quỹ từ thiện, nhân đạo, tặng quà cho hội viên nghèo trên địa bàn huyện với trị giá từ 10 - 12 triệu đồng/năm.

Với những kết quả đạt được, chị Nguyễn Thị Cương đã ba lần được Thủ tướng Chính Phủ tặng Bằng khen; đạt danh hiệu Nông dân xuất sắc toàn quốc; được nhận Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2017, cùng nhiều thành tích khác do các cấp chính quyền và Hội Nông dân khen thưởng.

Gần 20 năm khởi nghiệp, những khó khăn, thử thách đã tôi luyện cho bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới của chị Cương, một người phụ nữ nông thôn đã mạnh dạn để bắt nhịp với nền kinh tế thị trường, áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất để làm giàu cho gia đình và hỗ trợ những hội viên nông dân khác cùng phát triển.

Nguyễn Chi