Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thu tiền tỷ từ chăn nuôi gà đẻ trứng
23/02/2021 - 15:28

TĐKT - Với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, ông Nguyễn Văn Đường là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng của thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Với mô hình chăn nuôi gà mái đẻ và ấp nở gia cầm, gia đình ông thu về lợi nhuận mỗi năm trên 2,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đường vận hành dây chuyền tự động cấp thức ăn cho gà

Phú Bình là huyện trung du, miền núi nằm ở phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Mặc dù công nghiệp đang phát triển, song tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn chiếm số lượng lớn. Huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất về nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, gia cầm; đường giao thông đi lại cơ bản thuận lợi; nhân dân có truyền thống lao động cần cù, năng động, sáng tạo, vượt khó vươn lên.

Ông Nguyễn Văn Đường cho biết: “Qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, chúng tôi hết sức tâm đắc, qua đây mọi người thi đua nhau tăng gia sản xuất; người nghèo thì cố gắng làm ăn vươn lên thoát nghèo, người khá thì đủ ăn, đủ mặc và cố gắng phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn.”

Ông Đường gắn bó với nghiệp buôn trứng từ cách đây hơn 30 năm. Ngày ấy, chỉ với chiếc xe cà tàng cũ kỹ, ông rong ruổi khắp làng trên xóm dưới trong huyện chở trứng thuê cho các cơ sở ấp nở gia cầm. Dần dần, thấy đây là một nghề cho thu nhập khá, ông bắt đầu đi buôn trứng, nhập số lượng lớn và giao lại cho các cơ sở ấp nở. Đến năm 2004, được Hội Nông dân thị trấn Hương Sơn tạo điều kiện cho đi học tập kinh nghiệm thực tế, tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, vay thêm từ người thân, bạn bè, ông mạnh dạn mở một lò ấp gia cầm với công suất 6.000 - 8.000 quả trứng.

Để chăn nuôi có hiệu quả, ông cũng đã đăng ký các lớp tập huấn kiến thức về quy trình chọn giống bố mẹ và cách phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh cho gia cầm… do Hội Nông dân và các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức.

Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà mái đẻ và ấp nở gia cầm của gia đình ông có quy mô 2 chuồng nuôi với diện tích 1.200 m2, được thiết kế hoàn toàn tự động, có hệ thống giàn mát điều chỉnh nhiệt độ mỗi chuồng, nuôi 6.000 gà đẻ/chuồng, tỷ lệ đẻ đạt 75%. Mỗi ngày gia đình ông thu khoảng 4.500 quả trứng, bình quân một tháng khoảng 13.000 quả. Quy mô 28 lò ấp nở gia cầm, công suất 15.000 trứng/lò, một năm ấp khoảng 5,24 triệu quả trứng gà lai chọi, gà mía, số lượng gà giống xuất ra thị trường khoảng 4,25 triệu con/năm. Theo ông Đường, việc lựa chọn con giống phải được tuyển chọn kỹ càng, đảm bảo chất lượng và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ thì tỷ lệ nở mới cao, con giống có khỏe mạnh thì khi đưa ra thị trường mới có uy tín và được chấp nhận.

Lợi nhuận gia đình ông thu được hàng năm sau khi đã trừ chi phí khoảng 2,74 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 685 triệu đồng/người/năm.

Ngoài việc tập trung cho phát triển sản xuất, kinh doanh, ông và gia đình thường xuyên giúp đỡ các hộ khó khăn về giống và vốn. Trong 5 năm 2015 - 2020, gia đình ông đã tạo điều kiện cung cấp con giống, hỗ trợ về tiền vốn không lấy lãi với tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng cho 34 hộ gia đình. Đồng thời, hỗ trợ cho 17 hộ chăn nuôi gặp khó khăn về vốn để mua con giống và xây dựng chuồng trại trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với tổng số tiền là 1,19 tỷ đồng, không lấy lãi. Ông còn  giúp cho 7 hộ nghèo tại địa phương vay không lấy lãi số tiền hơn 1,5 tỷ đồng để làm nhà ở.

Với quy mô sản xuất của gia đình, trong những năm qua, ông đã tạo thêm việc làm thường xuyên có mức thu nhập ổn định cho khoảng 13 - 15 lao động với lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm cho 25 - 30 lao động theo mùa vụ với tiền công 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình ông còn luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, gương mẫu thực hiện và tuyên truyền đến mọi người dân cùng thực hiện tốt nội quy, quy ước của địa phương; luôn đoàn kết thống nhất và đề xuất với tổ dân phố làm tốt công tác vận động, tuyên truyền thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội và pháp luật về giao thông.

Ông tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương và luôn đi đầu trong các phong trào như: Tết vì người nghèo, ủng hộ quỹ vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ quỹ hạnh phúc người mù, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và quỹ hỗ trợ nông dân; ủng hộ các tỉnh miền Trung bị xâm ngập mặn; vận động quỹ tôn tạo các di tích lịch sử Hội Nông dân, các loại quỹ do địa phương phát động hàng năm từ 15 - 17 triệu đồng.

Với những kết quả ấy, năm 2015, ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; năm 2017, 2019 được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen; năm 2019 được công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Đồng thời được tặng nhiều Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Phú Bình.

Nguyệt Hà