TĐKT - Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Chính phủ xác định, để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội.
Chiếm hơn 65 phần trăm dân số của cả nước, lực lượng nông dân có vai trò quan trọng, góp phần hiện thực hóa nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 như Chính phủ đã đề ra, thời gian qua, lực lượng nông dân Việt Nam đã tích cực tham gia công tác phát hiện và điều trị bệnh lao trong cộng đồng bằng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Nhờ đó, số người mắc bệnh lao trong cộng đồng có xu hướng giảm dần, số bệnh nhân lao được điều trị khỏi ngày một tăng.
Tại tỉnh Thái Bình, triển khai kế hoạch phòng, chống lao giai đoạn 2021 - 2023, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện 3 chương trình gồm: Tự duy trì hoạt động mô hình “Chi hội nông dân phát hiện sớm người nghi mắc bệnh lao”; vận động nông dân nghi mắc bệnh lao đi khám và điều trị bệnh lao (thí điểm tại 15 xã); triển khai chương trình M.health hỗ trợ điều trị bệnh lao qua tin nhắn điện thoại di động và thực hiện chương trình thăm khám bệnh lao tại nhà tại một số huyện.
Ông Vũ Văn Sáu thường xuyên được cán bộ y tế xã đến kiểm tra sức khỏe định kỳ tại nhà.
Theo đó, chỉ tính riêng trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022, cán bộ Hội Nông dân và cán bộ y tế cơ sở đã nhiệt tình, trách nhiệm giúp được hơn 620 người trên địa bàn tỉnh chữa khỏi bệnh lao, kịp thời phát hiện và vận động đi điều trị 438 người, tổ chức khám sàng lọc được hơn 2.800 người.
Ông Vũ Văn Sáu, xã Đông Các (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cũng từng bị người nhà xa lánh vì mắc bệnh lao. Nhưng sau khi được cán bộ hội nông dân đến tận nhà tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, ông tham gia điều trị nên cảm thấy bớt mặc cảm và yên tâm chữa bệnh. Đến nay ông đã khỏi bệnh, cuộc sống đã trở lại bình thường và đi làm như trước. “Hàng tháng tôi vẫn nhận được tin nhắn thông báo qua điện thoại để đi khám sức khỏe định kỳ. Tôi rất cảm ơn cán bộ hội nông dân đã đồng hành cùng hội viên lúc khó khăn, giúp đỡ những bệnh nhân lao như tôi vượt qua bệnh tật.” – Ông Sáu chia sẻ.
Tại Bắc Giang, nhờ mô hình “Nông dân phòng, chống lao”, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều được tuyên truyền, tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và chính xác về bệnh lao giúp nhận thức của người dân về bệnh lao được nâng lên.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân lao đã được tiếp nhận điều trị bằng nhiều kỹ thuật mới để chẩn đoán bệnh lao/lao kháng thuốc như: Hệ thống máy xét nghiệm Gene-Xpert, máy chụp cắt lớp, hệ thống máy nội soi, máy thăm dò chức năng hô hấp để chẩn đoán sớm bệnh lao...
Trong năm, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 9.300 lượt người được tư vấn hỗ trợ các thông tin, kiến thức về phòng, chống lao; vận động 4.050 người nghi mắc lao đi khám. Nhờ đó, đã phát hiện kịp thời được 199 người mắc lao mới; 70 người người mắc lao AFB (+); có 679 người mắc lao điều trị theo DOTS; 156 người mắc lao ngoài phổi; 2 người mắc lao/HIV; 7 người mắc lao kháng thuốc. Tỷ lệ khỏi bệnh lao đã đạt 98%.
Xe X- quang lưu động đến tận địa phương để thực hiện sàng lọc bệnh lao cho người dân
Được biết, không chỉ tại Bắc Giang, Thái Bình mà nhiều địa phương khác trên cả nước, các cấp Hội Nông dân cũng triển khai hiệu quả và sáng tạo các mô hình tham gia phòng, chống lao cộng đồng như: Tổ phòng, chống lao của Hội Nông dân Vĩnh Phúc, mô hình "Nông dân phòng, chống lao" tại Cần Thơ…
Theo đánh giá của đại diện Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI): Sự quyết tâm và triển khai đa dạng các mô hình, sáng kiến trong phòng, chống lao của các cấp Hội Nông dân ở mỗi một địa phương là vô cùng quan trọng, góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn đến với mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Năm 2022, Dự án tăng cường hệ thống cộng đồng phòng, chống và chấm dứt bệnh lao đã được triển khai tại 7 tỉnh/thành phố: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Hải Phòng, Nghệ An; đã tổ chức sàng lọc cho gần 24.000 người dân. Hệ thống cộng đồng chấm dứt bệnh lao (CSET) ở 6 tỉnh đã được thiết lập và nâng cao năng lực, đến nay đã có 428 thành viên, trở thành nguồn lực nhân lực quan trọng trong chủ động tìm ca, hỗ trợ đưa vào và tuân thủ điều trị.
Mạng lưới CSET tầm soát lao tại cộng đồng
Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam bệnh lao không chỉ xảy ra và tập trung ở một vài địa phương mà ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có người mắc lao và tử vong do lao. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
Vì vậy, theo đại diện của SCDI, cần phải phát hiện ngay, phát hiện thật sớm người mắc bệnh lao, đây là nhiệm vụ trọng tâm nhất để tiến tới chấm dứt được căn bệnh này năm 2023. Dự kiến, sẽ triển khai hoạt động sàng lọc lao cộng đồng tại các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Bình Phước.
Mai Thảo