Nhà khoa học nữ luôn đi trước, đón đầu với nhiều sáng kiến phát triển kinh tế miền núi
18/09/2020 - 11:07

TĐKT - Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, khô cằn, trong gia đình bố là quân nhân, mẹ là công nhân, chính nhờ những giọt mồ hôi của cha, bàn tay dãi dầm mưa nắng của mẹ đã tiếp thêm ý chí cho PGS. TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. Với sự mạnh mẽ, khát khao khám phá, nghị lực vươn lên, chị đã vượt qua khó khăn, thành tài để mang nhiều công trình giúp ích cho quê hương, đất nước.

PGS. TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên say sưa trong công tác chuyên môn

PGS. TS Trần Thị Thu Hà là một người phụ nữ thông minh, nhanh nhẹn, gần gũi, thân thương, lúc nào cũng là người năng động, luôn đổi mới, sáng tạo, đi trước, đón đầu các sáng kiến khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế, nhất là kinh tế miền núi. Chị chia sẻ, tuổi thơ đến trường của chị đã có sự gắn bó với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá. Là một học sinh giỏi môn Vật lý của tỉnh Nghệ An trong suốt 3 năm THPT nhưng vào đại học, chị lại học chuyên ngành Lâm sinh như một cơ duyên với nghề. Từ vùng quê miền núi, chị thấu hiểu hơn mối quan hệ hữu cơ giữa con người và môi trường sinh thái, vấn đề sinh kế của người dân gắn liền với rừng. Thu nhập chính của đồng bào miền núi là các sản phẩm phụ từ rừng như các loài rau quả rừng, các cây thuốc quý, mây tre…

Tốt nghiệp đại học, chị Hà bắt đầu làm việc với rất nhiều tổ chức quốc tế như CARE, UNDP, GTZ, Ausaid… về các chương trình dự án liên quan đến phát triển sinh kế của người dân phụ thuộc vào rừng ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Với những vị trí làm việc đã qua từ cán bộ hiện trường cho đến chuyên gia quốc gia, chị luôn đau đáu tự hỏi: "Tiến trình đổi mới của đất nước rất thành công ở vùng đồng bằng, sao lại chậm và khó khăn thế đối với vùng cao?".

PGS. TS Trần Thị Thu Hà tại mô hình thí nghiệm nghiên cứu Sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My, Quảng Nam

Ngay khi học xong tiến sĩ tại Đại học quốc gia Úc, chị bỏ qua hết tất cả các cơ hội tốt đẹp nhất phía trước dành cho minhg với những khoản thu nhập “khủng” từ nước bạn để lựa chọn trở về quê hương, mong muốn đóng góp cho khoa học ứng dụng các tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn.

Trong suốt nhiều năm nay, để tìm hiểu chính sách cho phát triển lâm nghiệp và sinh kế vùng cao với các yếu tố đặc thù, chị đã thường xuyên có những chuyến công tác dài ngày đến vùng cao. Thời gian của chị ở trên đường, đến các tỉnh nhiều hơn là ở nhà. Xe ô tô của chị đi một ngày hàng nghìn km là chuyện bình thường.

Càng gặp bà con nông dân, cán bộ và lãnh đạo ở vùng cao, chị càng thấu hiểu được nỗi lòng, mong muốn của họ. Đó chính là lý do thúc đẩy chị có những nghiên cứu sáng tạo có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn cho người dân địa phương và đưa ra các kế sách cho các nhà quản lý nơi đây. Theo đó, việc đột phá đưa giống tốt vào sản xuất được xem là hướng ưu tiên cho nghiên cứu khoa học của chị Hà.

PGS. TS Thu Hà hướng dẫn học trò trong phòng thí nghiệm

Hơn 30 năm qua, từ khi bước vào trường đại học cho đến nay, việc nghiên cứu khoa học và sáng tạo luôn là niềm đam mê với PGS.TS Thu Hà. Là học sinh giỏi xuất sắc qua tất cả các bậc từ phổ thông, trung học, đại học và sau đại học nhưng chị luôn nuôi trong mình ước mơ được làm khoa học và luôn tìm cho mình một cách đi riêng mang tính sáng tạo có khả năng ứng dụng được trong thực tiễn. Bản thân chị đã làm được điều đó, biến ước mơ từ khi ngồi trên ghế nhà trường của mình thành hiện thực.

Chị vui vẻ kể lại khoảng thời gian nghiên cứu của mình, một chặng đường đầy khó khăn, vất vả, đó là chuyến đi rừng dài ngày, những cơn mưa rừng và vắt cắn, muỗi cắn, ngã xe, đói khát, rét mướt… Chưa kể, chị còn phải thế chấp cả toàn bộ gia sản để phục vụ cho đam mê nghiên cứu của mình.

Khó khăn là vậy nhưng chị không hề chùn bước, vẫn luôn miệt mài nghiên cứu và đưa ra nhiều đề tài hóc búa như: Nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ và dược liệu có tính ứng dụng cao tập trung vào lĩnh vực chọn giống và nhân giống một số loài cây dược liệu quý của Việt Nam có giá trị kinh tế cao và có nguy cơ bị tuyệt chủng và trong sách đỏ Việt Nam như các loài: Lan kim tuyến, gừng gió, giảo cổ lam, đinh lăng, khôi tía, tam thất, trà hoa vàng, sa nhân tím, hoàng tinh đỏ, thất diệp nhất chi hoa...

Rồi các dự án cấp quốc gia “Hoàn thiện công nghệ nhân giống in vitro và nuôi trồng một số cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao lan kim tuyến, đinh lăng và gừng gió”, thuộc Chương trình 592 (Bộ Khoa học và Công nghệ) năm 2015 - 2016. Kết quả đã chọn tạo được các giống dược liệu quý có hàm lượng dược tính cao, khả năng kháng bệnh tốt. Đồng thời, tạo được vườn giống gốc, hoàn thiện được 3 quy trình công nghệ nhân giống in vitro cho hệ số nhân giống cao, chất lượng ổn định phục vụ sản xuất quy mô công nghiệp.

Bên cạnh đó, chị còn là chủ nhiệm đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gien mai cây tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, thuộc Chương trình Quỹ gien quốc gia (2017 - 2020), đã xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về nhân giống, trồng thâm canh, khai thác và sơ chế măng mai; xây dựng các mô hình vườn sưu tập kết hợp khảo nghiệm giống mai cây và mô hình trồng thâm canh lấy thân và măng.

Đề tài của chị đã giúp cho các địa phương khai thác và phát triển được nguồn gien mai cây có năng suất, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu ở địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang tạo ra giá trị lớn cho người trồng rừng có thể thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm (măng, lá, giống cây con) ở các vùng núi cao. Đây là một mô hình triển vọng vừa cho thu nhập cao, vừa bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

Đặc biệt, hiện nay, PGS. TS Trần Thị Thu Hà tập trung vào ứng dụng sinh học phân tử, hóa sinh trong việc lựa chọn, lai tạo những giống dược liệu quý có hoạt tính cao để tạo ra giống tốt với quy mô công nghiệp giúp phát triển ngành dược liệu của Việt Nam.

PGS. TS Trần Thị Thu Hà (thứ hai từ phải qua) nhận giải thưởng Kovalevskaia

Tiếp theo đó, chị đã chủ nhiệm thành công đề tài khoa học cấp Quốc gia “Nâng cao năng lực nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống loài dược liệu thông đất quý hiếm, có giá trị kinh tế cao trên quy mô công nghiệp phục vụ bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững”; chủ trì 2 đề tài nghiên cứu thuộc Quỹ tài trợ cho các nhà khoa học trẻ quốc tế (IFS) về đánh giá tác động của chính sách “Đổi mới” đến quản lý rừng và cộng đồng vùng cao ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Chị đã đưa ra các giải pháp phát triển sinh kế cho người dân như: Trồng rừng, đa dạng các loại cây trồng trên một đơn vị diện tích, trồng thâm canh và xen canh các loại cây đặc sản tạo thu nhập cao kết hợp tạo nguồn sinh thủy, mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây dược liệu dưới tán rừng...

Ngoài ra, chị còn là tác giả của nhiều đề tài xây dựng các chiến lược, định hướng phát triển lâm nông lâm nghiệp, phát triển rừng bền vững, sinh kế người dân vùng cao cho nhiều địa phương trong cả nước.

PGS. Hà đã ứng dụng các công nghệ thông tin giúp ngành, địa phương trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành như “Xây dựng cơ sở dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp ở Việt Nam”. Đã có 21 quy trình nhân giống và nuôi trồng loài cây gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được áp dụng vào thực tiễn. Các quy trình được ứng dụng thông qua chuyển giao khoa học kỹ thuật vào các dự án tập trung trên các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung.

Trong những năm qua, chị còn là người đỡ đầu định hướng khoa học cho các doanh nghiệp khoa học, giúp hàng trăm tân kỹ sư là dân tộc thiểu số, phụ nữ làm chủ công nghệ về lĩnh vực giống, nông lâm nghiệp. Trong số này có 5 nữ dân tộc thiểu số đã ươm tạo trở thành giám đốc, phó giám đốc công ty, hợp tác xã.

Đồng thời chị là trưởng nhóm chuyên gia triển khai hàng trăm hoạt động tư vấn chuyển giao khoa học công nghệ cho các dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh và các tổ chức quốc tế ở các vùng núi xa xôi hẻo lánh. Dự án tập trung vào đối tượng người nghèo ở 26 tỉnh, thành trong cả nước.

Ngoài việc nghiên cứu, chị Hà còn tham gia viết báo, chị đã có 20 bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài; 35 bài được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước. Chị cũng là người tích cực tham gia giảng dạy và hướng dẫn các luận văn thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ…

Trong đào tạo, chị cũng có cách suy nghĩ riêng, theo chị, người thầy luôn phải tự thay đổi, không đơn thuần là người dạy từ sách vở, mà phải là người vừa có kiến thức lý thuyết, thực tiễn, khoa học ứng dụng, vận dụng, định hướng để đáp ứng được những cái đích của người học.

Trong suốt thời gian công tác, PGS. TS Trần Thị Thu Hà đã ghi dấu ấn đậm nét đối với ngành lâm nghiệp, trồng rừng ở Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, chị đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quý: Năm 2020, chị được nhận “Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019” của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; giải thưởng “Bài báo xuất sắc về Tương lai Lâm nghiệp ở châu Á và Thái Bình Dương” do Tổ chức FAO tặng. Nhiều năm liền chị được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao tặng.

Hồng Thiết