Người thương binh mù hai mắt với ý chí kiên cường vượt lên chính mình
26/07/2019 - 14:12

TĐKT - 20 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Lê Hữu Trạc (sinh năm 1941, tại thôn Xuân Ninh, Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc đời ông giống như một bản tình ca đẹp về ý chí và nghị lực phi thường, không còn đôi mắt sáng nhưng ý chí, nghị lực của ông luôn sáng như sao.

Cuộc chiến tranh đau thương đã đi qua, mang trên mình thương tật với đôi mắt mù vĩnh viễn nhưng người thương binh Lê Hữu Trạc luôn lạc quan, yêu đời và sống hết mình vì lý tưởng cách mạng với ý chí, nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, “thương binh tàn nhưng không phế”.

Thương binh Lê Hữu Trạc tại buổi giao lưu Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019

Ông Lê Hữu Trạc vẫn nhớ như in cuộc chiến đấu khốc liệt năm xưa. Ngày mới nhập ngũ, ông được phân về Đại đội Lê Hồng Phong, Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 341. Tuyến lửa Vĩnh Linh là nơi đơn vị ông đóng quân. Đại đội Lê Hồng Phong là đơn vị bảo vệ giới tuyến 17, vì vậy mỗi cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn được xem như những hạt giống đỏ của sư đoàn.

Năm 1965, Mỹ đánh phá ra miền Bắc và đảo Cồn Cỏ luôn nằm trong tầm ngắm xâm chiếm của địch. Bởi lúc bấy giờ địch xem đảo Cồn Cỏ như “mắt thần trên biển”. Cồn Cỏ trở thành vị trí tiền tiêu cho cả miền Bắc trong kháng chiến bởi vì khi vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền đất nước thì vị trí của đảo Cồn Cỏ nằm vào 17008’15’’ tới 17010’05’’ vĩ độ Bắc gần như liền kề với đường giới tuyến.

 Âm mưu của địch là chiếm đảo Cồn Cỏ để làm bàn đạp thâm nhập vào hậu phương miền Bắc, đồng thời tất cả máy bay khi bay ra miền Bắc ném bom đều phải bay qua đảo Cồn Cỏ, vì vậy Cồn Cỏ trở thành mục tiêu hủy diệt, xâm chiếm của địch.

Năm 1965, lãnh đạo Đại đội Lê Hồng Phong nhận lệnh của cấp trên lựa chọn một Trung đội lên đường ra giữ đảo Cồn Cỏ. Tất cả các Trung đội trong Đại đội Lê Hồng Phong đều viết tâm thư bằng máu xin ra bảo vệ đảo. Tất cả người lính đều xung phong với tinh thần bất khuất.

Trong chuyến hành trình ra đảo Cồn Cỏ để chiến đấu, giữ vững đảo, ông và các đồng đội trước khi ra đảo phải cạo trọc đầu để khỏi phải gội đầu, bớt việc tiếp tế cho hậu phương vì ở đảo rất hiếm nước ngọt. Khi tất cả các Trung đội đều viết tâm thư bằng máu, thì sáng kiến cạo trọc đầu của đơn vị Lê Hữu Trạc đã giúp lãnh đạo đơn vị dễ dàng hơn trong việc lựa chọn những người ra đảo.

Lúc đầu Trung đội của Lê Hữu Trạc được phân công ra giữ đảo 2 tháng, nhưng sau đó, lãnh đạo đơn vị quyết định để toàn Trung đội ở lại tiếp tục giữ đảo bởi như lời lãnh đạo của Sư đoàn 341 “nếu đơn vị nào cũng như Đại đội Lê Hồng Phong thì không cần Chính trị viên làm công tác tư tưởng”. Khi nhắc về ngày đầu ấy, ông vẫn nhớ như in và cảm tưởng như mới diễn ra đâu đây, ký ức ùa về làm ông không khỏi xúc động.

Ông nhớ rõ từng chi tiết, ngày đấy Trung đội chỉ có 30 người, ngoài nhiệm vụ chiến đấu, những người lính trên đảo còn phải xây dựng đảo trở thành một trạm ra đa trên biển của miền Bắc; hàng ngày, phải nắm được số lượng tàu địch tăng hay giảm, lượng máy bay cất cánh ra bắn phá miền Bắc…

Mặc dù trở thành mục tiêu hủy diệt, song kỳ lạ thay dù đạn bom thiêu sạch cây cỏ, đảo thân trần trơ trụi ra giữa nắng giữa gió nhưng những con người trên đảo vẫn kiên gan bám trụ. Có lúc địch đưa tàu bao vây đảo, suốt 6 tháng liền các tàu tiếp tế của ta không thể ra đảo, ông Lê Hữu Trạc luôn động viên đồng đội “Thà hy sinh chứ không để mất đảo”.

Từ những lời động viên của Trung đội trưởng bộ binh Lê Hữu Trạc, anh em trên đảo đã luôn giữ vững khí thế chiến đấu với kẻ thù. Chỉ trong vòng 3 năm, từ 1965 đến 1968, các đơn vị bộ đội đóng trên đảo Cồn Cỏ đã bắn hạ được 48 máy báy (trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch.

Nhiều đồng đội của ông Lê Hữu Trạc đã được phong thành Anh hùng, chính họ đã góp chiến công làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng bất diệt của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Đó là trinh sát Anh hùng Thái Văn A lên đài quan sát, mặc dù bị thương do mảnh bom của máy bay Mỹ, anh đã tự băng bó vết thương để bám trụ chứ nhất định không chịu rời trận địa, tiếp tục quan sát hoạt động máy bay địch, góp phần cùng đơn vị bắn rơi hai máy bay vào ngày 11/3/1965.

Người lính pháo binh Nguyễn Tăng Mật bị pháo địch vùi lấp, nhưng khi vừa tỉnh lại lên trận địa, thấy 2 khẩu pháo bị hỏng từng bộ phận, anh đã dùng bộ phận của khẩu pháo này đưa sang khẩu pháo kia để khẩu pháo vẫn tiếp tục hiên ngang giáng vào đầu địch.

Đó còn là anh hùng Cao Văn Khang, người lính công binh đã hiên ngang đi lại giữa mưa bom bão đạn của kẻ thù để gỡ từng quả bom nổ chậm, từng quả ngư lôi của địch để bảo vệ an toàn cho đồng đội...

Năm 1966, ông Lê Hữu Trạc và đồng đội trên đảo Cồn Cỏ vui mừng nhận thư khen ngợi, động viên của Bác Hồ, và Cồn Cỏ được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Đầu năm 1968, ông Lê Hữu Trạc được đơn vị phân công về đất liền làm Đại đội trưởng Đại đội Lê Hồng Phong. Cùng với đồng đội của mình, ông lại tiếp tục xây dựng đơn vị Lê Hồng Phong trở thành đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng vào năm 1968. Tháng 5/1968, ông Lê Hữu Trạc được phân công làm Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 4, E270, Quân khu IV.

Bất cứ ở vị trí công tác nào, ông Lê Hữu Trạc đều thể hiện rõ sự gan dạ, sáng suốt của người chỉ huy đơn vị, người luôn được đồng đội nể phục, kính trọng.

Cuối năm 1968, địch lên kế hoạch âm mưu đổ bộ ra miền Bắc, trách nhiệm của đơn vị ông lại hết sức nặng nề. Là đơn vị đóng ở giới tuyến nên ông và đồng đội luôn phải đi trinh sát ngay trước họng súng quân thù. Tháng 7/1968, trong lúc đi nghiên cứu địa hình chống địch đổ bộ bằng đường không vào Vĩnh Linh, Quảng Trị, ông Lê Hữu Trạc đã bị bom đạn kẻ thù cướp đi 2 con mắt. Phải xa đồng đội để về lại tuyến sau, nhiều ngày đêm Lê Hữu Trạc giấu nước mắt vào trong gối.

Sau khi về lại tuyến sau an dưỡng vết thương, ông đã về lại Quảng Bình lập gia đình và có 3 người con. Mặc dù không nhìn thấy bằng đôi mắt nhưng ông Trạc vẫn cần mẫn làm việc và vượt khó đi lên. Đến năm 2000, ông làm tờ trình gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thành lập Hội người mù của tỉnh. Để rồi từ khi có hội người mù, hàng trăm thương binh bị mù hoặc con em thương, bệnh binh, cũng như nhiều cháu bị khiếm thị đã có công ăn việc làm, tự nuôi sống bản thân mình.

Mặc dù ở tuổi 78 nhưng ông luôn tìm cách đến động viên con em nhiều gia đình nghèo trong xóm, ngoài thôn cố gắng tu chí học hành và rèn luyện, nhắc nhở con cháu luôn ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đi trước.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, hy sinh, cống hiến cho đời, thương binh Lê Hữu Trạc đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại buổi Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng toàn quốc năm 2019. Ông chính là 1 trong 72 gương thương binh nặng tiêu biểu được biểu dương vào ngày 25/7/2019.

Hồng Thiết