Người thắp lửa ước mơ cho trẻ em nơi đảo xa
07/01/2020 - 09:02

TĐKT - Gần 10 năm gắn bó với người dân trên đảo Hòn Chuối (Cà Mau), tới nay, điều mà Đại úy Trần Bình Phục, Đội phó Đội Vận động Quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối thấy tâm đắc nhất chính là đã làm thay đổi được nhận thức của bà con trên đảo về việc học. Giờ đây, họ đã ý thức được rằng học tập là một việc quan trọng, chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời con em họ.

Thầy giáo trẻ và lớp học đặc biệt trên đảo

Hòn Chuối là một hòn đảo cách đất liền khoảng 18 hải lý. Ở đây có 54 hộ/173 khẩu, trong đó có 8 hộ/20 khẩu là người dân tộc Khmer sinh sống; có 3 lực lượng đứng chân đó là: Đồn Biên phòng Hòn Chuối, Trạm Ra đa 615 Hải Quân và Trạm Hải Đăng.

Trên đảo không có điện, đường, trường, trạm và nước ngọt sinh hoạt; đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, đặc biệt là trẻ em không được đến trường tiếp cận với con chữ.

Từ thực trạng trên, thực hiện chủ trương của Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và cấp ủy, chỉ huy đơn vị về việc nâng cao chất lượng trường lớp, xóa mù chữ cho trẻ em nghèo trên đảo, Đại úy Trần Bình Phục đã xung phong tổ chức thực hiện và đứng lớp giảng dạy.

Kỷ niệm của những ngày đầu đứng lớp vẫn còn in đậm trong tâm trí người thầy mang quân hàm xanh. Anh kể: “Ngày đầu tiên đứng lớp, thầy bỡ ngỡ, trò lại càng bỡ ngỡ hơn; từ viên phấn đến cây thước kẻ, bút chì…tất cả đều lạ lẫm với những đứa trẻ chỉ quen đầu trần, chân đất. Ban đầu, lớp học chỉ có vài em theo học, tôi cùng đồng đội phải mất gần một năm kiên trì mới vận động được hết tất cả các em trong độ tuổi đến trường trên đảo theo lớp học.”

Cơ sở vật chất thiếu thốn. Phòng học tạm bợ, xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Mùa khô thì nắng nóng như đổ lửa, mùa mưa thì trong lớp cũng như ngoài trời do bị dột nát. Đại đa số các em đều không biết đọc, biết viết, độ tuổi, nhận thức không đồng đều…

Vượt lên tất cả, bằng niềm tin, ý chí, nghị lực và trách nhiệm của một người lính, được sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, anh càng thêm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

 

Thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục cùng học trò đến lớp học tình thương. (Ảnh: Lê Khoa)

“Tôi xác định rằng việc dạy chữ phải gắn liền với việc xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, để tạo sự đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa nhân dân với lực lượng bộ đội biên phòng. Vì vậy, tôi càng quyết tâm hơn, trước hết tập trung điều chỉnh, chia lớp học thành nhiều nhóm khác nhau trong cùng một gian phòng, soạn giáo án giảng dạy và lớp học ghép cũng được bắt đầu hình thành từ đó.” – Đại úy Trần Bình Phục chia sẻ.

Năm đầu, anh vừa dạy chữ vừa tập trung khắc phục, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất trong lớp và dần dần lớp học đi vào nền nếp ổn định hơn. Anh cho biết, để đến được lớp học, hàng ngày, các em nhỏ phải leo 303 bậc thang dốc thẳng đứng; điều kiện địa hình thời tiết khắc nghiệt, các em đi lại không đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa mưa. Chính vì vậy, anh phải chủ động đến tận nhà ở để đón các em đi học và đưa về sau những buổi tan trường.

Điều khó khăn nhất là đi vận động, nói cho bọn trẻ hiểu rồi còn thuyết phục cả gia đình các em. Ở đây, trẻ nhỏ xíu đã là lao động trong gia đình, cha mẹ mang theo khi ra khơi. Để nó tới trường là trẻ đói, gia đình người ta cũng đói. Trần Bình Phục nghĩ ra cách nói với tiệm tạp hóa ở trên đảo, nếu có trẻ nhỏ đói quá, tiệm cứ bán chịu mì gói, bánh kẹo, nước ngọt cho chúng. Tới kỳ lĩnh lương, anh sẽ gửi trả cho tiệm.

Để các em có điều kiện tham gia học tập, anh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm ủng hộ về cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập, tặng quần áo, sách vở, dụng cụ học tập trị giá hàng chục triệu đồng.

Đến năm 2016, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí vận động của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Cà Mau và sự giúp sức của lực lượng thanh niên tình nguyện, ngôi trường trị giá 500 triệu đồng được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết cơ bản trường và lớp học trên đảo.

Nhiều năm qua, lớp học được duy trì đều đặn, hiệu quả, các em theo học tăng từng năm. Hiện tại còn 23 em với nhiều lớp khác nhau: 1 em lớp 7; 2 em lớp 6; 4 em lớp 5; 2 em lớp 4; 2 em lớp 3; 1 em lớp 2; số còn lại là lớp 1 và tập làm quen với chữ cái. Đến nay có 100% các em trong độ tuổi đến trường đều được đi học, biết đọc, biết viết.

Cũng từ lớp học nơi đảo xa này, đã có 21 em được chuyển vào đất liền để tiếp tục học tập, đặc biệt có 4 em đã tốt nghiệp đại học ra trường và có việc làm ổn định, đó là những tấm gương để các em còn lại noi theo. Đồng thời, đó cũng là những hạt nhân tương lai góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức, cuộc sống của bà con nhân dân trên đảo, là nền tảng bền vững cùng lực lượng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của Tổ quốc.

Giúp dân an tâm bám đảo

Không chỉ dạy học, Đại úy Trần Bình Phục còn trực tiếp tham mưu cho cấp ủy - chỉ huy đơn vị tìm kiếm mô hình làm kinh tế mới phù hợp với điều kiện tự nhiên đảo Hòn Chuối. Mô hình nuôi cá bóp lồng bè được đưa vào thực nghiệm và thành công ngoài mong đợi. Người dân rất vui mừng, phấn khởi.

Sau gần 10 năm áp dụng mô hình, hiện nay trên đảo có 28 hộ nuôi cá bóp, hơn 128 lồng bè và gần 50.000 con cá giống. Hàng năm xuất ra thị trường gần 300 tấn cá thương phẩm, đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân đảo Hòn Chuối dần được thoát nghèo an tâm bám đảo, chăm lo làm ăn, sản xuất.

 

Đại úy Trần Bình Phục chia sẻ tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến kỷ niệm70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Bên cạnh đó, anh còn tham gia kêu gọi, di dời hơn 8500 lượt tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới an toàn, làm tốt công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Giúp dân hàng trăm ngày công sữa chữa nhà, chuyển ghềnh chạy sóng (2 lần/năm), khắc phục hậu quả sau thiên tai, vệ sinh môi trường ổn định cuộc sống.

Anh trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đặc biệt là Nghị định số 71/2015/NĐ-CP và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; không đánh bắt hải sản vi phạm chủ quyền vũng biển nước ngoài; vận động nhân dân nói không với tệ nạn xã hội … được 25 buổi/1.050 lượt người tham. Qua đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân trên đảo.

Anh cùng Ban Chấp hành chi đoàn lãnh đạo tốt mọi hoạt động công tác Đoàn với nhiều mô hình, công trình, phần việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả như: Mô hình sáng kiến “lò đốt rác tự hủy” thu gom, xử lý rác thải các loại lên đến hàng trăm mét khối, góp phần giải quyết căn bản vệ sinh môi trường xung quanh khu vực đảo; mô hình “nâng bước em tới trường” cũng được phát huy góp phần tích cực trong việc giải quyết một số khó khăn cho các cháu hiếu học có cơ hội tiếp tục đến trường; hay mô hình “tay kéo biên phòng”; mô hình “tổ tàu thuyền tự quản”….

Trong thực hiện nhiệm vụ, anh luôn tìm tòi học hỏi, trao đổi kiến thức với chỉ huy đơn vị, đồng chí đồng đội để từng bước hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tích cực trong công tác xây dựng chính quy, đơn vị vững mạnh toàn diện và xây dựng Chi bộ trong sạch vững mạnh; luôn năng nổ đi đầu trong mọi nhiệm vụ được giao; quyết tâm tham gia xây dựng đơn vị ngày càng chính quy xanh, sạch, đẹp.

Chấp hành nghiêm quy định của đơn vị, phát huy tính tiền phong gương mẫu ở mọi lúc, mọi nơi, Đại úy Trần Bình Phục luôn được đồng chí, đồng đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân tin yêu, tín nhiệm.

Nguyệt Hà