TĐKT - Sinh ra và lớn lên tại Cao Bằng, ở tuổi 52, bác sĩ (BS) Lê Thị Tuyết Chinh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng vẫn luôn nhiệt huyết và say mê với ngành.
BS Chinh là người có nhiều cống hiến cho nền y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng. Từ năm tháng 3/2005, BS Chinh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Bằng lòng yêu nghề và nhiệt huyết với công việc, bà đã đưa bệnh viện đạt nhiều thành tích trong ngành.
BS Lê Thị Tuyết Chinh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng
BS Lê Thị Tuyết Chinh cho biết: Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Cao Bằng là bệnh viện chuyên khoa hạnh II, quy mô giường bệnh là 50 giường với 4 phòng chức năng và 9 khoa, 134 công chức, viên chức, lao động. Thời gian qua, các phong trào thi đua và đã trở thành động lực thúc đẩy công chức, viên chức, lao động bệnh viện phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Quán triệt và thấm nhuần tư tưởng “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” thi đua là động lực phát triển, ngay từ đầu năm, bà đã chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, phát động thi đua trong năm, xây dựng bản tiêu chí chấm điểm thi đua cụ thể cho từng khoa, phòng và các cá nhân của từng bộ phận trong đó có tiêu chí thưởng, phạt rõ ràng. 100% cá nhân trong bệnh viện đã đăng ký thi đua từ đầu năm.
Hàng tuần, bệnh viện tiến hành chấm điểm bình xét thi đua theo thang điểm A, B, C cho từng cá nhân. Hàng tháng bình xét thi đua cho các khoa, phòng theo thang điểm 100 trên cơ sở kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tháng và kết quả bình xét của cá nhân trong phòng khoa.
Kết quả xét thi đua tuần, tháng là cơ sở để chi thưởng, chi thu nhập tăng thêm cho công chức viên chức – lao động theo quý và cũng là cơ sở để xét thi đua khen thưởng cả năm, cả giai đoạn. Việc bình xét, đánh giá, chấm điểm thi đua được giao cho Ban Thanh tra nhân dân chủ trì phối hợp với khoa, phòng thực hiện kiểm tra chéo hàng tuần, hàng tháng đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng.
Để có được thành công như ngày hôm nay, bà Chinh luôn quan niệm, bệnh viện là đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công nên người bệnh đến với bệnh viện là khách hàng, là thượng đế. Mỗi công chức viên chức, người lao động trong bệnh viện đều là người làm chủ, cần có tinh thần thái độ phục vụ người bệnh như phục vụ thượng đế của mình, phải tôn trọng, hiểu rõ, nắm bắt nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của khách hàng để đáp ứng cao nhất trong điều kiện có thể của bệnh viện.
Thời gian qua, bệnh viện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về quy tắc ứng xử, nhiều buổi tọa đàm giáo dục truyền thống nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày truyền thống của ngành y học cổ truyền, ngày thành lập Bệnh viện… Ngoài ra, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về 12 điều y đức và tiêu chuẩn phấn đấu, thi điều dưỡng thanh lịch, thi đua xây dựng “Người thầy thuốc giỏi cũng là mẹ hiền”, thực hiện “3 xây, 3 chống” ” trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện khẩu hiệu “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”, đặt hộp thư góp ý ở tất cả các khoa phòng, thiết lập đường dây nóng, đường dây chăm sóc khách hàng... Kết quả, bệnh viện luôn nhận được những lời cảm ơn, khen ngợi về tinh thần thái độ phục vụ người bệnh tốt.
Bên cạnh đó, bệnh viện tổ chức tốt bếp ăn phục vụ người bệnh, phục vụ cả nhu cầu về nước uống, nước tắm. Đặc biệt những bệnh nhân nặng có hoàn cảnh khó khăn luôn được các y bác sĩ quan tâm về cả vật chất lẫn tinh thần, giúp người bệnh an tâm điều trị.
Với quan điểm “Lấy người bệnh là trung tâm”, bệnh viện luôn quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nhân lực, không ngừng cải tiến, ứng dụng và phát triển thêm các dịch vụ kỹ thuật mới đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Bà vẫn nhớ như in ngày cải tạo lại bệnh viện khi đã xuống cấp, bởi bệnh viện xây dựng từ năm 1999, bà đã chủ động trình cấp trên cấp thêm nguồn vốn sự nghiệp và sử dụng quỹ phát triển của đơn vị để sửa chữa, cải tạo, xây mới một số hạng mục, ưu tiên bố trí các khoa điều trị có đủ buồng bệnh.
Đến nay số giường thực kê đạt 188/150 giường (không kể 42 giường thủ thuật), hạn chế tối đa bệnh nhân phải nằm ghép. Đảm bảo các khoa phòng, buồng bệnh đều có nước sạch, công trình vệ sinh, đủ phương tiện chiếu sáng.
Bà cho xây dựng vườn thuốc nam của bệnh viện có đủ loại cây thuốc mẫu để phục vụ học tập và giảng dạy. Thường xuyên phát động phong trào thi đua xanh, sạch đẹp, đảm bảo cảnh quan môi trường. Từ năm 2010, bệnh viện đã hợp đồng với công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển môi trường đô thị Cao Bằng vệ sinh toàn bộ khuôn viên bệnh viện, vận chuyển và xử lý rác thải trong bệnh viện đảm bảo đúng theo quy trình quy định.
Về trang thiết bị, bệnh viện đã đầu tư một số trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác điều trị như máy sắc thuốc tự động công nghệ Hàn Quốc, máy siêu âm điều trị, điện từ trường, laser châm, laser nội mạch, siêu âm màu, điện tim 6 cần..., cải tiến hệ thống lò hơi sắc thuốc đảm bảo sắc thuốc tất cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú của bệnh viện. Trang bị hệ thống máy tính cho tất cả các khoa, phòng. Trang bị điều hòa nhiệt độ cho phòng đón tiếp bệnh nhân và các phòng phẫu thuật, thủ thuật. Có đủ ghế cho bệnh nhân ngồi chờ tại phòng khám, phòng xét nghiệm và các buồng thủ thuật.
Xác định nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng điều trị, trong 5 năm qua bệnh viện đã cử nhiều cán bộ đi học các lớp về nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, quản lý, chính trị. Hàng năm, tiến hành kiểm tra chuyên môn, tay nghề cho 100% viên chức và người lao động trong bệnh viện. Tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới về phục hồi chức năng, đại trường châm, mai hoa châm…, triển khai thêm hơn 50 kỹ thuật dịch vụ mới.
Bệnh viện đã phát huy được thế mạnh của y học cổ truyền, kết hợp hài hòa y học cổ truyền với y học hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật y học tiên tiến như X quang, điện tim, siêu âm màu, sử dụng laser, điện từ trường, sóng ngắn, tần phổ, hồng ngoại... trong điều trị. Từng bước vững chắc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, điều trị có hiệu quả các bệnh tăng huyết áp, gout, rối loạn lipit máu, xơ vữa động mạch, thoái hóa khớp, viêm đa khớp, di chứng tai biến mạch máu não, xơ gan, sỏi thận, đau thần kinh số V, VII, hông to.
Sưu tầm và bảo tồn được nhiều bài thuốc quý trong dân gian như bài tán sỏi, rong kinh rong huyết, viêm đại tràng mạn, viêm đa khớp dạng thấp... Sử dụng nhiều dược liệu địa phương để sản xuất thuốc y học cổ truyền trực tiếp điều trị cho người bệnh tại bệnh viện để tiết kiệm chi phí điều trị; đồng thời khuyến khích nhân dân nuôi trồng và bảo tồn dược liệu quý tại địa phương góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, bệnh viện đã tiến hành cải tiến quy trình khám bệnh nhằm giảm bớt thời gian đợi khám của người bệnh.
Với sự nỗ lực không ngừng của bà, Bệnh viện Y học cổ truyền được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Giai đoạn 2010 - 2015, Bệnh viện liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, trong đó có 2 Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Cao Bằng, 1 Cờ thi đua của bộ Y tế, 5 bằng khen của UBND tỉnh. Đặc biệt, bệnh viện được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Riêng bản thân bà nhiều năm liền được nhận Bằng khen của Bộ Y tế, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có nhiều thành tích xuất sắc, sáng kiến và đóng góp cá nhân trong hoạt động vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Hồng Thiết