TĐKT - Đến ấp 2 xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) hỏi ông Trần Văn Xuân là ai cũng biết đến. Ông không những là một điển hình vươn lên làm giàu từ tôm thẻ chân trắng mà còn là người có tấm lòng thiện nguyện, luôn gắn bó với công tác từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Trần Văn Xuân
Chia sẻ về khoảng thời gian khó khăn trước khi bắt tay vào đầu tư nuôi tôm, ông Xuân cho biết: Trước đây gia đình tôi có 4 ha ruộng trồng lúa, nhưng ruộng ở đây một năm chỉ làm được một vụ năng suất thấp, trung bình chỉ 3 tấn/ha. Bởi vậy gia đình tôi làm cả năm cũng chỉ đủ trang trải những nhu cầu cơ bản”.
Không cam chịu số phận, ông Xuân trăn trở phải tìm cách để cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu. Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2003, ông bắt đầu chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm.
Thời gian đầu, ông bắt tay vào nuôi tôm sú. Thế nhưng vì liên tục ảnh hưởng thời tiết, giá tôm sú rớt xuống thấp, thường xuyên bị dịch bệnh, năng suất không đạt. Sau đó, ông quyết định chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Theo ông Xuân, thời gian nuôi tôm càng ngắn, thu hoạch tôm càng sớm thì càng tránh được dịch bệnh. Nếu con tôm sú nuôi khoảng 5 tháng thì tôm thẻ chân trắng thì chỉ cần nuôi khoảng 3 tháng. Con tôm rất hay bị dịch bệnh nên càng rút ngắn thời gian nuôi bán tôm càng tốt.
Hiện gia đình ông có 7 ha vuông tôm thẻ chân trắng. Mỗi năm ông làm 2 vụ tôm, mỗi vụ lãi từ 400 - 500 triệu đồng/ha và ông đã trở thành tỷ phú của xã Hiệp Phước.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm thẻ, ông Xuân cho biết, phải thường xuyên theo dõi ao đìa, độ tăng trưởng của tôm nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, biết nắm bắt nhu cầu của thị trường... Trong nghề nuôi tôm, quan trọng là phải xử lý ao đáy tốt, nhất là khâu xử lý nước, xuống giống tôm phải đúng thời vụ và đặc biệt đảm bảo an toàn về môi trường. Điều quan trọng là phải mạnh dạn đầu tư làm ăn, “thua keo này, bày keo khác” thì mới khẳng định được mình.
Thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Xuân tích cực giúp đỡ bà con muốn học hỏi và vươn lên làm giàu từ mô hình này. Ông đã giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật lại cho khoảng 25 hộ nuôi tôm chưa có kinh nghiệm đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, ông còn tặng cho 1 hộ khó khăn về vốn 200.000 con tôm giống thẻ chân trắng trị giá 22 triệu đồng; tặng 3 hộ nghèo và hướng dẫn sử dụng chế phẩm công nghệ sinh học Bồ Đề 688, trị giá 20 triệu đồng. Ông còn bán thức ăn không tính lãi cho 35 hộ, với số tiền 1,75 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Xuân cũng tích cực ủng hộ quỹ “Vì người nghèo, quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”…tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nhà Bè.
Với những đóng góp trong nhiều năm qua, ông Xuân đã được UBND thành phố tặng nhiều Bằng khen. Năm 2014, được tặng Bằng khen về thành tích Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 – 2014; năm 2015 được tặng Bằng khen đạt danh hiệu Nông dân tiêu biểu cấp thành phố. Đặc biệt, ông được UBND thành phố tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần 3 và tặng Bằng khen; được Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè tặng nhiều Giấy khen.
Tùng Chi