TĐKT - Bắt đầu cầm máy từ năm 18 tuổi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã “săn tìm” được khối lượng ảnh nghệ thuật đồ sộ về đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt, hơn 80 năm miệt mài với bộ môn nghệ thuật ảnh, ông được giới nhiếp ảnh và công chúng nhắc đến là một nghệ sĩ “đam mê” Hà Nội.
Năm nay đã ở tuổi 100, tai phải đeo trợ thính, đôi chân không còn đủ khỏe đưa ông lang thang khắp phố phường Hà Nội cùng với chiếc máy ảnh nữa, nhưng lúc trò chuyện, bàn tay, đôi mắt của ông vẫn rất nhanh nhẹn khi giới thiệu với mọi người về cuốn album “Những khoảnh khắc” với hàng trăm bức ảnh tâm đắc mà ông đã chụp. Các con ông cười hiền “ tuổi cao nên đôi khi bố tôi bị lẫn rồi”. Nhưng nhìn cách ông lần giở mỗi một bức ảnh về Hà Nội được in trong album và kèm theo một câu chuyện tương ứng, mới thấy rằng: có lẽ cái tuổi già cũng không đủ sức mạnh để làm nhạt phai những ký ức về Hà Nội một thời qua lăng kính của người nghệ sĩ ấy.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng kể với phóng viên về những tác phẩm nghệ thuật một thời
Nói ông là nghệ sĩ đam mê Hà Nội quả thật không sai chút nào. Dù đi khắp dặm dài đất nước, đã đặt chân lên đủ 63 tỉnh, thành phố để ghi lại những hình ảnh về thiên nhiên, cuộc sống con người Việt Nam trên dọc dải non sông nhưng Hà Nội vẫn là nơi nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng dành tình yêu sâu đậm.
Vốn là cháu của danh họa Lê Phổ, nên những kiến thức về nghệ thuật thị giác, những quan điểm về mỹ thuật như màu sắc, đường nét… được nghệ sĩ Lê Vượng tiếp thu sáng tạo trong các bức ảnh nghệ thuật của mình. Các bức ảnh Hà Nội của ông luôn có sắc khí riêng, chất chứa trong đó nhiều yếu tố hội họa, và những giá trị tư liệu quý về mặt kiến trúc.
Ông đã ghi lại nhịp sống, phong cảnh và kiến trúc khắp Thủ đô Hà Nội từ những năm 1936. Đó là những mái ngói lô xô, những nếp nhà nhỏ bé, chen chúc, những bức tường lở lói, những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, những cô bán hàng rong thướt tha mặc áo dài, những người phụ nữ nhặt ve chai mặc áo mớ ba mới bảy, những ngôi làng ven đô, những sinh hoạt văn hóa đặc thù của người Tràng An...
Góc phố Hà Nội, cầu Thê Húc, tháp Rùa hay cổng chùa Trấn Quốc trong những bức ảnh đen trắng của ông đều hằn lên đường nét cá tính, chất chứa sự thăng trầm của mảnh đất Kinh kỳ. Kể cả những ảnh ông chụp làm tư liệu - về một góc chùa, một mảnh gốm cổ hay hoa văn trang trí - cũng thấy bóng dáng, hồn cốt Hà Nội qua nhiều thời kỳ. Những bức “Xuân về”, “Sáng sớm”, “Hoa gạo đầu thôn”… làm nên một phong cách ảnh hội họa về Hà Nội không trộn lẫn của nghệ sĩ Lê Vượng.
Nghệ sĩ Lê Vượng tâm sự: để chớp lấy khoảnh khắc, phải bấm liên tục nhiều lần mới mong được một bức ưng ý. Nhưng bấm máy chỉ là một thao tác kỹ thuật, còn có một bức ảnh hoàn hảo hay không lại còn phụ thuộc vào hiểu biết, tư duy, tình cảm của người bấm máy. Bởi bức ảnh không chỉ thể hiện tài của người chụp, mà còn thể hiện những giá trị hun đúc được trong cả cuộc đời.
Con trai của ông là nghệ sĩ Lê Cường bảo: là con, chúng tôi may mắn được thừa hưởng gien nghệ thuật của bố. Nhưng hơn hết, ông là tấm gương sáng dạy cho chúng tôi rằng sống là phải có đam mê và xả thân, hết mình vì đam mê ấy.
Nghệ sĩ Lê Vượng đã cầm máy ảnh đi như nghiệp sống của mình. Còn nhớ thời kỳ ông công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (từ năm 1966), với nhiệm vụ được giao là chụp ảnh, ghi tư liệu về mỹ thuật, kiến trúc cổ Việt Nam. Dù ngày ấy, đồng lương của một nhiếp ảnh gia không đủ để trang trải cuộc sống nhưng ông vẫn dành khá nhiều thời gian cho đam mê của mình.
“Cứ bốn hoặc năm giờ chiều, khi thì cùng chiếc xe đạp, khi thì bố đi bộ lang thang, cầm máy ảnh đi chụp khắp nơi Hà Nội. Ống kính của bố dường như nhìn thấy, cảm nhận rõ và nhận thức trước được rằng những lớp rêu phong trên tường, những mái nhà Pháp cổ, mái đình, chùa cổ kính theo thời gian sẽ chẳng còn nữa, cần phải lưu giữ chúng cho các thế hệ mai sau. 54 tuổi nhưng ông vẫn treo mình trên xà ngang để ghi lại kiến trúc của một mái đình cổ … ” - nghệ sĩ Lê Cường chia sẻ.
Ngay cả khi nghỉ hưu (năm 1985), hay khi tuổi già, tình yêu và đam mê nhiếp ảnh vẫn “cháy” trong ông. Sáu, bảy, tám, chín mươi tuổi, ông vẫn hào hứng trên những dặm dài, dọc ngang đất nước cùng các đồng nghiệp trẻ trong CLB Nhiếp ảnh Hồng Hà hay Câu lạc bộ Nhiếp ảnh người cao tuổi, các hoạt động của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội nhiếp ảnh Hà Nội.
Con gái ông là Tiến sĩ Lê Thiếu Ngân chia sẻ: năm 2007, khi bố tròn 90 tuổi, vừa trải qua một cuộc phẫu thuật, trong một lần tham quan núi Phú Sĩ (Nhật Bản), bố đã nhào chạy ra để chớp lấy những khoảnh khắc đẹp của mùa tuyết rơi trên đỉnh núi. 90 tuổi, ông vẫn bò dưới gốc cây chụp hất lên về chiếc lá đỏ cuối cùng mùa thu ở Hàn Quốc … Sau này những bức ảnh của ông được Đại sứ quán Hàn Quốc lựa chọn treo trang trọng ở các triển lãm.
Một đời gắn bó với nhiếp ảnh, ông đã gặt hái được nhiều thành công, nhận được nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá trong và ngoài nước: Giải thưởng Bifota của Đức năm 1967, giải ACCU của Nhật Bản năm 1984; Huy chương bạc cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Hà Nội lần thứ 35 nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô (10/2005)... Ông có nhiều tác phẩm về Thủ đô và đất nước tham gia triển lãm quốc tế: Rumani, Pháp, Ba Lan, Malaysia, Liên Xô (cũ), Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ...
Năm 2012, ông xuất bản cuốn sách ảnh khổ lớn mang tên “Những khoảnh khắc”, có giá trị đối với giới làm nghệ thuật trong nước và quốc tế. Các tác phẩm về Hà Nội có ảnh của ông đã được xuất bản: Thông sử Hà Nội, do GS Phan Huy Lê Chủ biên, UBND Thành phố xuất bản năm 1995; “Văn hóa dân gian Hà Nội” - Nhà xuất bản Hà Nội năm 1991…
Năm 2016, Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái vì Tình yêu Hà Nội được trao tặng cho ông là giải thưởng tinh thần vô giá, ghi nhận những đóng góp, tâm huyết cả đời của ông với Thủ đô Hà Nội. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương vì sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc...