Người lưu giữ nét đẹp của các làn điệu dân ca
16/07/2021 - 15:46

TĐKT - Mặc dù ở tuổi 67 nhưng bà Nguyễn Thị Kim Dung vẫn trẻ trung, năng động, vóc dáng cao ráo, giọng nói nhỏ nhẹ, gương mặt vẫn giữ được nét đẹp thời son trẻ và luôn cống hiến hết mình cho các hoạt động xã hội, đặc biệt là lưu giữ và bảo tồn các làn điệu dân ca cho người cao tuổi.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, bà sinh tại Vĩnh Phúc, nơi đó cha mẹ bà từ Hà Nội tản cư tránh giặc Pháp. Bà được cha mẹ kể lại rằng, 3 tháng tuổi, trong vòng tay mẹ, bà cùng cha mẹ và hai anh trở về Thủ đô sau ngày giải phóng. Lớn lên và đi học tại Hà Nội chưa được bao lâu, bà lại phải trở lại Vĩnh Phúc sơ tán, tránh máy bay Mỹ đánh phá. Sau đó, bà trở về học cấp III Chu Văn An – Hà Nội. Tốt nghiệp phổ thông, bà thi và trúng tuyển vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội I.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung

Năm 1976, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, bà tốt nghiệp xuất sắc và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường Đại học Sư phạm 2. Sau đó, đến năm 1985, với mong muốn ở gần gia đình, bà đã xin về công tác tại Viện Huân chương nay là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, bà giữ vị trí là chuyên viên. Tại đây, bà đã luôn nỗ lực hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tiếp đó, bà được giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp cho đến cuối năm 2009 thì bà nghỉ hưu theo chế độ. Trong quá trình công tác, bà đã được nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba.

Là người nhiệt huyết trong các công tác, dù nghỉ hưu, bà vẫn luôn mong muốn được đóng góp khả năng còn lại của mình cho họat động xã hội. Biết được tài năng và năng lực của bà, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã mời bà về làm việc. Bà đã nhận lời giữ chức vụ Chánh Văn phòng, sau đó bà lại được bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm. Làm việc tại đây, bà tham gia nhiều hoạt động: Từ điều hành, tổ chức các sự kiện của Trung tâm cho đến làm các chương trình văn nghệ mở đầu các cuộc hội, họp.

CLB Vui ca tham gia biểu diễn văn nghệ

 Chính niềm đam mê ca hát đã luôn thôi thúc bà mang tiếng hát dân ca, khả năng hát dân ca của mình đến với tất cả mọi người. Ý nghĩ thành lập nhóm văn nghệ mang tên “Tiềm năng” do thế đã ra đời. Khi thành lập nhóm này, bà đã vận động và được mọi người hưởng ứng. Ngày 2/9/2013, nhóm Tiềm năng được công bố thành lập và đi vào hoạt động, tập luyện rồi biểu diễn.

Để nhóm trở nên chuyên nghiệp hơn, bà và một số thành viên theo học ngay lớp dạy dân ca của Nghệ nhân Ưu tú Lê Cần, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát.

Bà vẫn nhớ như in, lần đầu tiên Hà Nội giãn cách xã hội vào ngày 1/4/2020, trong lúc mọi người đang lo lắng vì dịch bệnh, đang buồn phiền không được tham gia các chương trình văn nghệ và không được hát, không được giao lưu. Với trách nhiệm là nhóm trưởng cộng với lòng say mê dân ca, bà không chấp nhận phải ngừng tiếng hát. Bà đã vận động mọi người và quyết định đổi tên nhóm thành Câu lạc bộ Vui ca, cho phù hợp với tiêu chí hoạt động.

Trong thời gian chưa được tập trung học hát tại lớp, bà đã tập hát trên mạng, dạy hát trên mạng. Bà đã đảm nhận trách nhiệm chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB), điều hành mọi hoạt động của CLB và trực tiếp hưỡng dẫn các hội viên học hát dân ca. CLB đã hội tụ những người yêu thích ca hát, nhất là hát dân ca, tự nguyện tham gia với tiêu chí: Hát để mang lại niềm vui và sức khỏe cho chính mình, cho mọi người. Hát để góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa nước nhà.

Theo đó, CLB có các hoạt động như: Học hát theo lớp, theo nhóm, trực tiếp hoặc trực tuyến và hát cho nhau nghe; biểu diễn phục vụ các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội của các tổ chức, địa phương khi có nhu cầu. Để duy trì, CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 tuần 1 lần tại nhà của bà Dung.

Tiết mục của CLB Vui ca biểu diễn tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội

Góp phần giữ gìn tiếng hát dân ca, sau gần 8 năm hoạt động, với tâm nguyện bảo tồn, gìn giữ dân ca và dâng tiếng hát cho đời, CLB đã tham gia 98 buổi biểu diễn, 270 lượt tiết mục tại nhiều nơi như: Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người; Trung tâm nuôi dưỡng Người có công; Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô; Làng Hữu nghị Việt Nam; các CLB dân ca, các địa phương như: Bắc Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, quận Tây Hồ, phường Thụy Khuê, Hà Nội…

Từ 8 hội viên ban đầu, CLB hiện đã có gần 40 hội viên tuổi từ 56 – 70  đều đã nghỉ hưu, thuộc nhiều lĩnh vực nghề nghiệp và trình độ khác nhau, trong đó có 1 giáo sư, 5 tiến sĩ, 3 thạc sĩ, 10 giảng viên đại học, 5 giáo viên phổ thông, 2 cán bộ cấp vụ, nhiều chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, sĩ quan quân đội và các nhà kinh doanh. Tất cả đều chung cảm nhận sinh hoạt tại CLB Vui ca thật hữu ích, giúp cho mọi người vui, yêu đời, yêu người hơn, khỏe mạnh hơn, lại được góp phần nhỏ vào việc gìn giữ Di sản văn hóa phi vật thể đã được thế giới công nhận.

Đặc biệt, các hội viên đang góp phần chống dịch Covid-19 hiệu quả, ở nhà mà vẫn có ích. Ngày ngày, trong từng căn nhà của mỗi hội viên CLB Vui ca, lời ca quan họ vẫn được cất lên như gửi tấm lòng về tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh cái nôi của dân ca quan họ những lời cảm thông, chia sẻ, những lời cầu mong sớm qua mau đại dịch.

Khi hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà trong suốt quá trình hoạt động và thành lập CLB thì tất cả các kỷ niệm đã ùa về trong bà, bà vẫn nhớ như in buổi biểu diễn phục vụ tại Trung tâm Điều dưỡng Người cao tuổi Thiên Đức. Khi đến hội trường, các cụ đã ngồi đông đủ. Các cán bộ Trung tâm kể lại với bà, các cụ ở đây đã ngồi chờ từ 8h, trước giờ hẹn so với 1 tiếng. Có cụ háo hức chống nạng tự đi, có cụ được y tá hoặc người nhà dìu đến, có cụ được đưa đến bằng xe lăn. Bà và cả đoàn xúc động nhìn các cụ cười móm mém, vỗ tay theo lời hát của đoàn bà biểu diễn. Mặc dù ra về nhưng bà vẫn nhớ mãi cái nắm tay lưu luyến và lời tỏ bày của các cụ thích nghe hát dân ca và lần sau CLB lại đến để hát cho các cụ ở trung tâm nghe.

Tiếp đó là nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân, bà và CLB đến thăm, biểu diễn, mang lời ca tiếng hát tặng các nạn nhân chất độc da cam, đang được điều dưỡng tại Làng Hữu nghị Việt Nam, trong đó có hàng trăm cựu chiến binh vừa là thương binh, vừa là nạn nhân chất độc da cam. Cảm nhận được sự lạc quan và nghị lực vượt qua nỗi đau chiến tranh của những người lính Cụ Hồ, bà lại càng khâm phục, biết ơn họ.

Tiếng hát của CLB đã bay cao, bay xa đến Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng Miền Nam, nơi đây nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, điều dưỡng cho các thương binh Hà Nội. Cả Ban Giám đốc và hàng trăm thương binh chờ đón đoàn bà đến, họ đã hát, ngâm thơ, giao lưu cùng đoàn, mặc dù đêm trước nhiều bác thương binh còn đau vết thương suốt đêm không ngủ được.

Các hội viên đến với CLB Vui ca vào những thời điểm khác nhau nhưng các thành viên đều để lại những kỷ niệm đẹp về lòng say mê, về nghị lực, về sự gắn bó và tinh thần trách nhiệm. Bà đã truyền niềm đam mê hát đến các hội viên. Theo như bà kể, CLB có 1 hội viên bị bệnh nặng, phải phẫu thuật và điều trị hóa chất nhưng vẫn cố gắng vượt qua bệnh tật, nhanh phục hồi sức khỏe để quay trở lại với CLB, để mang tiếng hát ngọt ngào cho đời. Cũng có trường hợp đang phải điều trị xạ tại bệnh viện nhưng vẫn tham gia học hát trực tuyến cùng CLB và không bỏ học buổi nào, trường hợp hội viên đó còn truyền cảm hứng, kết nối nhiều bạn bè tham gia CLB.

Là người yêu thích âm nhạc và luôn mong muốn gìn giữ nét đẹp của dân ca quan họ đến với người cao tuổi, để luôn sống khỏe, sống có ích cho xã hội, bà Nguyễn Thị Kim Dung dự định sẽ tiếp tục thu xếp công việc và thời gian để dạy hát miễn phí ngày 2 buổi cho các nhóm của CLB trong thời gian phải hạn chế tiếp xúc do dịch Covid. Khi dịch Covid ổn định, hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường, dự kiến, bà sẽ chuyển CLB sang  địa điểm mới thuận lợi hơn và tiếp tục mời Nghệ nhân ưu tú Lê Cần đến truyền dạy dân ca cho CLB. Đồng thời, tổ chức cho các hội viên luyện tập cách biểu diễn nhiều hơn để tăng sức hấp dẫn của chương trình, nhằm lan tỏa tình yêu dân ca đến mọi người.

Hồng Thiết